16:43 19/12/2021

Đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 76-2021

Kinh tế Việt Nam - VnEconomy

Mời quý độc giả đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 76 phát hành ngày 20-12-2021 với nhiều chuyên mục hấp dẫn...

Dù gặp vô vàn khó khăn bởi đại dịch Covid-19 nhưng phong trào khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam trong năm 2021 vẫn phát triển mạnh mẽ. Con số hơn 1,3 tỷ USD đã được ghi nhận đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, mức cao nhất từ trước tới nay, đã minh chứng rõ phần nào những nỗ lực và nhiệt huyết của những người theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp sáng tạo.

Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 76-2021
Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 76-2021

Hàng loạt hoạt động hỗ trợ đầu tư khởi nghiệp, kết nối, gọi vốn trực tiếp giữa các start-up với nhà đầu tư, quỹ khởi nghiệp; các diễn đàn, tọa đàm để gỡ khó cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tìm cách mở đường cho các startup đi đến IPO… đã được đưa ra phân tích, bàn luận sâu sắc và phong phú trong chuỗi sự kiện TECHFEST 2021.

Trong số báo ra sáng mai, Thứ Hai ngày 20/12/2021, Tạp chí Kinh tế Việt Nam bộ mới số 76-2021 sẽ dành chuyên mục Tiêu điểm cho Techfest 2021 với những chia sẻ của người trong cuộc, những người đã đang xây dựng sự nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.

Các bài viết bao gồm:

- Khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo toàn dân. Thủ tướng cho rằng, đổi mới sáng tạo là sự nghiệp của toàn dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân, triển khai đồng bộ, tổng thể, liên thông, toàn diện ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp; đổi mới sáng tạo phải trở thành phong trào, truyền cảm hứng, thu hút sự tham gia của tất cả mọi người; có sự kết nối giữa các cá nhân với tập thể, với cả nước và toàn cầu, hài hòa giữa lợi ích cá nhân, lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích chung của nhân loại. (Hồng Vinh).

- Hút vốn đầu tư vào các công nghệ tiên phong Việt. Việt Nam đang nổi lên là một quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển các công nghệ tiên phong như Blockchain, NFT... Việc tháo gỡ các rào cản về vốn để thu hút giới đầu tư toàn cầu vào các lĩnh vực này sẽ giúp cho các công nghệ như vậy thực sự “cất cánh”. (Thu Hoàng).

- Techfest 2021 tăng chất công nghệ và đổi mới sáng tạo. Techfest 2021 với chủ đề “Đổi mới sáng tạo - Kiến tạo tương lai” đã khép lại với Top 10 startup nhận được các khoản đầu tư, các gói hỗ trợ lên đến 500.000 USD và cơ hội tiếp xúc với hơn 60 quỹ/nhà đầu tư trong nước và quốc tế. (Minh Hà).

- Đường đến IPO của startup Việt. Trong năm qua, một số nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore và Philippines... ghi nhận 54 thương vụ phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) với tổng giá trị là 5 tỷ USD. Trong khi đó, tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm vẫn chưa có thương vụ IPO nào. (Hồng Vinh).

- Gỡ điểm nghẽn về cơ chế cho khởi nghiệp sáng tạo. Số lượng doanh nghiệp trích lập Quỹ phát triển khoa học rất nhỏ, tư duy về đổi mới sáng tạo của một bộ phận lớn doanh nghiệp chưa theo kịp với xu thế, và đặc biệt là chính sách về đổi mới sáng tạo còn rất nhiều điểm nghẽn cần phải tập trung tháo gỡ… (Nam Anh).

Và nhiều bài viết cho các chuyên mục khác:

- "Đất lành chim đậu". Trong cuốn sách “Viet Nam – Land of Opportunities” (tạm dịch: Việt Nam – đất nước của những cơ hội), do Bộ Ngoại giao phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam biên soạn và xuất bản đầu tháng 12 này, có nội dung giới thiệu 10 địa phương thuộc top đầu thu hút vốn FDI, với TP. Hồ Chí Minh ở vị trí số 1 (48,19 tỉ USD, tính đến cuối năm 2020). TP. Hồ Chí Minh ở vị trí dẫn đầu top 10 địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất không phải là chuyện lạ. Điều đó hoàn toàn hợp với logic phát triển kinh tế. (Nguyễn Quốc Uy).

