15:26 31/10/2023

Doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ còn nhiều dư địa hợp tác đầu tư, kinh doanh

Vũ Khuê

Chuyến thăm Việt Nam gần đây của Tổng thống Biden và việc nâng cấp quan hệ song phương thành quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện là một bước ngoặt lịch sử. Cộng đồng doanh nghiệp của cả hai quốc gia có trách nhiệm tận dụng đà phát triển này để thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư hai chiều lên một tầm cao mới…

Sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, tiềm năng, cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là vô cùng to lớn.
Sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, tiềm năng, cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là vô cùng to lớn.

Ngày 31/10, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham) và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Washington phối hợp tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ lần thứ 6 nhằm đẩy mạnh quan hệ thương mại và giao thương giữa hai nước.

“ĐÒN BẨY” TỪ NÂNG CẤP QUAN HỆ LÊN ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC TOÀN DIỆN

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, cho biết qua 5 kỳ được tổ chức thành công, hội nghị đã trở thành sự kiện được mong đợi nhất của cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Doanh nghiệp hai nước đặc biệt ghi nhận cam kết ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ trong thúc đẩy kinh tế thương mại song phương, đặc biệt trong bối cảnh hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Nền kinh tế của Việt Nam từ khi đổi mới cho đến nay GDP đã tăng 50 lần. Việt Nam được xếp vào hàng 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất toàn cầu. Năm 2022 Việt Nam đứng thứ 37 thế giới về GDP. Việt Nam đang nằm trong top 20 nước có quy mô thương mại toàn cầu lớn nhất thế giới, khoảng 730 tỷ USD trong năm 2022.

"Với tầm nhìn Việt Nam đang phấn đấu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, chúng ta có thể trông đợi quy mô kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức 1.000 tỷ USD trong vòng 20 năm tới", Chủ tịch VCCI kỳ vọng.

Ông Phạm Tấn Công: "VCCI khẳng định sẽ nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hợp tác kinh tế sâu rộng và toàn diện với Hoa Kỳ".
Ông Phạm Tấn Công: "VCCI khẳng định sẽ nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hợp tác kinh tế sâu rộng và toàn diện với Hoa Kỳ".

Theo lãnh đạo VCCI, nếu Việt Nam duy trì mức tăng trưởng kinh tế từ 6%-6,5% trong một năm trong giai đoạn sắp tới thì tới năm 2045, theo tính toán GDP của Việt Nam sẽ vượt mức 1500 tỷ USD và như vậy Việt Nam sẽ có vị thế mới trong nền kinh tế thế giới.

“Tương lai này cho thấy hợp tác kinh doanh, đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ có rất nhiều dư địa và cơ hội tuyệt với để tăng trưởng và phát triển”, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Bà Gina Raimondo-Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ cũng vui mừng cho rằng hai nước đang có những cơ hội chưa từng có để thắt chặt hơn nữa các mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia.

Phát biểu tại hội nghị, ông John Rockhold, Chủ tịch AmCham, nhấn mạnh rằng: “Với việc nâng cấp quan hệ gần đây, có thể thấy đây là một thời điểm quan trọng và cơ hội tuyệt vời để hợp tác hoàn thiện khung chính sách và cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư mới và giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp hiện tại phát triển”.

Theo chia sẻ của ông John Goyer - Giám đốc Điều hành khu vực Đông Nam Á, Phòng Thương mại Hoa Kỳ, chuyến thăm Việt Nam gần đây của Tổng thống Biden và việc nâng cấp quan hệ song phương thành quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện là một bước ngoặt lịch sử. Giờ đây, chúng ta đang chứng kiến một đà phát triển chưa từng thấy trong quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

“Cộng đồng doanh nghiệp của cả hai quốc gia có trách nhiệm tận dụng đà phát triển này để thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư hai chiều lên một tầm cao mới, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính phủ hai nước để vượt qua thách thức và trở ngại hiện có”, ông John Goyer nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, tiềm năng, cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là vô cùng to lớn, được xác định là động lực chủ yếu và là động cơ vĩnh cửu thúc đẩy song phương.

CHỦ ĐỘNG NẮM BẮT CƠ HỘI

Tuy nhiên, với tình hình thế giới ngày nay biến động nhanh, phức tạp với nhiều diễn biến chưa có tiền lệ sẽ ảnh hưởng lớn đến cộng đồng doanh nghiệp thế giới, trong đó có Việt Nam và Hoa Kỳ.

Để tận dụng các cơ hội và ứng phó với các thách thức này, ông Phạm Tấn Công cho rằng doanh nghiệp hai nước càng cần có sự chủ động, sáng tạo và gắn kết hơn nữa để vượt qua khó khăn, nắm bắt thời cơ của cách mạng công nghệ số, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt trong những dư địa hai bên còn rất nhiều tiềm năng hợp tác, đầu tư như cơ sở hạ tầng, hàng không, năng lượng sạch và bền vững, chế tạo – chế biến, sản xuất chíp bán dẫn, chuyển đổi số, y tế, dược phẩm...

Đồng thời, Chính phủ hai nước tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác tốt đẹp trên cơ sở quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện dựa trên 10 trụ cột, trong đó, quan hệ kinh tế-thương mại và đầu tư tiếp tục là trụ cột chính và là động lực quan trọng; hợp tác về giáo dục đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo là các lĩnh vực đột phá.

Với chức năng và nhiệm vụ là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, VCCI khẳng định sẽ nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hợp tác kinh tế sâu rộng và toàn diện với Hoa Kỳ và là cầu nối giúp các doanh nghiệp Hoa Kỳ để kinh doanh và đầu tư hiệu quả tại Việt Nam, tiếp tục đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ.

Bổ sung thêm, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI chỉ rõ những lĩnh vực tiềm năng mà doanh nghiệp của cả hai nước có thể hợp tác tốt để phát triển bền vững. Đó là về Net Zero. Doanh nghiệp hai nước có tiềm năng thúc đẩy hơn nữa hợp tác lĩnh vực điện khí (LNG), năng lượng sạch, năng lượng tái tạo góp phần phát triển thương mại hai chiều hài hòa và thực hiện mục tiêu an ninh năng lượng.

Một vấn đề khác, chuyển đổi số ở Việt Nam đang diễn ra rất nhanh trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế như thương mại, ngân hàng tài chính, du lịch, y tế giáo dục đến giải trí… Trong giai đoạn 2019 - 2022, kinh tế số tại Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, là một trong ba quốc gia phát triển kinh tế số hàng đầu khu vực. Là một nước đi trước, các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể hợp tác và chia sẻ với doanh nghiệp Việt Nam  kinh nghiệm phát triển kinh tế số.

Hay về lĩnh vực dược phẩm, Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn để các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm. Dư địa để khai thác các tiềm năng thương mại trong ngành dược cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ còn rất nhiều, cơ hội cho hợp tác và phát triển của các doanh nghiệp dược vẫn còn phía trước.