Giá vàng tuần tới: Đã đến lúc để mua?
Các nhà phân tích nói rằng vàng đang được giới đầu tư chú ý trở lại, sau khi kinh tế Mỹ có một số dữ liệu không đạt kỳ vọng. Thị trường dự báo doanh thu bán lẻ giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, và nếu mức giảm đưa ra lớn hơn dự báo, giá vàng sẽ có cơ hội tăng...
Thị trường vàng thế giới đang trải qua một mùa hè đầy biến động: tuần này, có lúc giá vàng giảm dưới 1.700 USD/oz rồi chốt tuần trên 1.780 USD/oz. Tỷ giá đồng USD tiếp tục là nhân tố chính chi phối diễn biến giá vàng trong tuần.
Trao đổi với trang Kitco News, các nhà phân tích nói rằng vàng đang được giới đầu tư chú ý trở lại, sau khi kinh tế Mỹ có một số dữ liệu không đạt kỳ vọng.
MỨC GIÁ HỢP LÝ ĐỂ MUA?
Số liệu công bố hôm thứ Sáu cho thấy chỉ số niềm tin người tiêu dùng tháng 8 do Đại học Michigan thực hiện sụt xuống mức 70,2 điểm, từ mức 81,2 điểm của tháng 7. Hôm thứ Tư, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 do Bộ Lao động Mỹ công bố tăng yếu hơn so với mức tăng của tháng 6.
Những số liệu này khiến đồng USD yếu đi và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, theo đó hỗ trợ giá vàng.
“Đồng USD rớt giá, với chỉ số Dollar Index sụt gề 92,5 điểm và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ các kỳ hạn 10 năm, 30 năm đều giảm mạnh”, chiến lược gia trưởng Bart Melek của TD Securities nhấn mạnh. “Thị trường đang lo lắng một chút về nền kinh tế và sự lây lan của biến chủng Delta”.
Chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được hoạch định dựa trên các số liệu kinh tế vĩ mô, nên trong bối cảnh như hiện nay, nếu Fed có bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản thì tốc độ cắt giảm cũng sẽ không mạnh như một số dự báo - ông Melek nói. “Chúng ta vừa chứng kiến một số dữ liệu không tốt lắm, và thị trường đang phản ứng với điều đó”.
Chuyên gia kim loại quý Everett Millman của Gainesville Coins thì cho rằng dữ liệu lạm phát cho thấy áp lực giá cả ở Mỹ có thể đã đạt đỉnh. Điều đó có nghĩa là Fed không còn phải vội cắt giảm chương trình mua tài sản để ứng phó với lạm phát.
Ông Millman nói thêm rằng mức giá dưới 1.800 USD/oz vàng là tuyệt vời để mua vào, khiến kim loại quý này trở nên khá hấp dẫn trên phương diện kỹ thuật.
“Việc vàng giảm giá vừa qua đã dẫn tới sự xuất hiện của một vùng giá rất hấp dẫn. Một điều đáng khích lệ là giá vàng phục hồi nhanh. Vào hôm thứ Hai, giá vàng có lúc giảm dưới 1.700 USD/oz, nhưng chi vài giờ sau đã tái lập mốc này”, ông Millman nhấn mạnh. “Tôi sẽ không bất ngờ nếu giá vàng bứt phá qua mức 1.800 USD/oz vào tuần tới. Giờ tôi đã lạc quan hơn về triển vọng tăng giá của vàng”.
Cũng theo ông Millman, một tín hiệu khả quan nữa là nhu cầu vàng vật chất ở khu vực châu Á đang khởi sắc. “Có một số dấu hiệu tích cực từ phía nhu cầu. Chúng tôi nhận thấy nhu cầu vàng trang sức và tiền xu vàng đang tăng lên ở Ấn Độ do nhiều người tranh thủ mua ở vùng giá thấp”.
