10:49 02/02/2012

Đổi giờ học, giờ làm: Thầy trò loay hoay ứng phó

Mỹ Phương

Ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện đổi giờ học, giờ làm, phụ huynh, học sinh và ngay cả giáo viên, lãnh đạo các trường cũng bối rối

Học sinh trung học phổ thông phải vào học lúc 7h sáng nên khá vội vàng.
Học sinh trung học phổ thông phải vào học lúc 7h sáng nên khá vội vàng.
Trong ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện đổi giờ học, giờ làm, không ít phụ huynh, học sinh và ngay cả giáo viên, lãnh đạo các trường cũng bối rối.

Ngày 1/2/2012, các trường học trên địa bàn 10 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên và 2 huyện Thanh Trì, Từ Liêm bắt đầu thực hiện điều chỉnh giờ học, giờ làm theo chỉ đạo của UBND Tp.Hà Nội.

Theo đó, đối với cán bộ công chức công tác ở sở, phòng giáo dục và đào tạo thời gian bắt đầu làm việc buổi sáng từ 8h và kết thúc giờ làm việc buổi chiều là 17h. đCán bộ, giáo viên làm việc trong các trường học thời gian làm việc hàng ngày thực hiện theo giờ học tập của học sinh và phân công của lãnh đạo đơn vị.

Học sinh các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thời gian bắt đầu lớp học buổi sáng từ 8h và kết thúc lớp học chiều vào 17h, còn học sinh, sinh viên các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng, đại học thời gian bắt đầu học buổi sáng từ trước 7h hàng ngày và kết thúc giờ học buổi chiều sau 19h hàng ngày.

Chị Nguyễn Quỳnh Lan, khu đô thị mới Pháp Vân cho biết, chị có đứa con gái đang học tại trường mẫu giáo Pháp Vân. Nếu như trước đây, chị đưa con đến lớp vào lúc 7h sau đó đến cơ quan làm việc là vừa kịp 8h. Theo việc điều chỉnh giờ học của con, chị sẽ đến cơ quan muộn khoảng 20-30 phút sau khi đưa con tới trường vì từ nhà chị đến chỗ làm ít nhất là một giờ đồng hồ.

Thầy Hoàng Gia Long, Giáo viên Trường trung học phổ thông Lý Thường Kiệt cũng chia sẻ, thường thì trường họp hội đồng sau tiết 3 của ngày thứ 4 nhưng nay, việc này đã được thực hiện vào lúc 13h. Về cơ bản, cũng không có xáo trộn gì nhiều, tuy nhiên, thời gian nghỉ trưa là tương đối dài (từ 11h30-14h30). Sáng ngày 1/2, cũng chỉ khoảng 10 học sinh đi học muộn.

Cô Đoàn Đức Hạnh, Phó hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Quang Trung (Đống Đa) cho biết, một trong những khó khăn nhất của ban giám hiệu nhà trường khi thực hiện đổi giờ học ở chỗ giáo viên cũng là phụ huynh, cũng phải chăm lo cho gia đình. Thực hiện việc đổi giờ học giờ làm như hiện nay thì ai sẽ đón con? Ai lo bữa tối? Làm sao để có thể cân bằng giữa công việc và gia đình?

Theo sự điều chỉnh của UBND Tp.Hà Nội, học sinh khối trung học phổ thông, đại học, cao đẳng... sẽ vào học trước 7h và kết thúc ngày học sau 19h. Thời gian biểu mới này đã khiến nhiều học sinh gặp khó. Hầu hết các bạn cho rằng việc kết thúc học buổi chiều sau 19h là quá muộn.

Sinh viên Nguyễn Thị Kim Dung, Trường Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội băn khoăn khi với lịch học sẽ phải sắp xếp lại thời gian học thêm tiếng Anh vào buổi tối.

Ông Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường dân lập Lương Thế Vinh thì đang lo không biết sẽ phải giải quyết việc thuê xe đưa đón học sinh thế nào. Là một trường phổ thông đa cấp học, có cả bậc trung học phổ thông và trung học cơ sở, trước đây, giờ học của cả hai cùng vào lúc 7h nên trường bố trí xe đưa đón.

Tuy nhiên, nay học sinh trung học phổ thông vào từ 7h, học sinh trung học cơ sở học từ 8h. Nếu bố trí hai xe riêng đưa đón thì tốn kém, nhưng nếu đi chung thì bất tiện cho học sinh, còn để học sinh tự lo thì bất tiện cho phụ huynh.

Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội cho biết, trong những ngày đầu thực hiện, nếu có học sinh đi muộn, trường cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để học sinh sinh viên vào học, tránh tình trạng học sinh không được vào lớp vì lý do đi học muộn giờ. Nếu cha mẹ học sinh chưa kịp đón con, trường cần có biện pháp quản lý học sinh chờ gia đình đến.

Cũng theo ông Thống, về lâu dài, để cải thiện có hiệu quả tình trạng ùn tắc giao thông của Thủ đô, ngoài việc thực hiện đổi giờ học, rất cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khác như tạo chuyển biến về ý thức chấp hành luật của người dân, cải thiện hạ tầng giao thông...