Dòng tiền tự tin gom hàng T+3, gần 60 mã cổ phiếu nhỏ vẫn kịch trần
Phiên giao dịch đầu tiên đón lượng hàng kỷ lục về tài khoản lại “bình yên” khá bất ngờ. Trong khi VN-Index và VN30-Index chao đảo một nhịp khá mạnh chiều nay, nhưng các cổ phiếu vừa và nhỏ được thu gom mạnh và giữa giá rất tốt...
Phiên giao dịch đầu tiên đón lượng hàng kỷ lục về tài khoản lại “bình yên” khá bất ngờ. Trong khi VN-Index và VN30-Index chao đảo một nhịp khá mạnh chiều nay, nhưng các cổ phiếu vừa và nhỏ được thu gom mạnh và giữa giá rất tốt.
Thị trường Việt Nam thường có hiệu ứng T+3 rõ nét do chưa có bán khống hoặc bán cổ phiếu trên đường về. Do đó phiên kỷ lục gần 49 ngàn tỷ đồng (cả thỏa thuận) trên hai sàn niêm yết hôm 3/11 vừa qua là một mối lo ngại lớn.
Nếu tính về biên độ tăng giá T+3 thì các blue-chips không lời lãi nhiều. Các cổ phiếu “ăn đậm” nhất là hàng đầu cơ, cổ phiếu nhỏ. Tuy nhiên hôm nay các mã blue-chips lại chao đảo nhiều hơn cả các mã nhỏ.
Đà tăng trong phiên sáng khá tốt và đầu phiên chiều thị trường bứt tốc mạnh hơn. VN-Index đạt đỉnh khoảng 1h20, tăng 0,96% trên tham chiếu. VN30-Index cũng đạt đỉnh cùng lúc, tăng 0,66%. Từ đỉnh này nhóm vốn hóa lớn bị bán mạnh, hình thành một nhịp lao dốc khá mạnh.
VN-Index từ đỉnh cao 1470,49 điểm rơi xuống 1456,9 điểm, tức là mất khoảng 1% trong khoảng 1 giờ đồng hồ. VN30-Index thậm chí còn rơi xuống dưới tham chiếu 0,2%. Những cổ phiếu gây xáo trộn lớn nhất vẫn là các trụ: GAS bốc hơi tới 2,61% so với tham chiếu và chạm đáy lúc 2h10, cùng với đáy của các chỉ số chính. VHM từ tăng giá đảo sang giảm 0,61%; CTG đang tăng nhẹ 0,31% thành giảm 1,07%... Nhiều blue-chips lớn khác tuy không giảm xuyên qua tham chiếu, nhưng biến động trong nhịp lao dốc tương đối mạnh như BID “bổ nhào” trong nhịp lao dốc này tới 1,92% kể từ đỉnh; VPB giảm 1,44%...
Đợt ép trụ này có ảnh hưởng nhất định đến xu hướng chung của toàn thị trường: VN-Index đạt đỉnh khoảng 1h20, chỉ số này có 320 mã tăng/139 mã giảm. Lúc chạm đáy, chỉ số có 236 mã tăng/226 mã giảm. Hẳn phải có hoạt động bán ra đủ mạnh để ép hàng trăm cổ phiếu đảo chiều từ tăng sang giảm như vậy và rất nhiều mã khác phải co hẹp mức tăng lại.
Tuy nhiên các cổ phiếu chống đỡ khá nhất trong nhịp rơi này lại là nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Midcap lẫn Smallcap cũng trượt dốc ở nhịp này nhưng vẫn duy trì độ cao rất tốt, đồng thời hồi phục nhanh. Chốt phiên Midcap tăng 1,77%, Smallcap tăng 1,13%. Hai rổ này có 23 mã kịch trần trong tổng số 35 mã trên cả sàn.
Khá nhiều cổ phiếu nhỏ chịu áp lực bán mạnh phiên này, dâng thanh khoản lên rất cao. GEX khớp tới trên 586 tỷ đồng với 17,2 triệu cổ. Nhà đầu tư dũng cảm bắt đáy hôm 3/11 đã có lãi trên 19% chỉ trong một vòng T+3. Cổ phiếu này kịch trần từ sáng và sức mua đủ trụ vững trước các đợt xả buổi chiều. Đóng cửa GEX vẫn kịch trần. HAG trong T+3 cũng lãi 14,5%, giao dịch 23,88 triệu cổ. DXG, AMD, VIX, QBS... đều khớp khối lượng lớn và giá vẫn giữ được mức kịch trần.
Thanh khoản tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ khá cao hôm nay: Midcap đạt 10.188 tỷ đồng, gần tương đương rổ VN30; Smallcap đạt 4.958 tỷ đồng. Dù vậy so với phiên kỷ lục T+3 trước đó, thanh khoản này vẫn thấp hơn nhiều. Điều đó nghĩa là nhà đầu tư ngắn hạn vẫn chưa muốn tung hết hàng ra bán ngay khi cổ phiếu về tài khoản.
Rổ VN30 cũng tăng thanh khoản tốt với 10.312 tỷ đồng khớp lệnh, tăng 34% so với phiên trước. Giao dịch lớn ở nhóm này có sự đóng góp của cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán. Nổi bật là SSI khớp tới 1.393,8 tỷ đồng, TCB khoảng 1.116,3 tỷ đồng. Hai nhóm cổ phiếu này có sự phục hồi mạnh, nhưng chứng khoán tăng đều hơn. Hầu hết các mã chứng khoán lớn duy trì được đà tăng mạnh về cuối phiên, dù chịu một áp lực cực mạnh cùng với chỉ số lao dốc.
Cổ phiếu chứng khoán hút dòng tiền một phần ví giá biến động lớn. Ví dụ SSI hôm nay lao dốc khoảng 2,12% cùng nhịp với VN-Index buổi chiều, HCM trượt khoảng 2,71%, VCI trượt 2,73%, VND mất khoảng 2,8%... Dù các mã này tổng thể dù lao dốc nhưng vẫn trên tham chiếu. Kết phiên nhóm chứng khoán đều tăng mạnh.
Phiên thanh khoản khá tốt với 32.712 tỷ đồng khớp lệnh và 2.961 tỷ đồng thỏa thuận trên hai sàn hôm nay cho thấy giao dịch rất cởi mở. Nhà đầu tư ngắn hạn có lời tốt muốn bán hoàn toàn có thể tìm thanh khoản dễ dàng. Kết phiên các chỉ số duy trì đà tăng, độ rộng HoSE tới 288 mã tăng/174 mã giảm. HNX cũng có 164 mã tăng/80 mã giảm. Phiên T+3 với thanh khoản kỷ lục như vậy là rất tích cực.