13:20 24/02/2025

Dự án điện gió gặp nhiều khó khăn

Chu Khôi

Những dự án điện gió đã đi vào hoạt động, trong đó có nhà máy điện gió Phú Lạc ở tỉnh Bình Thuận, đang hoạt động rất tốt, vừa tạo ra nguồn năng lượng xanh sạch, vừa đem lại lợi ích lớn cho người dân địa phương. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay ,sẽ khó có doanh nghiệp nào muốn đầu tư vào dự án điện gió mới...

Nhà máy Điện gió Phú Lạc tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận
Nhà máy Điện gió Phú Lạc tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận

Cuối năm 2024, đoàn tham quan do Viện Nghiên cứu vùng và đô thị (IRUS) đã đến Nhà máy điện gió Phú Lạc ở huyện Tuy Phong. Trải rộng trước mắt là vùng đất trống đồi trọc, thi thoảng mới lớt phớt màu xanh cây cỏ. Trên màu trắng xám như hoang mạc ấy, hiện lên những nghĩa địa khổng lồ trải dài tít tắp, tạo nên màu da báo loang lổ. Trên những nghĩa địa, vươn lên những chiếc cột cao 100m mang cánh quạt khổng lồ.

ĐIỆN GIÓ TRÊN HOANG MẠC

Nhà máy điện gió Phú Lạc thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình. Ông Đinh Gia Tuân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Phong điện Thuận Bình, cho biết đến nay công ty đã có 3 dự án điện gió đang hoạt động.

Trong đó, điện gió Phú Lạc giai đoạn 1 với công suất 24 MW, khởi công vào tháng 7/2015, hoàn thành vào tháng 9/2016, có 12 trụ turbine, công suất mỗi turbine tối đa 2 MW. Dự án điện gió Phú Lạc giai đoạn 2, có công suất 25,2 MW, khởi công và hoàn thành trong năm 2021, với 6 trụ turbine, công suất tối đa của mỗi turbine là 4,2 MW. Cũng trong năm 2021, Nhà máy Điện gió Lợi Hải, ở tỉnh Ninh Thuận được khởi công và hoàn thành trên diện tích đất 523 ha, công suất 28,8 MW.

Chia sẻ về hành trình xây dựng điện gió, ông Bùi Văn Thịnh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phong điện Thuận Bình, cho biết năm 2009, Công ty được thành lập với nhiệm vụ tiên phong trong lĩnh vực điện gió. Khi đó, ông Thịnh được cử làm đại diện phần vốn góp của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) tại doanh nghiệp mới này. Bắt đầu làm hồ sơ dự án điện gió ngay từ năm 2009, nhưng tới tháng 7/2015 mới hoàn tất các công tác chuẩn bị, thu xếp xong tài chính để khởi công xây dựng. Suốt 6 năm đầu tiên đó, nhân sự của công ty chỉ có 3 người.

“Trước khi đến đây, toàn bộ vùng này là những đồi trọc, trong vòng bán kính 3 km có 4.500 ngôi mộ. Những ngày đầu đến đây khảo sát lập thiết kế, chúng tôi phải dựng lán cạnh những ngôi mộ để ở ”, ông Thịnh kể lại.

Nói về lý do chọn địa điểm này, ông Thịnh cho hay huyện Tuy Phong là nơi có tốc độ gió trung bình năm từ 7 đến 9 m/s, mức gió lý tưởng để sản xuất điện gió. Tại vị trí này gần như hoang mạc, không có nhà ở, không có hoạt động sản xuất nông nghiệp hay bất cứ hoạt động kinh tế nào. Vì vậy, làm điện gió sẽ không mất tiền giải phóng mặt bằng, cũng không mất tiền thuê đất, chỉ cần tuân thủ một yêu cầu của người dân địa phương là không được động chạm vào các ngôi mộ.

“Những chỗ nào có khoảng trống mà không có mộ, thì chúng tôi trồng một trụ turbine điện gió. Vì phải tránh các ngôi mộ, nên các trụ turbine ở đây cách rất xa nhau. Nhà máy Phú Lạc được đầu tư trên diện tích 400 ha, nhưng tổng số chỉ có 18 trụ turbine”, ông Thịnh cho biết.

