Đồng Baht mạnh nhất 6 năm, Thái Lan loay hoay ứng phó
Ngân hàng Trung ương Thái Lan đang cân nhắc triển khai các biện pháp bổ sung để kiềm chế đà tăng giá của đồng Baht
Ngân hàng Trung ương Thái Lan đang cân nhắc triển khai các biện pháp bổ sung để kiềm chế đà tăng giá của đồng Baht, trong bối cảnh đồng nội tệ của nước này đạt mức tỷ giá cao nhất trong 6 năm so với đồng USD, gây sức ép lên tăng trưởng kinh tế.
Trong biên bản cuộc họp ngày 25/9 của Ngân hàng Trung ương Thái Lan vừa được công bố ngày 9/10, cơ quan này nói rằng nền kinh tế Thái Lan có thể trở nên nhạy cảm hơn với sự tăng giá của đồng Baht. Đồng nội tệ tăng giá sẽ là "một áp lực nữa" đối với nhu cầu trong nước đang yếu đi, nhất là ở những lĩnh vực sản xuất và dịch vụ liên quan đến xuất khẩu, theo biên bản được hãng tin Bloomberg trích dẫn.
Ngân hàng Trung ương Thái Lan "nhận thấy sự cần thiết phải giám sát chặt chẽ các diễn biến tỷ giá, sự di chuyển của các dòng vốn, và ảnh hưởng đến nền kinh tế qua nhiều kênh khác nhau, cũng như đang cân nhắc thực thi các biện pháp bổ sung vào thời điểm phù hợp nếu cần thiết".
Hồi tháng 7, Ngân hàng Trung ương Thái Lan triển khai các biện pháp hạn chế dòng vốn ngắn hạn chảy vào nước này vì lo ngại đồng Baht tăng giá sẽ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu vốn đang chịu áp lực từ thương chiến Mỹ-Trung.
Từ đầu năm đến nay, đồng Baht đã tăng giá 7% so với USD, trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất ở khu vực châu Á.
Các biện pháp bổ sung mà Ngân hàng Trung ương Thái Lan cân nhắc áp dụng có thể bao gồm tiếp tục nới lỏng quy chế về chuyển vốn ra nước ngoài nhằm khuyến khích doanh nghiệp và người dân Thái Lan tăng đầu tư danh mục ở nước ngoài. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Thái Lan cũng tính sẽ hợp tác với các cơ quan hữu quan khác để "khuyến khích đầu tư nhằm giảm thặng dư tài khoản vãng lai".
Tỷ giá đồng Baht ngày 9/10 có lúc tăng lên 30,334 Baht đổi 1 USD, mức cao nhất kể từ tháng 6/2013.
Trong cuộc họp tháng 9, Ngân hàng Trung ương Thái Lan giữ nguyên lãi suất cơ bản, sau khi hạ lãi suất về 1,5% trong tháng 8.
Ngân hàng Trung ương Thái Lan nói "cần phải giữ dư địa chính sách để phòng trường hợp xảy ra rủi ro trong tương lai, cũng như cần phải theo dõi tác động của việc giảm lãi suất và các biện pháp kích thích tài khóa đối với nền kinh tế". Trong thời gian tới, cơ quan này sẽ hành động tùy theo các dữ liệu kinh tế, chú trọng các số liệu về tăng trưởng, lạm phát và rủi ro đối với ổn định tài chính.