16:22 09/01/2022

Đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 2-2022

Kinh tế Việt Nam – VnEconomy

Mời quý độc giả đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 2 phát hành ngày 10-1/2022 với nhiều chuyên mục hấp dẫn...

Với 5 cấu phần rõ rệt, thậm chí có danh mục các dự án cụ thể, chi tiết, thiết kế chính sách sát hơn và trúng hơn với nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đang được Chính phủ trình lên Quốc hội tại kỳ họp bất thường diễn ra từ ngày 4/1/2022 đến ngày 11/1/2022, đã nhận được nhiều phản hồi.

Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 2-2022
Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 2-2022

Theo dự kiến, quy mô Gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội dù thấp hơn nhiều so với những đề xuất trước đây, nhưng với khoảng 350.000 tỷ đồng tập trung thực hiện trong 2 năm 2022 - 2023, nhằm khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, tạo sức bật tăng trưởng lên mức 6,5 - 7%/năm. Tuy nhiên, tại các phiên thảo luận tổ cũng như các ý kiến từ giới chuyên môn, vẫn còn không ít những băn khoăn.

Mục tiêu cốt yếu của Chương trình phục hồi này là chấp nhận bội chi và đi vay để sau thời hạn nhất định thu hồi được kết quả lớn hơn. Vì thế, vấn đề cốt lõi mà đề án cần trả lời là với hơn 346.000 tỷ đồng, chúng ta sẽ thu được kết quả gì? Chương trình sẽ mang lại những hệ lụy gì? tác động ra sao để kiểm soát rủi ro? Hoặc khi chấp nhận tăng bội chi 240.000 tỷ đồng mạnh tay thúc đẩy tăng trưởng, tuy nhiên, từ bài học xương máu năm 2009, điều các chuyên gia kinh tế lo ngại, tiền chảy vào lĩnh vực đầu cơ hay lợi dụng chính sách?...

Xung quanh chủ đề "nóng" này, trong số báo ra sáng thứ Hai, 10/1/2022, trong chuyên mục Tiêu điểm "Gói phục hồi kinh tế: Sức bật mới cho tăng trưởng", Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã ghi lại những phản hồi cũng như các ý kiến từ các chuyên gia, đại biểu quốc hội, người dân và doanh nghiệp về dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội quan trọng này.

Các bài viết bao gồm:

- Gói phục hồi và phát triển kinh tế: Quyết sách cần “đúng và trúng”. Trước những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, đặc biệt là làn sóng dịch lần thứ tư từ tháng 4/2021, nền kinh tế Việt Nam đang cần một “cú hích” lớn để bắt nhịp đà phục hồi kinh tế thế giới, cũng như không bỏ lỡ cơ hội bứt tốc trở lại sau cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng chưa từng có trong lịch sử. “Cú hích” này đang dần được hiện thực hóa với việc Chính phủ chính thức trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội vào sáng ngày 4/1/2022. (Nguyễn Tuyến).

- Cần chính sách yểm trợ kịp thời cho người dân và doanh nghiệp. Đại dịch Covid-19 kéo dài sang năm thứ ba với những biến thể mới, phức tạp, nguy hiểm hơn. Nguy cơ lỡ nhịp phục hồi, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không có chính sách kiểm soát, ứng phó với dịch bệnh trong tình hình mới và những chính sách “yểm trợ” người dân, doanh nghiệp kịp thời. (Ánh Tuyết).

- Cải cách thể chế mạnh mẽ, hỗ trợ quan trọng cho doanh nghiệp. Ảnh hưởng của dịch bệnh tới hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn rất lớn. Bên cạnh hỗ trợ về tiền bạc là cần thiết, hỗ trợ quan trọng hơn cho doanh nghiệp là cải cách thể chế mạnh mẽ, đơn giản hóa, cắt giảm các thủ tục hành chính trong kinh doanh, tạo đà cùng cả nước nhanh chóng phục hồi. (Vũ Khuê).

Và nhiều chuyên mục hấp dẫn:

- Triển khai kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2022: Liệu có tạo được đột phá? Việt Nam đã vượt qua năm 2021 đầy cam go, đồng thời tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý trong ứng phó với dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.Đó là căn cứ để tin rằng thành tựu kinh tế - xã hội năm 2022 sẽ cao hơn năm 2021. (Nguyễn Quốc Uy).

- Việt Nam – Trung Quốc: Bàn giải pháp tháo gỡ tắc nghẽn hàng biên mậu. Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc vừa tổ chức kỳ họp lần thứ nhất Nhóm công tác thuận lợi hóa thương mại Việt – Trung nhằm tập trung trao đổi các biện pháp nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại biên giới, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hợp tác thương mại hiện nay và tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại song phương thời gian tới. (Huyền Vy).

- Bức tranh doanh thu, lợi nhuận khối doanh nghiệp nhà nước. Tổng doanh thu năm 2021 của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đạt 99% kế hoạch, 821.295 tỷ đồng, bằng 108% so với năm 2020, trong đó có 6 đơn vị không đạt kế hoạch doanh thu và 5 đơn vị không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận… (Thủy Diệu).

