Doanh nghiệp Việt Nam cần tìm vé cho “chuyến tàu” đổi mới
Sự thay đổi của dòng chảy khoa học công nghệ cùng với những thách từ nền kinh tế vĩ mô đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần phải nắm bắt thời cơ, cải thiện năng lực, sẵn sàng bước lên “chuyến tàu” đổi mới sáng tạo…
Trước sự suy yếu của nền kinh tế thế giới bởi căng thẳng địa chính trị và lạm phát gia tăng, cộng đồng đã chứng kiến sự ra đi của hàng trăm ngàn doanh nghiệp khi họ không còn khả năng duy trì cũng như tìm ra hướng đi mới để vượt qua khó khăn. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó khi nền kinh tế phát triển chậm lại đáng kể trong nửa đầu năm 2023.
Báo cáo của Tổng Cục thống kê cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2023 đã có 124.684 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, bình quân một tháng có 15.585 doanh nghiệp ngừng kinh doanh.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. HCM (Saigon Co.op), cho biết những tác động của nền kinh tế vĩ mô tại Việt Nam và thế giới vừa là thách thức nhưng cùng đã gợi mở những cơ hội, động lực mới cho doanh nghiệp Việt bước lên trên hành trình thay đổi và sáng tạo.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM (YBA HCM), Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị & CEO Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cũng như nền kinh tế Việt Nam cần có những công thức mới để có thể đưa ra những mô hình tăng trưởng mới cho cả nền kinh tế.
Mặt khác, cũng theo ông Thông, sau giai đoạn phát triển nhanh nhờ lợi thế về nhân công giá rẻ và tài nguyên cũng như những chính sách kích thích đầu tư thì các quốc gia đang phát triển sẽ đối mặt với “bẫy thu nhập trung bình”.
Trong khi đó, quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 được Quốc hội thông qua đặt mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao với nền kinh tế vận hành theo phương thức của kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng chủ yếu.
“Do đó, để đạt được những mục tiêu phát triển này và vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”, Việt Nam và các doanh nghiệp phải tìm kiếm những mô hình tăng trưởng mới mà nơi đó giá trị gia tăng dựa trên tính sáng tạo là nền tảng”, ông Thông cho biết thêm.
Nhằm thúc đẩy và khơi nguồn đổi mới để tạo động lực tăng trưởng bền vững cho doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam, InnoEx 2023 - sự kiện quốc tế thường niên thúc đẩy hoạt động đổi mới và tăng trưởng dành cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và khu vực ASEAN quay trở lại đã thu hút được nhiều sự quan tâm của thị trường.
InnoEx thu hút sự tham gia của gần 2.000 lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia tại các diễn đàn, cùng các đại diện từ hơn 70 quỹ đầu tư Việt Nam và quốc tế, hơn 200 doanh nghiệp và startups đến từ 52 quốc gia và vùng lãnh thổ và hơn 20.000 lượt người tham dự.
Bên cạnh đó, InnoEx còn “hợp lực sức mạnh” cùng với Vietnam CEO Forum 2023 - diễn đàn thường niên dành riêng cho các nhà lãnh đạo, quy tụ hơn 30.000 CEO và quản lý cấp cao trên cả nước.
Với chủ đề “Innovation - Chuyến tàu đến tương lai làm sao tìm được “vé"?”, Vietnam CEO Forum 2023 được kỳ vọng hội tụ, gắn kết những nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, CEO cùng lắng nghe, chia sẻ, thảo luận và tìm ra giải pháp cho các vấn đề quan trọng trong sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo bà Trương Lý Hoàng Phi, Phó Chủ tịch YBA HCM, Trưởng ban tổ chức Vietnam CEO Forum 2023, cho biết: “Các doanh nghiệp cần phải nhanh hơn, phải vội vã hơn chứ không còn đứng ở ngoài quan sát. Tất cả các doanh nghiệp bây giờ phải đến “nhà ga” của sự đổi mới, nhưng chúng ta phải chọn loại “vé” nào để lên được tàu đổi mới hoặc chúng ta sẽ phải chấp nhận là người đứng dưới sân ga”.
Tại sự kiện đổi mới sáng tạo quốc tế InnoEx, Công ty cổ phần Giao Hàng Tiêu Chuẩn đã ký hợp đồng đặt mua 500 xe điện với Selex Motors để hiện thực hóa xu hướng chuyển phát xanh trong ngành vận chuyển; Công ty cổ phần Giải pháp Thương mại ABA (ABA Cooltrans) hợp tác với Selex Motors đưa vào thí điểm 100 xe máy điện tích hợp các thùng lạnh tại thị trường Việt Nam.