16:00 27/02/2022

Đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 9-2022

Kinh tế Việt Nam – VnEconomy

Mời quý độc giả đón đọc Kinh tế Việt Nam số 9-2022 phát hành ngày 28-02-2022 với nhiều chuyên mục hấp dẫn...

Thị trường tài chính toàn cầu đã trôi qua một năm 2021 rực rỡ huy hoàng với đà tăng ở hầu hết các loại hình tài sản như chứng khoán, trái phiếu và bất động sản nhờ động lực tiền rẻ ngập tràn. Các nhà đầu tư vì thế cũng đã có một "mùa màng bội thu", tại Việt Nam cũng vậy. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, kỷ nguyên của tiền rẻ nay đã không còn khi mà Fed rục rịch tăng lãi suất, cổ phiếu chịu áp lực rút vốn lớn trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng. Với Việt Nam, nhiều chuyên gianhận định sẽ có giai đoạn lạm phát vượt 4% trong năm nay, trong khi kỳ vọng của Chính phủ cả năm lạm phát dưới 4%. Áp lực lạm phát càng kinh khủng hơn khi mà căng thẳng Nga - Ukraine khiến giá cả hàng hoá leo thang, giá dầu có lúc đã cán mốc 105 USD/thùng trong những phiên gần đây.

Bất ổn vĩ mô lớn. Vậy đầu tư vào kênh nào để sinh lời tốt nhất trong năm 2022? Cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản liệu có còn là kênh đầu tư an toàn với tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn? Nhà đầu tư cần lưu ý đặc biệt những vấn đề gì khi đổ tiền vào ba kênh đầu tư trên?

Trong số báo ra sáng mai, thứ Hai, 28/2/2022, Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 9/2022 sẽ dành trọn chuyên mục Tiêu điểm với chủ đề “Triển vọng đầu tư năm 2022” để ghi lại ý kiến, những quan điểm về đầu tư của các chuyên gia tại Tọa đàm thường niên FiinGroup Invest Summit diễn ra ngày 25/2/2022.

Các bài viết bao gồm:

- Kinh tế chuyển trạng thái, cơ hội đầu tư gia tăng. Sau một năm liên tục chuyển trạng thái từ lạc quan, đau thương rồi hy vọng do những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế năm 2022 được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ với sự gia tăng các dòng vốn đầu tư. (Đặng Hương).

- Đầu tư không còn dễ, chứng khoán năm 2022 vẫn hấp dẫn? Năm 2021, thị trường chứng khoán rực sáng với hoạt động giao dịch sôi động đầy bất ngờ, đồng thời mang lại mức lợi nhuận bằng lần cho nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, thị trường đã xuất hiện những quan điểm thận trọng về triển vọng tăng trưởng. (Vũ Phong).

- Thị trường trái phiếu doanh nghiệp hứa hẹn sôi động. Đánh giá về tiềm năng thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2022, nhiều chuyên gia cho rằng thị trường này vẫn sẽ tiếp đà sôi động khi cơ quan quản lý đang nỗ lực nâng cao chất lượng thị trường, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.  Tuy nhiên, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp vẫn có thể mang lại “trái đắng” nếu nhà đầu tư không nhận diện rõ những rủi ro bên cạnh những nỗ lực nắn chỉnh thị trường của nhà quản lý. (Ánh Tuyết).

- Đầu tư bất động sản: Có cả cơ hội lẫn rủi ro. Cùng với chứng khoán, 2021 là một năm ghi nhận sự sôi động chưa từng có của thị trường bất động sản trong khoảng 10 năm trở lại. Giá bất động sản đã tăng hầu hết ở các phân khúc với tâm điểm chính là đất nền. Bước sang năm 2022, theo nhận định của giới chuyên môn, cơ hội cho giới đầu tư vẫn luôn còn đó nhưng sẽ có nhiều rủi ro hơn cần lưu ý. (Kiều Linh).

Cùng nhiều bài viết hấp dẫn khác:

- Nơi các mạch tư duy kinh tế “hợp lưu). Năm 2022 là thời điểm thử thách cả Chính phủ và doanh nghiệp để cùng vượt qua khó khăn trên tinh thần “đồng cam cộng khổ”, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. (Nguyễn Quốc Uy).

 - Lập Quy hoạch tổng thể quốc gia: Xóa bỏ nghịch lý “63 nền kinh tế”. “Chúng ta có 63 nền kinh tế địa phương giống nhau nhưng độc lập và tách rời. Đây là nghịch lý đã tồn tại trong nhiều năm nay mà chưa thể khắc phục. Bàn về không gian phát triển tại hội thảo về lập Quy hoạch tổng thể quốc gia được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, sự chia cắt này đang gây lãng phí nguồn lực phát triển trên quy mô lớn, hình thành xu hướng đua tranh không lành mạnh, thậm chí là “cạnh tranh cùng xuống đáy” giữa các tỉnh trong thu hút nguồn lực, thu hút đầu tư. (Ngân Hà).

- Xây dựng kịch bản điều hành giá để lường trước mọi tình huống. Lạm phát năm 2022 dự báo nhiều áp lực tăng. Do đó, cần căn cứ tình hình thực tế, có phương án điều hành phù hợp cũng như phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và ổn định đời sống của người dân. Đồng thời, cần xây dựng thêm kịch bản để “lường trước tình huống xấu hơn”. (Huyền Vy).

