15:44 26/06/2022

Đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 26-2022

Tạp chí Kinh tế Việt Nam- VnEconomy

Mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 26 phát hành ngày 27-06-2022 với nhiều chuyên mục hấp dẫn...

Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 26-2022.
Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 26-2022.

Nhà ở chung cư đang được Chính phủ và các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương khuyến khích nhằm tiết kiệm quỹ đất, tập trung dân cư... khi Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 tỷ lệ nhà ở chung cư tại Hà Nội và TP.HCM là 80%, các địa phương còn lại từ 30-50%.

Bởi lẽ, phát triển căn hộ chung cư là xu hướng tất yếu trong bối cảnh quỹ đất xây dựng các dự án bất động sản ngày càng hạn hẹp. Đồng thời, sống tại căn hộ chung cư cũng là lựa chọn ưa thích không chỉ của những người ít tiền mà cả những người giàu, thậm chí rất giàu.

Như vậy, con số 4.422 nhà chung cư trên cả nước sẽ được tăng lên nhanh chóng khi các dự án nhà ở thương mại được hoàn thành cùng với tốc độ đô thị hoá mạnh mẽ của Việt Nam.

Tuy nhiên, mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất sở hữu có thời hạn 50-70 năm đối với nhà ở chung cư trong việc lấy ý kiến cho dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Đề xuất này ngay lập tức đã nhận được rất nhiều luồng tranh luận, bởi đây là một vấn đề dân sinh rất lớn, ảnh hưởng đến hàng chục triệu người trong tương lai.

Một số ý kiến đồng tình, trong khi phần đông lại không, bởi đối với người dân thì nhà ở chính là một tài sản để dành, cũng như nhà ở luôn gắn với sở hữu lâu dài vĩnh viễn.

Liệu vấn đề sở hữu có thời hạn đối với nhà chung cư có phù hợp với thời điểm hiện nay và nó sẽ tác động tới nhà đất, căn hộ chung cư như thế nào đang rất được thị trường quan tâm?

Trong số báo ra sáng mai, thứ Hai, ngày 27-6-2022, Tạp chí Kinh tế Việt Nam sẽ dành trọn tiêu điểm cho câu chuyện thời sự: "Sở hữu chung cư: Có cần niên hạn?" và phần nào giải đáp những câu hỏi được đặt ra .

Các bài viết bao gồm:

- Cơ sở nào để áp niên hạn chung cư? Với những lợi thế vượt trội về giá cả, tiện ích… chung cư đã và đang trở thành lựa chọn ưu tiên của hàng chục triệu người dân có nhu cầu về nhà ở tại các đô thị. Bởi vậy, việc áp dụng thời hạn sở hữu chung cư mà Bộ Xây dựng đề xuất ngay lập tức nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều. (Phan Dương).

- Thiếu trầm trọng nhà ở có giá phù hợp tại các đô thị lớn. Làm thế nào để tăng nguồn cung nhà ở có giá bán phù hợp với khả năng tài chính của đại đa số người dân tại các thành phố lớn của Việt Nam đang là bài toán nan giải… (Ban Mai).

- Đề xuất áp dụng thời hạn sở hữu nhà chung cư: Nhiều luồng tranh luận. Mới đây, khi lấy ý kiến cho dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng đã đề xuất áp dụng thời hạn đối với sở hữu nhà chung cư. Đề xuất này ngay lập tức tạo ra rất nhiều luồng tranh luận trái chiều. Có ý kiến đồng tình nhưng cũng không ít ý kiến phản đối bởi cho rằng, với người dân, nhà ở là một tài sản để dành, luôn gắn với sở hữu lâu dài, vĩnh viễn. Việc đặt ra vấn đề sở hữu có thời hạn đối với nhà chung cư liệu có phù hợp với thời điểm hiện nay, và nó sẽ có tác động tới thị trường nhà đất, thị trường căn hộ chung cư thế nào? (Kiều Linh - Phan Anh - Đào Hưng).

- Quyền sở hữu căn hộ chung cư và mối quan hệ với quyền sử dụng đất. Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được công bố vào năm 2021 của Bộ Xây dựng đã có báo cáo đánh giá tác động sau 6 năm thực hiện Luật Nhà ở 2014 và cho rằng cần bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư… Theo Bộ Xây dựng, nhà ở chỉ là một tài sản có thời hạn sử dụng nhất định, do đó việc sở hữu nhà ở phải tương ứng với thời hạn sử dụng của nhà ở. Ngoài ra, pháp luật đất đai cũng quy định thời hạn giao đất cho chủ đầu tư nhà chung cư được xác định theo thời hạn dự án, người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài. Tuy nhiên, luật xây dựng quy định công trình, nhà ở có thời hạn sử dụng nhất định (không thể tồn tại lâu dài). (Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM).

- Giải quyết tận gốc “vấn nạn” chung cư: Cần giải pháp căn cơ. Thời gian qua, hàng loạt những sai phạm trong quy hoạch, quản lý, giám sát xây dựng các khu chung cư cao tầng tại Hà Nội và không ít tỉnh, thành phố lớn đã  bộc lộ. Việc để doanh nghiệp xây dựng “láo nháo” sai phép, chồng tầng, phá nát quy hoạch, nhồi càng nhiều khách vào một mặt sàn càng tốt cùng nhiều vụ cháy nổ… đã khiến các tòa nhà nhanh chóng xuống cấp. Nhưng thay vì đi tìm các giải pháp để nâng cao chất lượng, tuổi thọ công trình thì cơ quan quản lý đã đề xuất giải pháp lạ. Đó là siết niên hạn sử dụng chung cư, để dễ đập đi xây lại sau 50, 70 năm. (Song Hoàng).

