Đồng USD được mua mạnh, giá vàng đuối sức
Đồng USD tăng giá khá mạnh do nhu cầu phòng ngừa rủi ro của giới đầu tư, khiến giá vàng thế giới bị ghìm ở vùng 1.790 USD/oz. Giá vàng trong nước sáng nay (18/8) đi ngang....
Lúc gần 10h trưa theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.791,1 USD/oz, tăng 4 USD/oz so với đóng cửa đêm qua tại New York. Mức giá này tương đương khoảng 49,5 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại Ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.
Trong phiên Mỹ đêm qua, giá vàng giao ngay giảm 0,8 USD/oz, chốt ở 1.787,1 USD/oz.
Giá vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội lúc gần 10h trưa theo niêm yết của Tập đoàn Phú Quý là 56,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,6 triệu đồng/lượng (bán ra), không thay đổi so với sáng hôm qua.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC cũng giữ nguyên báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 56,65 triệu đồng/lượng và 57,35 triệu đồng/lượng.
Nhẫn tròn trơn 999,9 của Phú Quý có giá 50,8 triệu đồng/lượng và 51,8 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với hôm qua.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng bán lẻ đang cao hơn 7,9-8,1 triệu đồng/lượng.
Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 22.730 đồng (mua vào) và 22.930 đồng (bán ra), giảm 5 đồng/USD ở cả hai đầu giá so với sáng qua.
Theo hãng tin CNBC, nhu cầu phòng ngừa rủi ro của giới đầu tư quốc tế tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 17/8. Nhiều nhà đầu tư tìm đến những tài sản an toàn với mong muốn bảo toàn giá trị trong bối cảnh biến chủng Delta của Covid-19 lây lan mạnh và bất ổn chính trị ở Afghanistan.
Tuy nhiên, đồng USD lại là kênh đầu tư an toàn được nhà đầu tư ưa chuộng hơn ở thời điểm này, thay vì vàng. Chỉ số Dollar Index vì thế tăng 0,5% trong phiên giao dịch đêm qua, vượt ngưỡng 93,1 điểm.
Theo chiến lược gia cấp cao Daniel Pavilonis của RJO Futures, đồng USD tăng giá gây áp lực giảm lên giá vàng. Tuy nhiên, giá vàng được hỗ trợ bởi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm.
Các số liệu kinh tế Mỹ công bố ngày thứ Ba không cho thấy một bức tranh rõ ràng về nền kinh tế. Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh thu bán lẻ tháng 7 giảm 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái, không đạt dự báo của giới phân tích. Trong khi một báo cáo khác cho thấy sản lượng của các nhà máy ở Mỹ tăng vọt trong tháng 7.
Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến cùng ngày, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nói chưa rõ liệu biến chủng Delta có thể gây ảnh hưởng đáng kể nào lên kinh tế Mỹ hay không. Ông Powell cũng nói nhiều công ty Mỹ đến nay vẫn thích nghi được với tình hình dịch bệnh.
Phát biểu này được xem như một dấu hiệu cho thấy làn sóng ca nhiễm Covid mới ở Mỹ chưa hề làm suy chuyển quan điểm của Fed rằng sự phục hồi kinh tế vẫn đi đúng hướng.
Tiếp theo, Fed sẽ công bố biên bản cuộc họp tháng 7 vào ngày thứ Tư. Biên bản này sẽ cho nhà đầu tư thấy rõ hơn về quan điểm của Fed về lạm phát, tăng trưởng, thị trường lao động. Hôm thứ Hai, Chủ tịch Fed chi nhánh Boston, ông Eric Rosengren, nói rằng Fed có thể bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản ngay từ tháng 9 nếu có thêm một bản báo cáo việc làm khả quan.
“Chúng tôi tin rằng việc Fed tiến tới cắt giảm chương trình mua tài sản đã được phản ánh hết vào giá vàng. Vấn đề còn lại là chương trình này sẽ được cắt giảm với tốc độ như thế nào”, nhà phân tích James Steel của HSBC viết trong một báo cáo.