- Đại dịch Covid 19: Triển khai ra sao chính sách với nhân viên y tế? Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, nhân dân luôn dành sự tôn vinh trân trọng nhất tới những “lương y như từ mẫu” nơi tuyến đầu chống dịch. Đồng thời có những chính sách hỗ trợ, động viên cả về vật chất lẫn tinh thần tới lực lượng tuyến đầu này. (Dũng Hiếu).

- Khủng hoảng địa chính trị và những ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán. Lịch sử từ 29 cuộc khủng hoảng địa chính trị từ sau Chiến tranh Thế giới lần II cho thấy mức độ biến động của thị trường chứng khoán do ảnh hưởng của khủng hoảng là rất lớn, đặc biệt là các sự kiện liên quan đến chiến sự vì tình hình thay đổi theo từng giờ. (TS.Võ Đình Trí, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, IPAG Business School và AVSE Global).

- Lấp “khoảng trống” cho tăng trưởng xanh. Trong số 30 tỷ USD vốn dự kiến để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được 30%. Vì vậy, việc đẩy mạnh các sản phẩm tài chính xanh, trong đó có trái phiếu xanh, sẽ là công cụ hữu hiệu để lấp đầy “khoảng trống” về vốn. (Anh Nhi).

- Ngăn chặn thất thu thuế: Mua bán, chuyển nhượng nhà đất hai giá. Hàng loạt địa phương đã có văn bản yêu cầu siết chặt tình trạng chuyển nhượng nhà đất, bất động sản hai giá, giá kê khai trên hợp đồng thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế để né thuế. (Nhĩ Anh).

- Doanh nghiệp lo ngân hàng tăng lãi suất cho vay. Ghi nhận trên thị trường từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo hướng tăng lên. Điều này khiến các doanh nghiệp e ngại rằng lãi suất cho vay cũng sẽ tăng trong thời gian tới. (Đào Vũ).

- Doanh nghiệp phía Bắc thiếu hụt lao động do Covid-19. Sau Tết Nguyên đán, dịch bệnh Covid-19 với những diễn biến phức tạp đã gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp và công nhân lao động tại các tỉnh phía Bắc… (Tường Bách).

- Vận tải biển loay hoay ngay tại “sân nhà”, lo chết yểu. Thị phần vận tải hàng xuất nhập khẩu do đội tàu biển Việt Nam đảm nhận ngày càng tụt dốc trong khi lượng tàu container gần như không tăng trưởng, chỉ chiếm vỏn vẹn 4%. Sự lạc hậu khiến đội tàu biển không đủ sức vận hành tuyến biển xa và không nắm bắt được thời cơ do hiệp định thương mại tự do mang lại. (Ánh Tuyết).

- Làm chủ công nghệ lõi trong nền kinh tế số. Việc làm chủ các công nghệ lõi của Cuộc cách mạng 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain), NFT, học máy (Machine Learning) được xem là nền tảng quan trọng để Việt Nam có thể “cất cánh” vươn lên, phát triển mạnh mẽ kinh tế số, xã hội số. Chỉ có làm chủ công nghệ lõi mới có thể tạo ra các sản phẩm Make in Vietnam, mới kiến tạo được nền kinh tế số an toàn bảo mật. (Nhĩ Anh).

- Mobile Money vẫn đang “dò đường”. Nếu so sánh đơn thuần với các dịch vụ viễn thông khác về tốc độ phát triển thuê bao trong cùng thời gian hai tháng dịch vụ có mặt trên thị trường thì Mobile Money có tốc độ triển khai khá chậm. Lãnh đạo nhiều nhà mạng cho rằng dịch vụ dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) vẫn đang ở giai đoạn… “dò đường”. (Thủy Diệu).

- Nhanh chóng tháo “điểm nghẽn”, chớp cơ hội phục hồi ngành hàng không. Sự tăng trưởng đột biến về hành khách và số lượng chuyến bay khai thác của ngành hàng không được ví von như “lò xo” bị nén chặt gần 2 năm, nay là lúc bật lên mạnh mẽ. Tuy nhiên, để đạt mức tăng trưởng như trước dịch, những điểm nghẽn về hạ tầng cần được tháo gỡ và giải pháp kích cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách tiếp cận vào thị trường phải tính toán kỹ. (Anh Tú).

- Doanh nghiệp sản xuất đứng trước áp lực tăng giá. Khi giá các loại xăng, dầu, gas bán lẻ tăng cao sẽ gây ra hệ lụy tới đời sống, thị trường, nhiều áp lực tới chi tiêu của người dân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp… (Lưu Hà).

- Thời trang “chậm” sẽ lại soán ngôi. Ngoài lĩnh vực sản xuất, còn có những hành vi tiêu thụ và bảo trì khác đang dần dần  làm cạn kiệt tài nguyên của trái đất. Thuật ngữ thời trang “chậm” mô tả các quy trình sản xuất và các sản phẩm tạo ra, bằng cách nào đó, ở cực đối diện của thời trang “ nhanh"… (Minh Nguyệt).

- Cục diện “bàn cờ khí đốt” giữa xung đột Nga-Ukraine. Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine là một trong những cuộc khủng hoảng an ninh tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Khủng hoảng này được dự báo có ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường năng lượng toàn cầu, đặc biệt là thị trường khí đốt châu Âu. (An Huy).