11:14 15/12/2022

Dự báo thưởng Tết tại Hà Nội sẽ giảm

Nhật Dương

Dự báo tiền thưởng Tết của người lao động tại Hà Nội năm 2023 sẽ giảm, mức giảm sâu thuộc các ngành nghề như dệt may, da giày, điện tử…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội vừa thông tin về tình hình lao động, việc làm, tiền lương, tiền thưởng của người lao động trên địa bàn. Theo đó, dự báo thưởng Tết năm 2023 có thể giảm.

THƯỞNG TẾT DỰ BÁO GIẢM SÂU Ở NHÓM NGÀNH THÂM DỤNG LAO ĐỘNG

Về tiền lương, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, dự báo tiền lương bình quân chung của người lao động năm 2022 tăng so với năm 2021 khoảng từ 6 - 7%.

Điều này có được do tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp những tháng đầu năm 2022 đã có nhiều khởi sắc, cùng với việc Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, trong đó quy định mức lương tối thiểu tháng trả cho người lao động tăng bình quân xấp xỉ 6%.

Tuy nhiên, lương tối thiểu vùng dù đã được điều chỉnh tăng nhưng thu nhập hiện nay vẫn chưa đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động, do giá cả hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ xã hội, các mặt hàng thiết yếu tăng cao, vì vậy đời sống của đa số công nhân lao động trực tiếp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Đối với thưởng Tết, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội dự báo tiền thưởng của người lao động sẽ giảm hơn so với năm 2022, trong đó mức giảm sâu thuộc các ngành nghề như dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ.

Nguyên nhân do tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động đã tác động ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp thiếu, hoặc không có đơn hàng trong những tháng cuối năm phải cắt giảm giờ làm, giảm nhân công.

Tình hình sản xuất, kinh doanh ở một số doanh nghiệp trên địa bàn khó khăn dẫn đến việc làm và thu nhập của người lao động tiếp tục có chiều hướng giảm. Với các doanh nghiệp lớn, có nguồn lực kinh tế mạnh nhưng cũng đang phải gồng lỗ để duy trì lao động, còn các doanh nghiệp xuất khẩu gián tiếp không có khả năng tài chính buộc phải thu hẹp sản xuất, sản xuất cầm chừng.

Qua tổng hợp của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội từ số liệu thống kê từ các quận, huyện, thị xã, tính đến ngày 15/11, trên địa bàn Hà Nội có 31 doanh nghiệp phải giảm giờ làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Trong số 31 doanh nghiệp bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động, việc làm có 1 doanh nghiệp nhà nước, 12 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 18 doanh nghiệp dân doanh.

Theo loại hình doanh nghiệp, trong doanh nghiệp dân doanh có 259 lao động bị ảnh hưởng, doanh nghiệp nhà nước 86 lao động, doanh nghiệp FDI hơn 2.000 lao động.

Xét theo ngành nghề, dệt may có 635 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 790 lao động giảm giờ làm; điện tử 439 lao động bị chấm dứt hợp đồng, hơn 1.500 lao động bị giảm giờ làm; ngành cơ khí chưa có lao động bị chấm dứt hợp đồng song có 75 lao động bị giảm giờ làm, các ngành nghề khác có trên 1.500 lao động bị chấm dứt hợp đồng. Riêng ngành da giày, chế biến gỗ, tại thời điểm thống kê chưa ghi nhận lao động bị chấm dứt hợp đồng, giảm giờ làm.

THIẾU ĐƠN HÀNG CÓ THỂ KÉO DÀI, TĂNG KẾT NỐI ĐỂ HỖ TRỢ VIỆC LÀM

Tuy nhiên, theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, hiện có tình trạng công nhân làm 5 ngày/tuần hoặc làm việc 15 ngày/tháng và được khuyến khích ứng ngày nghỉ phép của năm 2023. Một số doanh nghiệp đã xây dựng phương án cho người lao động nghỉ dài ngày, có thể kéo dài cả tháng hoặc cho nghỉ chờ việc hưởng lương tối thiểu vùng, tập trung ở các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông.

Kết nối tìm việc làm cho người lao động. Ảnh - N.Dương.
Kết nối tìm việc làm cho người lao động. Ảnh - N.Dương.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng dự báo, thực trạng thiếu đơn hàng xảy ra trên diện rộng và có khả năng kéo dài sang năm 2023, nhất là ở các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc các ngành dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ.

Để có giải pháp hỗ trợ người lao động tìm việc làm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội giao Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu lao động. Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng cho biết, thực hiện yêu cầu này, phía Trung tâm sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai một số giải pháp hỗ trợ với nhóm lao động bị mất việc.

Riêng dịp cuối năm, đơn vị sẽ tăng cường kết nối phiên giao dịch việc làm với các địa phương để tăng cơ hội tìm việc cho người lao động, doanh nghiệp tuyển dụng được nhân sự và nhân lực đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hiện Trung tâm cũng đang tăng cường khảo sát, nắm bắt thông tin thị trường, tăng cường kết cung cầu trên thị trường lao động để có tư vấn kịp thời cho người lao động khi đến tìm hiểu thông tin tại Sàn giao dịch việc làm và điểm sàn vệ tinh. Qua đó, góp phần thúc đẩy giải quyết việc làm cho người lao động, đồng thời giúp doanh nghiệp đảm bảo hoàn thành các đơn hàng với đối tác và chuẩn bị kế hoạch dài hạn cho năm sau.