Và nhiều chuyên mục hấp dẫn khác:

- Bệ đỡ để đất Chín Rồng “cất cánh”. Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị cùng Chương trình hành động của Chính phủ theo Nghị quyết số 78/NQ-CP không chỉ là hành lang pháp lý mà còn là kim chỉ nam, là “cẩm nang” để vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, mạnh và bền vững trong thế đi lên cùng cả nước. (Nguyễn Quốc Uy).

- “Có những chuyện tưởng đơn giản mà lại làm khó đầu tư công”. Không có chuyện phân cấp, phân quyền và các quy định của Luật Đầu tư công đang làm khó đầu tư công. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định có nhiều nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, có những quy định tưởng là đơn giản mà lại ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ giải ngân các dự án. (Anh Nhi thực hiện).

- Hóa giải vướng mắc xử lý nợ xấu tại Nghị quyết 42. Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được nhiều người ví von là “thượng phương bảo kiếm” để tổ chức tín dụng thực thi quyền đòi nợ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù nắm trong tay “thanh bảo kiếm” nhưng việc đòi nợ không dễ dàng bởi hàng loạt vướng mắc, thậm chí có những quyền năng trong đó chưa từng một lần được sử dụng. (Đào Vũ).

- Một thời “nở rộ”, vì đâu dự án PPP “đóng băng”? Các chuyên gia cho rằng, dự án hợp tác công - tư (PPP) từng là lời giải cho bài toán thu hút vốn đầu tư, từ đó, “thay áo” cho hạ tầng giao thông cũng như chữa “bệnh nan y” của đầu tư công. Tuy nhiên, hàng loạt vướng mắc, trong đó trở ngại lớn từ nguồn vốn làm nản lòng các nhà đầu tư nhiệt huyết, gây nỗi lo “đóng băng” các dự án PPP. (Ánh Tuyết).

- Blockchain ở Việt Nam: Vì sao mới chỉ được hiểu là tiền số? Blockchain là công nghệ nền tảng, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau, tuy nhiên, ở Việt Nam, xu hướng mới này mới được hiểu và “đánh đồng” là tiền số hay còn gọi là tiền kỹ thuật số (Crypto). Vậy thế giới đang ứng dụng công nghệ Blockchain như thế nào? Ở Việt Nam, những lĩnh vực gì có thể nhanh chóng ứng dụng Blockchain? Phỏng vấn ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, đồng thời cũng là Chủ tịch Decom Holdings, Nhà sáng lập Diễn đàn Phổ cập Blockchain. (Mạnh Chung thực hiện).

-Edtech Việt - cầu nối đưa trẻ trở thành công dân toàn cầu. Lựa chọn các sản phẩm công nghệ giáo dục (Edtech) phù hợp và sử dụng thông minh, hiệu quả sẽ tạo ra những bước tiến đáng kể, góp phần hiện thực hóa mong muốn trở thành công dân toàn cầu của thế hệ trẻ Việt Nam. (Hoàng An).

- Mối lo thị trường bất động sản Trung Quốc tụt dốc. Trong lúc sự chú ý của thế giới tập trung vào tác động kinh tế của việc phong tỏa chống Covid-19 ở Thượng Hải và Bắc Kinh, sự sụt giảm của thị trường bất động sản Trung Quốc có thể mới chính là vấn đề gây ra những ảnh hưởng sâu sắc hơn đến sức khỏe của nền kinh tế nước này cũng như kinh tế toàn cầu. (An Huy).

- Dịch chuyển vốn đầu tư và những lưu ý với Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn khỏi thị trường tài chính Trung Quốc với quy mô và vận tốc lớn. Điều này đặt ra những điều cần lưu ý đối với thị trường Việt Nam. (Kiều Mai).

- Hà Nội chưa nên tăng học phí năm học 2022-2023. Hà Nội vừa đưa ra dự thảo lấy ý kiến lộ trình tăng học phí bắt đầu từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026 đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, nhiều ý kiến không đồng tình với mức tăng cũng như lộ trình này. (Lý Hà).

- Xuất khẩu lao động lấy lại đà tăng trưởng. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hơn hai năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, sau khi kiểm soát tốt dịch bệnh, thị trường xuất khẩu lao động đã bắt đầu khởi sắc. (Dũng Hiếu).

- Phát triển kinh tế ban đêm để phục hồi du lịch. Lợi thế của mô hình kinh tế ban đêm là thu hút khách du lịch và tạo điểm nhấn, màu sắc cho từng địa phương, vùng miền. Do đó, nếu kinh tế ban đêm càng được đầu tư đa dạng và phong phú thì  càng có khả năng giữ chân du khách và kích thích nhu cầu chi tiêu. (Tuệ Mỹ).

- Mỹ phẩm thuần chay:  Thay đổi thị trường làm đẹp. Mỹ phẩm thuần chay tuy không phải là khái niệm quá mới, nhưng gần đây đã trở thành xu hướng và đặc biệt gây “sốt” trong nhóm khách hàng Gen Z - các bạn trẻ có nhận thức cao về sức khỏe và vấn đề môi trường. (Tường Bách).