16:33 02/03/2023

“Dùng dằng” vụ lừa đảo tại Công ty chứng khoán An Thành

Đỗ Mến

TAND TP Hà Nội vừa hoãn phiên tòa xét xử bị cáo Phạm Thị Mai Vân (SN 982, trú ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty chứng khoán An Thành do bị cáo muốn mời thêm luật sư.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo cáo trạng, năm 2007, Phạm Thị Mai Vân được bổ nhiệm làm Kế toán trưởng Công ty cổ phần Chứng khoán An Thành, có nhiệm vụ tham mưu và thực hiện việc quản lý điều hành khai thác vốn; lập kế hoạch tài chính và giám sát việc thực hiện kế hoạch, tham mưu về các vấn đề phân phối lợi nhuận, sử dụng các quỹ…

Lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao, Vân đã mượn 9 tài khoản chứng khoán, tạo bút toán nộp tiền khống vào các tài khoản này rồi thực hiện giao dịch chứng khoán. Sau khi bị cáo Vân thực hiện giao dịch này, công ty phải thanh toán tiền bị cáo qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán. Việc này kéo dài từ ngày 1/10/2009 đến ngày 15/12//2010, tổng số tiền chiếm đoạt là 4,2 tỷ đồng.

Sau khi bị Công ty này phát hiện, từ ngày 29/7/2011 đến ngày 28/5/2012, Vân đã khắc phục cho Công ty chứng khoán An Thành 4 tỷ đồng.

Vụ án này bị kéo dài do chưa làm rõ việc có hay không việc Công ty chứng khoán An Thành cho nhân viên vay tiền "chơi'' chứng khoán? Từ đó, liên quan đến việc xác định bị cáo Vân vay tiền công ty chơi chứng khoán hay chiếm đoạt tiền của công ty.

Trong nhiều phiên tòa, Vân cho rằng bản thân bị cáo không lấy tiền của Công ty. Bị cáo vay tiền Công ty để mua bán chứng khoán theo chính sách chung. Việc này ông Phạm Ngọc Phú, Giám đốc Công ty có biết. Công ty quản lý toàn bộ chứng khoán mua được từ tiền vay và có quyền bán bất kỳ lúc nào để thu hồi gốc và lãi.

Bản án phúc thẩm lần 1 năm 2016 yêu cầu làm rõ việc Công ty cho nhân viên vay tiền chơi chứng khoán.

Bản án phúc thẩm lần 2 cũng nêu vấn đề: về nguyên tắc, giao dịch chứng khoán chỉ được thực hiện khi tài khoản có đủ tiền. Nhưng có nhiều tài khoản không có tiền mà vẫn giao dịch thành công. Nếu công ty không cho nhân viên vay tiền thì không thể thực hiện được. Do đó, bản án phúc thẩm năm 2020 yêu cầu làm rõ vấn đề này, kể cả đối với những nhân viên khác của Công ty vay tiền.

Các kết quả điều tra lại đều cho thấy có trường hợp tài khoản chứng khoán không có tiền nhưng vẫn có thể đặt lệnh mua. Ví dụ, tại tài  khoản đứng tên Trương Anh T., ngày 21/4/2020 đặt lệnh mua chứng khoán trị giá 648 triệu đồng nhưng trong tài khoản không có tiền. Ngày 3/6/2009, tài khoản đứng tên Hoàng Thị Thanh M. mua chứng khoán trị giá 256 triệu đồng, ngày 4/6/2009 mua chứng khoán 172 triệu đồng nhưng không có tiền.

Lời khai của một số nhân viên khác xác nhận công ty có cho nhân viên vay tiền để chơi chứng khoán. Khi tài khoản không có tiền nếu vẫn nhập được lệnh để mua chứng khoán thì coi như Công ty cho vay tiền.

Tuy nhiên, không phải tất cả các giao dịch chuyển tiền nội bộ đều được hạch toán nợ. Kết quả điều tra lại theo yêu cầu của Bản án phúc thẩm lần 2 năm 2020 cho thấy có 20 giao dịch khống, bị cáo tạo bút toán giả, chuyển tiền nội bộ từ tài khoản của Công ty sang tài khoản chứng khoán Vân sử dụng.

Lời khai của ông Phạm Ngọc Phú cho rằng Công ty chỉ cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán và bảo đảm bằng số chứng khoán mua hoặc tiền bán chứng khoán đang về tài khoản (theo quy định sau khi bán 2 ngày sau tiền mới về tài khoản. Các khoản vay đều được hạch toán và tính lãi vay hàng ngày. 

Xác minh tại Công ty chứng khoán An Thành thể hiện, theo quy định của công ty, khi khách hàng đến giao dịch chứng khoán thì phải viết phiếu lệnh giao dịch. Nhưng vì giá chứng khoán thay đổi liên tục nên để đảm bảo quyền lợi của hai bên, công ty cho phép khách hàng hay cán bộ công ty có thể đặt mua qua cán bộ môi giới chăm sóc khách hàng.

Cán bộ đặt lện mua trên hệ thống, nếu tài khoản của khách hàng có tiền thì yêu cầu khách hàng viết phiếu lệnh. Do lệnh đặt nhiều nên không khắc phục được mà chỉ quản lý trên hệ thống mạng công ty.

Việc Vân đặt lệnh mua, công ty đã thanh toán tiền mua cho 8 tài khoản do Vân tạo bút toán nộp tiền khống cho khách hàng trên hệ thống. Tuy nhiên, Vân không hạch toán trên quỹ công ty nên công ty không phát hiện ra sai phạm. Chỉ khi Vân nghỉ sinh con và bàn giao công việc, công ty mới phát hiện Vân tạo bút toán giả, nộp tiền khống để chiếm đoạt tiền.

Đến nay, Công ty chứng khoán An Thành đã hợp nhất vào Công ty chứng khoán Phú Hưng.

 

Vụ án được khởi tố từ tháng 1/2013 nhưng đến nay vẫn chưa có phán quyết có hiệu lực.

Năm 2015, TAND TP Hà Nội đã xét xử vụ án và ban hành bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo 8 năm tù giam vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, yêu cầu bị cáo bồi thường số tiền 692 triệu đồng. Sau phiên tòa bị cáo Vân kháng cáo kêu oan đồng thời khắc phục hết số tiền nói trên.

Năm 2016, TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử vụ án và quyết định hủy án sơ thẩm, yêu cầu điều tra lại.

Năm 2019, TAND TP Hà Nội mở lại phiên tòa sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Vân mức án 7 năm tù giam về tôi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đến năm 2020, một lần nữa, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại.