06:52 19/09/2019

Đột phá công nghệ: Nâng cao giá trị lúa gạo

Quang Trí

Công nghệ bảo quản, chế biến lúa gạo tại Việt Nam vẫn còn hạn chế làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng hạt gạo

Hội thảo lúa gạo thường niên do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức diễn ra vào ngày 19/9, tại Tp.Cần Thơ.
Hội thảo lúa gạo thường niên do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức diễn ra vào ngày 19/9, tại Tp.Cần Thơ.

Hiện nay, xu hướng của các nước nhập khẩu gạo luôn đòi hỏi chất lượng gạo phải ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và truy suất nguồn gốc. 

Để đáp ứng những đòi hỏi mang tính cấp bách của thị trường, Hội thảo lúa gạo thường niên do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức diễn ra vào ngày 19/9, tại Tp.Cần Thơ, với chủ đề "Đột phá công nghệ, nâng cao chất lượng, tăng hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo".

Lâu nay, mọi người thường nghĩ rằng gạo ngon nhờ giống lúa, nhưng thực tế cho thấy chất lượng gạo ngon không chỉ bởi giống lúa mà còn do quy trình thu hoạch, sấy, bảo quản, chế biến...

Để giải quyết vấn đề này, hạt lúa sau khi thu hoạch cần được sấy khô và bảo quản đúng cách. Song, công nghệ bảo quản, chế biến lúa gạo tại Việt Nam vẫn còn hạn chế làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng hạt gạo. 

Theo TS. Phạm Văn Tấn, Phó giám đốc Phân viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, trong thời gian dài, Việt Nam đã tập trung xuất khẩu cho phân khúc thị trường gạo chất lượng thấp với giá thấp mà chưa quan tâm đến các hợp đồng thương mại có giá cao hơn. 

Để hạn chế tác động bất lợi đối với môi trường, tăng lợi nhuận trong sản xuất lúa và cải thiện hơn nữa đời sống nông dân, định hướng của Việt Nam trong những năm gần đây và trong thời gian tới là giảm dần lượng gạo xuất khẩu nhưng tăng dần chất lượng và giá trị của gạo xuất khẩu. 

Định hướng rất đúng đắn nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để có thể nâng cao được khả năng cạnh tranh, mở rộng và phát triển bền vững thị trường gạo thơm, gạo đặc sản, gạo hữu cơ, gạo chất lượng cao của Việt Nam trên thị trường quốc tế? Làm thế nào để cạnh tranh thắng lợi với các đối thủ gạo Jasmine của Thái Lan, gạo Basmati của Ấn Độ hay các loại gạo thơm của Mỹ và Campuchia? 

Muốn vậy, trong thời gian tới, song song với việc lai tạo, chọn lọc và gieo trồng những giống lúa mới có chất lượng cao, cần ứng dụng những kỹ thuật canh tác tiên tiến, như: 3 giảm-3 tăng, 1 phải-5 giảm, Global GAP để đảm bảo chất lượng hạt lúa tại thời điểm thu hoạch. 

Đồng thời, phải tăng cường ứng dụng cơ giới hoá để giảm giá thành sản xuất lúa. Điều rất quan trọng và rất cấp thiết là phải ứng dụng nhanh chóng những công nghệ và thiết bị tiên tiến trong thu hoạch và sau thu hoạch để giảm hơn nữa tổn thất, cải thiện chất lượng lúa gạo, đặc biệt với những loại lúa thơm, đặc sản và chất lượng cao đến tay người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. 

Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tân Long Group, nhấn mạnh, công nghệ tiên tiến sẽ quyết định phần lớn chất lượng gạo và tổng chi phí, do vậy, tập đoàn đầu tư một dây chuyền công nghệ hiện đại. Từ bao tiêu lúa của nông dân về đến nhà máy là lúa khô, qua dây chuyền sấy khép kín, rồi đến tồn trữ và chế biến luôn mà không có bất kỳ công đoạn nào dùng đến con người. 

"Đó là công nghệ của Đan Mạch, công nghệ silo chứa là của Ý và công nghệ xay xát là của Thụy Sĩ. Dự kiến cuối quý 1/2020 nhà máy của Tân Long sẽ đi vào hoạt động và cũng là nhà máy hiện đại nhất ở Việt Nam, một nhà máy với công nghệ 4.0 tự động hoàn toàn", ông Bá nhấn mạnh. 

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Intimex Group, khẳng định, theo xu hướng thị trường người mua luôn đòi hỏi chất lượng gạo ngày càng cao hơn và khó khăn hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo cần phải đầu tư thêm công nghệ mới trong khâu sấy, bảo quản, chế biến cũng như đa dạng hóa sản phẩm.