Ông Bùi Văn Thịnh chia sẻ với đoàn tham quan. Ảnh Chu Khôi
Ông Bùi Văn Thịnh chia sẻ với đoàn tham quan. Ảnh Chu Khôi

Nhà máy điện gió Phú Lạc giai đoạn 1 đi vào hoạt động từ năm 2016, nhưng những năm đầu lâm vào cảnh thua lỗ. Năm 2011, Nhà nước có chính sách cho giá mua điện gió là 7,8 Uscent/kWh. Với mức giá bán điện này, năm 2017 bán điện được gần 100 tỷ đồng, nhưng mất 80 tỷ đồng để trả nợ vốn vay và lãi, phần còn lại không đủ cho vận hành, bảo dưỡng và trả lương. Vì vậy, Công ty đã kiến nghị lên Bộ Công Thương và Chính phủ, với giá điện đó không biết bao giờ mới thu hồi được vốn đầu tư. Sau đó, Chính phủ đưa ra cơ chế giá ưu đãi (giá FIT) mua điện gió lên 8,5 Uscent/kWh. Với mức giá này, Phú Lạc 1 hiện vẫn là dự án mang lại lợi nhuận nhất, vì vốn đầu tư là vốn ODA vay ưu đãi và được hưởng giá FIT.

Xuất phát điểm công ty chỉ có vài nhân viên, nơi làm việc có khoảng 100 m2, khó khăn chồng chất, nhưng bằng sự nỗ lực, đến nay Công ty có hơn 40 cán bộ, công nhân. Ban lãnh đạo của công ty cũng rất quan tâm đến việc phủ xanh khuôn viên của nhà máy. 

Ông Thịnh cho biết thêm, người dân ở đây là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Chăm, rất nghèo. Vì vậy, Công ty đã xây dựng hệ thống đường đi, bàn giao cho bà con sử dụng. Đặc biệt, đường đi trong hệ thống nghĩa địa đã được làm thành đường nhựa hoặc bê tông, trồng cây xanh, biến khu vực hoang vu thành như một “công viên” thu hút người dân xung quanh đến vãn cảnh, ngắm điện gió. Thước đo chính xác nhất là tạo công ăn việc làm, 2/3 nhân viên công ty là người địa phương.

ĐIỆN GIÓ CÓ TẠM NGỪNG PHÁT TRIỂN

Công ty Cổ phần Phong điện Thuận Bình. Ảnh Chu Khôi
Công ty Cổ phần Phong điện Thuận Bình. Ảnh Chu Khôi

Đề cập về giải pháp hạ giá thành cho điện gió, ông Thịnh cho hay tại Công ty Cổ phần Phong điện Thuận Bình, một số thiết bị cho điện gió đã được công ty tự sản xuất hoặc mua của các nhà cung ứng trong nước như trụ tháp, hệ thống điện tử điều khiển, một số linh kiện... Việc sử dụng thiết bị nội địa có thể giúp giảm chi phí lắp đặt và vận hành. Trong tương lai, Việt Nam có thể sản xuất được thêm phần cánh quạt (10% giá thành), máy phát (7%) và một số phần nhỏ khác… Tuy nhiên, khả năng nội địa hóa tối đa chỉ khoảng 40-50%, còn lại những phần chính như turbine gió vẫn phải nhập khẩu.

 

"Mặc dù các dự án điện gió đang hoạt động tốt, nhưng nhìn về tương lai phát triển mở rộng điện gió, với những chính sách hiện hành, sẽ không ai dám đầu tư vào điện gió nữa. Những dự án điện gió đã thực hiện từ trước, sẽ vẫn tiếp tục được hưởng cơ chế giá FIT, nhưng những dự án mới sẽ không còn được hưởng giá FIT nữa".

Ông Bùi Văn Thịnh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phong điện Thuận Bình.

Một trong những giải pháp tăng doanh thu cho các dự án điện gió là lắp đặt điện mặt trời trong khoảng trống giữa các trụ điện gió. Ông Thịnh cho biết theo tính toán của Công ty, làm điện mặt trời hiệu quả hơn điện gió. Một là, chi phí và giá thành sản xuất điện mặt trời rất rẻ. Hai là, Bình Thuận có số giờ nắng trung bình từ 2.700 đến 3.000 giờ/năm, cường độ bức xạ mặt trời cao, mang lại khả năng sản xuất điện ổn định.

“Tại Phú Lạc, người dân địa phương rất sẵn lòng cho chúng tôi lắp đặt điện mặt trời trên các nghĩa địa, vừa có tác dụng làm mái che cho các ngôi mộ, vừa sản xuất điện. Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình cũng từng đưa ra kế hoạch lắp đặt điện mặt trời trên diện tích 400 ha của Dự án điện gió Phú Lạc, với 150 MW điện mặt trời. Tuy nhiên, do EVN ngừng ký hợp đồng mua điện mặt trời cho các dự án mới, nên chúng tôi mới chỉ thí điểm lắp đặt với diện tích rất nhỏ để phục vụ nhu cầu điện cho văn phòng nhà máy, chứ chưa dám triển khai kế hoạch đầu tư điện mặt trời quy mô lớn”, ông Thịnh bày tỏ...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 07-2024 phát hành ngày 17/02/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1258

Dự án điện gió gặp nhiều khó khăn - Ảnh 1