Dragon Capital mua thêm 2 triệu cổ phiếu Sacombank
Sau giao dịch, nhóm 11 quỹ thành viên của nhóm Dragon Capital hiện đang nắm giữ hơn 114,8 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu gần 6,09% tại STB...
Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) công bố báo cáo thay đổi về sở hữu của nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan là cổ đông lớn Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (mã STB-HOSE).
Theo đó, ngày 29/6, hai quỹ thành viên của Dragon Capital là CTBC Vietnam Equity Fund và Norges Bank đã mua vào lần lượt 2 triệu và 300.000 cổ phiếu STB của Sacombank. Trong khi đó, quỹ thành viên Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust (Equity) lại bán ra 200.000 cổ phiếu STB.
Sau giao dịch, nhóm 11 quỹ thành viên của nhóm Dragon Capital hiện đang nắm giữ hơn 114,8 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu gần 6,09% tại STB.
Chốt phiên 4/7, giá cổ phiếu STB tăng 1,59% lên 22.350 đồng và giảm 30,37% trong 6 tháng qua.
Mới đây, được sự phê chuẩn của Ngân hàng Nhà nước, sự bổ nhiệm của Hội đồng quản trị, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm vừa được công bố quyết định tái bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc Sacombank kể từ ngày 30/06/2022 với thời hạn 5 năm.
Hiện tại, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm đang là Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc của Ngân hàng.
Năm 2022, Sacombank đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng 12% lên 435.000 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Tổng tài sản đạt 573.000 tỷ đồng và vốn huy động đạt 512.700 tỷ đồng, đều tăng 10%. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu của ngân hàng là 5.280 tỷ đồng. Đồng thời, STB cũng kỳ vọng sẽ hoàn tất xử lý các vấn đề tồn đọng thuộc đề án tái cơ cấu ngân hàng chậm nhất là năm 2023, hoàn thành trước thời hạn hai năm.
Trước đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã điều chỉnh giảm 4,2% giá mục tiêu đối với STB xuống 38.400 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị "mua".
Theo VCSC, giá mục tiêu thấp hơn của chúng tôi chủ yếu đến từ một là, tổng dự báo lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2022- 2026 của chúng tôi giảm 3,4% theo giả định của chúng tôi về việc tăng bộ đệm vốn dự phòng và hai là, điều chỉnh giảm P/B mục tiêu của chúng tôi từ 1,71 lần xuống 1,50 lần, được bù đắp một phần bởi hiệu ứng tích cực của việc cập nhật mô hình định giá mục tiêu đến giữa năm 2023.
Đồng thời, VCSC cũng điều chỉnh giảm 25,2% dự phóng lợi nhuận sau thuế năm 2022 chủ yếu do (1) dự báo thu nhập lãi ròng (NII) năm 2022 giảm 12,1% sau khi điều chỉnh giả định của chúng tôi đối với phương pháp tiếp cận của STB để xử lý lãi dự thu tồn đọng và (2) chi phí dự phòng tăng 52,0% sau khi điều chỉnh tăng trong giả định của chúng tôi đối với chi phí dự phòng VAMC, được bù đắp một phần bởi mức tăng 14,3% trong thu nhập phí ròng (NFI) năm 2022 (bao gồm kinh doanh ngoại hối) do chúng tôi giả định phí ứng trước cao hơn được ghi nhận vào năm 2022.
Đáng chú ý, VCSC duy trì giả định rằng (1) toàn bộ lãi dự thu tồn đọng sẽ được xử lý trong năm 2022, (2) nợ liên quan đến quỹ đất Phong Phú và 32,5% cổ phần của STB được thế chấp tài sản đảm bảo cho VAMC sẽ được bán vào năm 2022, (3) tất cả số dư VAMC sẽ được xử lý và trích lập dự phòng trong năm 2022 và (4) khoản phải thu từ việc bán KCN Đức Hòa III sẽ được nhận trong năm 2023.
VCSC cho biết, yếu tố hỗ trợ cổ phiếu STB là phí ứng trước cao hơn dự kiến từ Dai-ichi Life và rủi ro là nợ xấu cao hơn dự kiến; việc xử lý tài sản tồn đọng chậm hơn dự kiến và phí ứng trước bổ sung thấp hơn dự kiến từ Dai-ichi Life.