07:33 10/11/2022

Dow Jones “bốc hơi” gần 650 điểm, giá dầu “bay” 3%

Bình Minh

Thị trường tiền ảo bán tháo, kết quả bầu cử Mỹ chưa rõ ràng, và tâm trạng bấp bênh trước khi có báo cáo CPI. Tất cả đều khiến nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, trong bối cảnh cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ của nước này chưa có kết quả cuối cùng để xác định cán cân quyền lực. Ngoài ra, sự bán tháo trên thị trường tiền ảo cũng gây áp lực giảm lên giá cổ phiếu.

Giá dầu thô có thêm một phiên giảm mạnh do nỗi lo về các biện pháp chống Covid ở Trung Quốc và số liệu thống kê cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ tăng.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 646,89 điểm, tương đương giảm 1,95%, còn 32.513,94 điểm. Dẫn đầu sự giảm điểm của Dow Jones là cổ phiếu Disney với mức giảm 13,2% sau khi công ty giải trí khổng lồ công bố báo cáo tài chính với doanh thu và lợi nhuận không đạt kỳ vọng của giới phân tích.

Chỉ số S&P 500 sụt 2,08%, còn 3.748,57 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 2,48%, còn 10.353,17 điểm.

Các chỉ số chạm đáy của phiên vào buổi chiều, đồng thời với giá Bitcoin rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) mới. Cuộc bán tháo trên thị trường tiền kỹ thuật số diễn ra sau khi sàn tiền ảo Binance tuyên bố rút khỏi kế hoạch mua lại đối thủ FTX. Binance cho biết không còn ý định mua lại FTX sau khi nghiên cứu kỹ thương vụ, và do những thông tin về việc FTX sử dụng sai mục đích tiền vốn của khách hàng, cũng như việc FTX bị cho là cơ quan liên bang điều tra. Tuyên bố của Binance gây áp lực lên tâm lý ham thích rủi ro trên toàn thị trường và kéo tụt giá nhiều cổ phiếu công nghệ.

Giá các tiền ảo lớn đồng loạt giảm mạnh, khiến tổng vốn hoá của thị trường tiền ảo toàn cầu giảm hơn 14% trong vòng 24 tiếng tính đến 7h sáng nay (10/11) theo giờ Việt Nam, còn hơn 792 tỷ USD – theo dữ liệu từ Kitco.com. Giá Bitcoin cùng thời điểm giảm gần 13%, còn hơn 16.000 USD, nâng tổng mức giảm trong vòng 1 tuần lên hơn 20%.

Phiên giảm ngày thứ Tư của giá cổ phiếu ở Phố Wall chấm dứt chuỗi 3 phiên tăng trước đó - khoảng thời gian mà nhà đầu tư dâng cao hy vọng Đảng Cộng hoà sẽ giành ưu thế trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ và sẽ chặn bất kỳ kế hoạch tăng thuế hay tăng chi tiêu nào trong 2 năm cuối của nhiệm kỳ Tổng thống Dân chủ Joe Biden. Tuy nhiên, đến hiện tại, kết quả vẫn chưa rõ ràng. Theo dự báo của hãng tin NBC News, Đảng Cộng hoà có thể giành quyền kiểm soát Hạ viện với 222 ghế, nhưng đây chỉ là một đa số mong manh.

Cuộc đua ở Thượng viện vẫn tiếp tục diễn ra với một ghế quan trọng ở bang Pennsylvania và một ghế nữa ở bang Nevada chưa xác định được người chiến thắng. Một ghế khác ở bang Georgia sẽ được quyết định bằng bầu cử phụ vào ngày 6/12.

“Kết quả bầu cử vẫn chưa rõ ràng, nhưng làn sóng đỏ (chỉ ưu thế nghiêng về Đảng Cộng hoà trước bầu cử) mà các mô hình dự báo, nhà đầu tư và giới phân tích đặt cược vào đã không trở thành hiện thực. Trong ngắn hạn, điều này sẽ làm gia tăng mức độ biến động vốn dĩ đã cao của thị trường”, hãng tin CNBC dẫn một báo cáo của chuyên gia Dennis DeBusschere của công ty 22V Research.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng thận trọng trước thềm báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào buổi sáng ngày thứ Năm theo giờ địa phương. Các chuyên gia kinh tế được hãng tin Dow Jones khảo sát dự báo CPI toàn phần tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm nhẹ từ mức tăng 8,2% ghi nhận trong tháng 9.

“Lạm phát là kẻ thù số 1 của Fed, và nếu CPI lõi tăng, tôi cho rằng thị trường sẽ phản ứng tiêu cực”, chuyên gia Johan Grahn của Allianz Investment Management nhận định.

Giảm là xu thế chung của chứng khoán toàn cầu phiên ngày thứ Tư, với chỉ số MSCI All Country World Index mất 1,64%. Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu giảm 0,3%.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London sụt 2,71 USD/thùng, tương đương giảm 2,8%, còn 92,65 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York trượt 3,08 USD/thùng, tương đương giảm 3,5%, còn 85,83 USD/thùng. Trước đó, giá của cả hai loại dầu đều giảm khoảng 3% trong phiên ngày thứ Ba.

Báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô của nước này tăng 3,9 triệu thùng trong tuần trước,d dạt 440,8 triệu thùng, nhờ sản lượng khai thác dầu tăng lên mức 12,1 triệu thùng/ngày. Trước đó, giới phân tích dự báo tồn kho này chỉ tăng 1,4 triệu thùng.

Ngoài số liệu dự trữ của Mỹ, giá dầu còn chịu áp lực giảm từ tình hình Covid-19 ở Trung Quốc. Tuần trước, giá dầu tăng khi thị trường hy vọng rằng Trung Quốc sắp dỡ hoặc nới các hạn chế chống Covid, nhưng số ca nhiễm mới tăng mạnh mấy ngày qua ở Quảng Châu đã khiến các biện pháp hà khắc, gồm xét nghiệm diện rộng, được áp dụng trở lại.

“Với kịch bản Trung Quốc mở cửa trở lại khó trở thành hiện thực, cộng thêm lượng dầu tồn kho của Mỹ tăng phản ánh sự suy yếu của nhu cầu, nỗi lo suy thoái kinh tế một lần nữa lại chi phối thị trường dầu”, nhà quản lý quỹ Stephen Innes của SPI Asset Management nhận định.

Dầu còn giảm giá do đồng USD mạnh lên. Sau mấy ngày giảm do kỳ vọng của nhà đầu tư về thắng lợi của Đảng Cộng hoà trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, đồng USD đã tăng giá trở lại trong phiên ngày thứ Tư.

Dù vậy, giá dầu vẫn đang được hỗ trợ bởi triển vọng nguồn cung dầu hạn chế. Liên minh châu Âu (EU) sẽ chính thức cấm nhập khẩu dầu thô Nga qua đường biển từ ngày 5/12 và cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu của Nga từ ngày 5/2.