19:05 12/12/2022

Doanh nghiệp xuất khẩu “đuối dần”, Bình Dương tìm nhiều giải pháp trợ lực

Song Hoàng

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bình Dương, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có khoảng 37.000 công nhân tạm hoãn hợp đồng lao động và trên 250.000 lao động giảm giờ làm...

Đã có khoảng 37.000 người lao động tại Bình Dương bị tạm hoãn hợp đồng lao động, giảm thu nhập
Đã có khoảng 37.000 người lao động tại Bình Dương bị tạm hoãn hợp đồng lao động, giảm thu nhập

Thông tin về những khó khăn của doanh nghiệp, lãnh đạo Sở Lao động thương binh xã hội Bình Dương cho biết đa số các doanh nghiệp ngành xuất khẩu đang chịu nhiều ảnh hưởng, đơn hàng mới không có, nhiều đơn hàng cũ bị hủy.

Một số doanh nghiệp sau thời gian khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng đã không thể tiếp tục duy trì việc làm cho người lao động, phải sắp xếp cho người lao động giảm giờ làm, nghỉ luân phiên hoặc thậm chí cắt giảm lao động.

Đối với ngành gỗ, sau dịch bệnh Covid-19, chuỗi cung ứng đứt gãy; lãi suất ngân hàng tăng, nhu cầu người tiêu dùng giảm; từ tháng 6/2022 đến nay doanh số xuất khẩu của doanh nghiệp giảm, đơn hàng ngành gỗ còn khoảng 40%.

Từ phía doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay một số doanh nghiệp đang cố gắng hoạt động để giữ công nhân, tìm các đơn hàng, chờ thị trường phục hồi.

Các doanh nghiệp có 3 đề xuất: Nhà nước cho doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội trong thời gian nhất định không tính tính lãi, đề xuất ngân hàng cho giãn nợ, không đẩy doanh nghiệp nợ quá hạn lên nhóm trên sẽ ảnh hưởng đến sản xuất doanh nghiệp và có những chính sách cùng doanh nghiệp hỗ trợ người lao động.

Trước nhu cầu cần được hỗ trợ của doanh nghiệp, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương thông tin, các đơn vị này đã tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thêm đơn hàng sản xuất, tạo việc làm cho người lao động.

Ông Nguyễn Thanh Toàn – Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương chia sẻ: "Bên cạnh việc tận dụng các thị trường truyền thống với 15 Hiệp định EVFTA; Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh xây dựng chương trình triển khai năm 2022 và tiếp tục triển khai trong năm 2023, đó là mở rộng xúc tiến thương mại tại một số thị trường mới với sự hỗ trợ của Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương bao gồm thị trường Ấn Độ, Nam Mỹ, Trung Đông và Trung Quốc, với quy mô dân số trên 3 tỷ người tại các thị trường này, kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận đẩy mạnh sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp".

Hiện tại, Bình Dương có Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) kết nối với 170 Trung tâm Thương mại trên thế giới, Sở Công Thương đang đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp trong tỉnh ra các Trung tâm Thương mại trên thế giới, đồng thời tiếp tục tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại đưa thông tin kết nối để doanh nghiệp Bình Dương tìm kiếm thị trường mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh khẳng định tỉnh tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp, làm cơ sở để tỉnh đề ra kế hoạch phù hợp nhằm ổn định lao động, việc làm một cách căn cơ, dài hạn, đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới được bền vững.

Sắp tới, tỉnh sẽ tiếp tục kiện toàn Tổ công tác chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp và đề ra những giải pháp cụ thể.

Đối với những kiến nghị của doanh nghiệp trong khả năng của tỉnh, tỉnh sẽ giải quyết tháo gỡ để giúp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đối với các vấn đề ngoài phạm vi của tỉnh, UBND tỉnh sẽ kiến nghị Trung ương có thêm những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.