Cách đây 2 tuần, TD Securities khuyến nghị bán khống vàng, nhưng giờ đây, công ty này xem 1.784 là ngưỡng kháng cự tiếp theo của kim loại quý này. “Chúng tôi đã có một trạng thái bán khống vàng và đã chốt lãi ở mức 1.707 USD/oz. Quan điểm của tôi hiện nay là giá vàng sẽ còn tăng vì lãi suất vẫn đang thấp”, ông Melek nói.
VẤN ĐỀ TRẦN NỢ MỸ VÀ BIÊN BẢN CUỘC HỌP FED
Một vấn đề được giới đầu tư quan tâm trong tuần tới là vấn đề trần nợ quốc gia của Mỹ. Tuần này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen một lần nữa kêu gọi Quốc hội nước này nâng trần nợ, nếu không Chính phủ Mỹ sẽ sớm rơi vào cảnh phải đóng cửa vì hết ngân sách. Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh mâu thuẫn giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hoà tiếp tục ở mức cao.
“Trần nợ là một vấn đề đáng chú ý, nhưng vẫn còn thời gian để giải quyết. Bà Yellen đang thúc đẩy chuyện này, nhưng lịch sử cho thấy đó sẽ là một việc khó”, ông Melek nhận định.
Trong những cuộc khủng hoảng trần nợ trước đây của Mỹ, giá vàng thường tăng. “Mối lo về trần nợ có thể sẽ là một nhân tố thúc vàng tăng giá, vì vàng có mối quan hệ chặt chẽ với nợ quốc gia. Kể từ năm 1971, khi Mỹ từ bỏ chế độ bản vị vàng, giá vàng thường tăng cùng với nợ quốc gia”, ông Millman nói.
Vấn đề trần nợ Mỹ luôn được giải quyết, nhưng nếu vấn đề này khiến thị trường lo lắng, giá vàng rất dễ tăng. “Vàng là một kênh đầu tư phòng rủi ro mỗi khi chính phủ trở nên bất cẩn với chính sách tài khoá”, ông Millman nói thêm.
Trong số các dữ liệu vĩ mô được công bố tuần tới, quan trọng nhất sẽ là doanh thu bán lẻ tháng 7 công bố vào ngày thứ Ba. Thị trường dự báo doanh thu bán lẻ giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, và nếu mức giảm đưa ra lớn hơn dự báo, giá vàng sẽ có cơ hội tăng.
Ngoài ra, thị trường còn quan tâm đến phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại một sự kiện trực tuyến vào ngày thứ Ba và biên bản cuộc họp tháng 7 của Fed dự kiến công bố vào ngày thứ Tư.
“Cho dù nhiều thành viên của Fed đã trở nên cứng rắn hơn, ông Powell vẫn kiên nhẫn, và ông ấy có thể giữ vững lập trường này. Kinh tế Mỹ vẫn đang đối mặt với một số rủi ro tăng trưởng, bao gồm biến chủng Delta của Covid-19, nhân tố có thể gây ra những gián đoạn trong ngành vận tải biển”, theo ông Millman.
Về biên bản cuộc họp Fed, thị trường sẽ tìm kiếm các dấu hiệu về cắt giảm chương trình mua tài sản.
“Nội dung cuộc họp tháng 7 của Fed có thể bàn đến một số khía cạnh của việc cắt giảm chương trình mua tài sản. Dữ liệu việc làm và lạm phát mới nhất càng đẩy mạnh cuộc tranh luận này, nhưng tâm điểm chú ý sẽ là tốc độ cắt giảm, thay vì thời điểm bắt đầu cắt giảm”, chuyên gia kinh tế trưởng James Knightley của ING nhận định. “Chúng tôi đang nghiêng về khả năng trong tháng 9, Fed sẽ công bố cắt giảm chương trình mua tài sản, và sẽ triển khai từ tháng 10. Chúng tôi không cho rằng việc cắt giảm sẽ diễn ra nhanh hơn nhiều so với trước kia, theo đó có thể hoàn tất vào cuối quý 1 hoặc đầu quý 2/2022”.