- 2022: Chứng khoán tiếp tục ghi dấu ấn. Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2022 tuy không đông đủ như mọi năm nhưng cũng đủ ấm áp để đón một mùa xuân mới với những kỷ lục được kỳ vọng sẽ nối dài trong năm 2022. (Hoài Vũ).

- Nắn vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên. Trong 6 tháng đầu năm 2022 và cả năm 2022, các tổ chức tín dụng dự kiến "nới lỏng nhẹ" tiêu chuẩn tín dụng tổng thể của đơn vị mình và áp dụng với hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên... (Đào Vũ).

- 2022: Nguồn tiền vẫn đổ vào bất động sản. Trên thị trường bất động sản, nguồn cung mới đã sụt giảm từ những năm trước, đến nay vẫn tiếp tục sụt giảm bởi dịch bệnh và vướng mắc về chính sách chưa được tháo gỡ triệt để. Mất cân đối cung – cầu nghiêm trọng đang diễn ra ở nhiều đô thị lớn. Đặc biệt, giá nhà ở đang neo cao, ảnh hưởng lớn đến công tác an sinh xã hội. Thực tế này đòi hỏi cần có những giải pháp hữu hiệu nhằm định hình lại thị trường trong thời gian tới. (Phan Dương).

- Kiểm soát hiệu quả ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới. Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mà Chính phủ đặt ra liên tục từ năm 2014 tới nay chỉ có thể được thực hiện được hiệu quả nếu có sự đồng bộ trong việc rà soát, bãi bỏ các ngành nghề đầu tư kinh doanh, điều kiện kinh doanh (hiện có) với việc kiểm soát hiệu quả các ngành nghề đầu tư kinh doanh, điều kiện kinh doanh mới. (Hương Loan).

- Ngành than vượt “bão dịch”, về đích ấn tượng. Năm 2022, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục mục tiêu kiểm soát tốt dịch bệnh theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo toàn và phát triển nguồn vốn. (Huyền Văn).

- Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. (Mạnh Đức).

- Lấp khoảng trống nhà ở công nhân: Cần sửa luật và quy định. Thu nhập của công nhân rất hạn chế, việc mua nhà là không dễ. Vấn đề phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp cần cơ chế chính sách, nguồn lực như thế nào? Cơ quan nào sẽ tạo ra hệ thống nhà ở cho công nhân?… (Ban Mai).

- Xuất khẩu nông sản sang EU tăng mạnh nhờ EVFTA. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào châu Âu đã tăng vọt từ con số 3,7 tỷ USD năm 2020 lên 5,59 tỷ USD năm 2021, tăng trưởng tới 51%. Đây có thể coi là thành quả rất lớn từ tác động của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU có hiệu lực từ tháng 8/2020… (Quảng Tuệ).Xuất khẩu trên 3 tỷ USD, ngành cao su trở lại thời  hoàng kim. Năm 2021, xuất khẩu của ngành cao su đã cán đích với 3,24 tỷ USD, tăng 36,2% so với năm 2020. Kết quả này không những là kỷ lục mới mà còn đưa ngành cao su trở lại thời hoàng kim sau 10 năm lao đao vì giá xuất khẩu bấp bênh. (Chu Khôi).

- Khung pháp lý chưa theo kịp thực tế phát triển game online. Mặc dù ngành game Việt Nam được đánh giá có tiềm năng phát triển rất lớn và là một trong những mũi nhọn trong nền kinh tế số, nhưng theo các chuyên gia, hiện nay khung pháp lý cho vấn đề này vẫn chưa đủ để theo kịp thực tế phát triển, nhất là trước những xu thế công nghệ mới. Hiện có nhiều doanh nghiệp game Việt đã đăng ký thành lập ở Singapore và đóng thuế ở đó thay vì ở Việt Nam. (Đỗ Phong).

- Nhức nhối nạn săn bắt động vật hoang dã ở Mù Cang Chải. Được đánh giá là khu rừng nguyên sinh đẹp bậc nhất vùng Tây Bắc, Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái rộng trên 20.000ha với thảm động thực vật phong phú, trong đó có nhiều loài quý hiếm ghi trong Sách đỏ. Mặc dù lực lượng kiểm lâm tại đây đã rất quyết liệt ngăn chặn các vụ vi phạm lâm luật, nhưng tình trạng phá rừng lấy gỗ và săn bắt động vật hoang dã vẫn diễn ra nhức nhối... (Chương Phượng).

- Thế hệ gen Z: “Nắm giữ” tương lai tiêu dùng. Theo Anphabe, hãng tuyển dụng hàng đầu châu Á, khác với các thế hệ trước, có tới 81% những người trẻ gen Z (thế hệ sinh ra từ giữa thập niên 90 và đầu những năm 2000) tự tin hiểu rõ bản thân, biết mình thích và không thích làm gì. (Minh Nguyệt).

- Dự định của Fed khiến giới đầu tư bất an. Tháng 12 vừa qua, thị trường tài chính toàn cầu đã trải qua những phiên giao dịch đầy lo lắng sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tuyên bố Fed sẽ đẩy nhanh tiến độ cắt giảm chương trình mua tài sản và dự kiến tăng lãi suất 3 lần trong năm 2022. Giờ đây, giới đầu tư còn bất an hơn khi Fed bắt đầu tính đến việc cắt giảm quy mô của bảng cân đối kế toán. (An Huy).