"Đừng lấy một việc để phán xét quy trình xây dựng luật"
Quyền lập Hiến và lập pháp là của Quốc hội, do đó không thể "đổi vai" được
"Đừng lấy một việc để phán xét quy trình xây dựng luật", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh trong phiên thảo luận chiều 9/1 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là nội dung của phiên thảo luận này.
Trước đó, thảo luận dự án luật tại kỳ họp cuối năm 2019 của Quốc hội, việc đổi "vai" cơ quan giải trình, tiếp thu luật từ Quốc hội như hiện hành sang Chính phủ, theo đề xuất của Chính phủ, là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của đại biểu.
Nhiều đại biểu thể hiện mạnh mẽ quan điểm là cần giữ như luật hiện hành quy định cơ quan thẩm tra chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật sau khi được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến (phương án 2).
Nhưng, một số ý kiến tán thành phương án 1 do Chính phủ trình là giao cơ quan trình dự án chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra có trách nhiệm phối hợp thực hiện.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trong quá trình phối hợp nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ Tư pháp đề nghị tiếp tục báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về 2 phương án như Chính phủ đã trình Quốc hội và có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 7/1/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Tư pháp, trong đó nêu rõ "giữ nguyên quan điểm của Chính phủ về quy trình, trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh như Chính phủ đã trình Quốc hội".
Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tiếp thu theo ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội là tiếp tục quy định cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật như hiện nay. Đồng thời bổ sung một số quy định nhằm xác định cụ thể, rõ hơn trong luật trách nhiệm của từng cơ quan trong giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý.
Theo đó, sau khi Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án luật, Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức việc tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời gửi cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan trình dự án luật, thì quy trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật theo quy trình tại 2 kỳ họp và 3 kỳ họp.
Theo nhiều thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì cũng không thể "đổi vai" như đề nghị của Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng cần giữ nguyên như luật hiện hành, trong đó Chính phủ chỉ là cơ quan trình dự thảo luật, vì "chức năng làm luật là của Quốc hội".
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, giữ quy định như hiện nay là đúng chức năng của Quốc hội, không nên vì chút rắc rối khi ban hành Bộ luật Hình sự (phải sửa ngay khi chưa có hiệu lực - PV) mà đổ hết do Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
"Đừng lấy một việc để phán xét quy trình xây dựng luật", bà Ngân nhấn mạnh.
Lý do cần giữ như quy định hiện hành, theo Chủ tịch Quốc hội còn là đề đảm bảo tính khách quan khi xây dựng, ban hành luật, tránh việc "Bộ nào ra luật thuộc lĩnh vực của mình quản lý thì bộ đó cứ khư khư giữ lấy những quyền của mình".
Quyền lập Hiến và lập pháp là của Quốc hội, do đó không thể "thay đổi vai" được, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ quan điểm.
Song, ông Hiển cũnh phân tích, suy cho cùng Việt Nam khác các nước, vì Việt Nam không phải tam quyền phân lập mà Nhà nước là thống nhất, có sự phân công và kiểm soát lẫn nhau, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, "chúng ta không đến mức độ quá khác nhau về quan điểm, mà vẫn chỉ là thể hiện đường lối chính sách của Đảng".
Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh hỏi Ban soạn thảo: "Tôi rất muốn biết nếu đề nghị của Chính phủ (về đổi vai - PV) không đạt được thì Chính phủ có rút dự án luật này không?".
Không có câu trả lời, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng về nội dung thảo luận tại phiên họp.
Cuối phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chốt lại, ý kiến chung trong Uỷ ban Thường vụ là tán thành phương án đề xuất của Thường trực Uỷ ban Pháp luật, tiếp tục quy định cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật như hiện này, đồng thời bổ sung một số quy định nhằm xác định cụ thể, rõ hơn trong luật trách nhiệm của từng cơ quan trọng từng giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý.
Phương án này có ưu điểm là bảo đảm sát nhất với chức năng nhiệm vụ làm luật của Quốc hội theo quy định của Hiến pháp, không làm xáo trộn quy trình đang ổn định từ năm 2003 tới nay, đảm bảo sự chủ động của các cơ quan Quốc hội trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, theo Phó chủ tịch Uông Chu Lưu.