Dự luật Brexit được thông qua, Anh "hết đường" ở lại Liên minh châu Âu
Sau hơn 250 giờ tranh luận gay gắt tại Quốc hội Anh, dự luật Brexit vừa chính thức được thông qua
Sau nhiều tháng tranh luận, dự luật Brexit vừa chính thức trở thành luật, đảm bảo việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow cho biết ngày 26/6.
Nữ hoàng Elizabeth II đã chính thức thông qua dự luật Brexit và bãi bỏ Đạo luật cộng đồng châu Âu năm 1972 đưa Anh vào EU.
Theo tờ Guardian, việc dự luật Brexit chính thức trở thành luật sẽ xóa bỏ mọi rào cản pháp lý trong tiến trình Anh rút khỏi EU. Theo luật này, Anh sẽ rời khỏi EU vào lúc 23h ngày 29/3/2019 - hai năm sau khi Điều 50 Hiệp ước Lisbon được kính hoạt. Đây cũng là thời điểm kết thúc các đàm phán để nước này chấm dứt tư cách thành viên của EU.
Kể từ khi được đưa ra vào tháng 7 năm ngoái, dự luật Brexit đã trải qua hơn 250 giờ tranh luận gay gắt tại Quốc hội Anh.
Thủ tướng Anh Theresa May nói rằng việc thông qua dự luật Brexit là "thời khắc lịch sử cho đất nước và là một bước quan trọng trong việc thực hiện ý nguyện của người Anh".
Theo các nhà phân tích, việc dự luật này được các nhà lập pháp Anh thông qua vào tuần trước là bằng chứng cho thấy quyết tâm rời khỏi EU của nước này, bất chấp nhiều bất ổn trong các cuộc đàm phán.
Theo Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liam Fox, với việc thông qua dự luật Brexit, cơ hội để Anh ở lại EU là con số không.
Nghị sĩ Đảng bảo thủ Anh Jacob Rees-Mogg cho rằng với việc này giúp tăng thêm sức mạnh trong các cuộc đàm phán cho thủ tướng.
Trong vài tuần tới, các cuộc tranh luận tại Hạ Viện được dự báo sẽ còn gay gắt hơn khi các nghị sĩ bắt đầu thảo luận về 2 dự luật thương mại, trong đó những người ủng hộ việc ở lại EU muốn chính phủ giữ quan hệ chặt chẽ với liên minh.
Bà May vẫn chưa đưa ra kế hoạch về hải quan hậu Brexit và điều này là một trong những trở ngại lớn trong các cuộc đàm phán với EU.