- Hoàn thiện thể chế số, “nuôi dưỡng” sáng tạo. Khi phương thức sống của con người thay đổi, pháp luật cũng cần thay đổi kịp thời. Điều này đòi hỏi Nhà nước cần chủ động hoàn thiện thể chế để tận dụng mọi cơ hội, tạo cú huých để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, hướng đến xây dựng quốc gia số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển các sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh tế mới… (Đỗ Phong).

- Tái cơ cấu để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch. Xây dựng lại nền kinh tế phải đặt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 có thể kéo dài và có những yếu tố bất định để có giải pháp phù hợp, sát với tình hình thực tế hơn nhằm không lỡ nhịp với chuyển động của kinh tế thế giới. (Vũ Khuê).

- Ngân hàng “án binh” chờ tín hiệu mới từ room ngoại. Sau làn sóng ngân hàng đồng loạt thực hiện khoá tỷ lệ sở hữu (room) của nhà đầu tư nước ngoài hồi đầu năm, đến nay thị trường vẫn chưa ghi nhận thêm thương vụ bán vốn nào mới. Tính đến 30/6/2021, thị trường có 19 tổ chức tín dụng có cổ đông là tổ chức nước ngoài sở hữu trên 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, trong đó ngân hàng thương mại nhà nước có 3/4 ngân hàng và ngân hàng thương mại cổ phần là 16/28 ngân hàng; 11 tổ chức tín dụng có tỷ lệ sở hữu cổ phần của tổ chức nước ngoài trên 15%, trong đó có 5 tổ chức tín dụng có tỷ lệ sở hữu cổ phần của tổ chức nước ngoài trên 25%. (Vũ Phong).

- Nới room sở hữu, hút vốn ngoại vào khu vực ngân hàng. Để duy trì tăng trưởng GDP và đạt được mức thu nhập trên trung bình vào năm 2035, tăng trưởng tự thân của khu vực ngân hàng sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu tài chính của đất nước. “Nới” tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại sẽ là giải pháp phù hợp cho Việt Nam trong thời gian tới. Theo bà Vanessa Vizcarra Bianchi, Phụ trách phát triển kinh doanh thượng nguồn lĩnh vực tài chính (Tập đoàn Tài chính quốc tế - IFC), khi các nền kinh tế ngày càng lớn mạnh và phức tạp, thị trường tài chính cũng phải bắt kịp nhịp phát triển để hỗ trợ sự tăng trưởng này. (Ngân Hà).

- Cấp tín dụng điện tử: Cho phép nhưng chưa dám làm. Cho phép thực hiện nghiệp vụ cấp tín dụng thông qua phương thức điện tử, nhưng việc quy định còn chung chung, có thể gây khó dễ, đẩy các ngân hàng và khách hàng đến chỗ tranh chấp pháp lý. Đó là ý kiến của giới chuyên môn tại một tọa đàm mới đây do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức. (Đào Hưng).

- Bất thường giá khủng trúng lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm? Kết quả đấu giá đất lên tới 2,43 tỷ đồng/m2 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm khiến nơi này trở thành một trong những khu vực có giá đất đắt nhất thế giới. (Linh Lan).

- Sau đứt gãy, doanh nghiệp nỗ lực nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Liên tục trong vòng 12 tuần bắt đầu từ giữa tháng 10, Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Nam (IDCS) đã phối hợp với các chuyên gia tư vấn cải tiến sản xuất Việt Nam và Hàn Quốc tổ chức các phiên thảo luận trực tuyến về “Tổ chức tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để cải tiến sản xuất tại các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh khu vực phía Nam”. Với mục tiêu tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để cải tiến sản xuất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, chương trình muốn thúc đẩy doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi sản xuất toàn cầu. (Lưu Hà).

- Tiếp sức giúp logistics vượt qua những điểm yếu “cốt tử”. Ngành logistics được ví như “mạch máu” của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thị trường logistics tại Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đánh giá đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát và các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại phục hồi, tăng trưởng trở lại. (Huyền Vy).

- 9 rủi ro với kinh tế thế giới trong năm 2022. Nhiều chuyên gia cho rằng kịch bản chính cho kinh tế thế giới năm 2022 là sự phục hồi tiếp tục diễn ra, với áp lực giá cả dịu đi và chính sách tiền tệ dịch chuyển khỏi các biện pháp khẩn cấp thời đại dịch. Tuy nhiên, có một số rủi ro khiến kịch bản này có thể không trở thành hiện thực. (An Huy).