10:12 16/02/2009

Đứng ngoài cũng là đầu tư chứng khoán?

Hoàng Vũ

Tuần giao dich thứ 2 sau kỳ nghỉ Tết, thị trường vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc dù thanh khoản đã được cải thiện chút ít

Trong một chu kỳ giảm, sự kiên nhẫn chờ đợi cũng đem lại lợi nhuận, và đứng ngoài thị trường cũng là một hình thức đầu tư vì lợi nhuận chính là chênh lệch giá - Ảnh: Việt Tuấn.
Trong một chu kỳ giảm, sự kiên nhẫn chờ đợi cũng đem lại lợi nhuận, và đứng ngoài thị trường cũng là một hình thức đầu tư vì lợi nhuận chính là chênh lệch giá - Ảnh: Việt Tuấn.
Tuần giao dich thứ 2 sau kỳ nghỉ Tết, thị trường vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc dù thanh khoản đã được cải thiện chút ít.

VN-Index đã không vượt lên trên mức cản 284 điểm, và đây sẽ là ngưỡng kháng cự mạnh.

Lộn xộn thông tin

Tuần qua (từ 9 - 14/2), thị trường tiếp tục đón nhận các tin tức tiêu cực trong khi một vài thông tin hỗ trợ không đem lại hiệu ứng tâm lý đáng kể nào.

Thị trường bất động sản theo phản ánh của giới truyền thông bắt đầu có dấu hiệu tan băng. Các dự án xây dựng đang tiến hành được cho là hệ quả của việc nới lỏng vốn vay. Tuy nhiên, trước khi có những thống kê hay một sự sôi động rõ rệt, những thông tin mang tính đơn lẻ như vậy vẫn không khỏa lấp được sự nghi ngại của thị trường.

Tuần qua cũng là tuần hàng loạt ngân hàng trong nước tung ra các chiến dịch cho vay lãi suất thấp. Nhiều ngân hàng tuyên bố dành những khoản vốn lớn với lãi suất thấp nhằm kích thích hoạt động cho vay tiêu dùng và sản xuất.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn. Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ đứng ra bảo lãnh vay vốn cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (kể cả hợp tác xã) có vốn điều lệ tối đa 20 tỷ đồng và sử dụng tối đa 500 lao động. Phí bảo lãnh tối đa sẽ bằng 0,5%/năm/số tiền được bảo lãnh.

Thông tin về giảm giá dầu diesel thêm 500 đồng/lít nhằm tháo gỡ khó khăn, kích thích sản xuất dường như không đem lại phản ứng nào từ thị trường chứng khoán.

Trái lại, các thông tin xấu từ bên ngoài vẫn tiếp tục lan tràn. Gói cứu trợ mới trị giá 789 tỷ USD không được thị trường chứng khoán Mỹ đón nhận tích cực. Các chỉ số chính như S&P 500, Dow Jones, Nasdaq vẫn dao động dè dặt.

Trong khi đó, báo cáo tháng 1/2009, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật phá sản tăng 15,8% so với 1 năm trước (1.360 doanh nghiệp phá sản), cao nhất trong vòng 6 năm. Xuất nhập khẩu Trung Quốc tháng 1/2009 giảm mạnh, thấp nhất trong 13 năm. Thị trường nhập khẩu Mỹ và EU giảm 17,5% so với một năm trước. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã hạ lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục là 2% do lo ngại nền kinh tế nước này có thể suy thoái lần đầu tiên trong 11 năm.

Chỉ số sẽ tiếp tục “trôi dạt”?

Sau đợt phục hồi bất thành đầu tuần, bóng ma bull-trap đã rõ ràng hơn và thị trường có thể sẽ cân nhắc nhiều hơn đến các đáy mới của VN-Index. Đóng cửa phiên cuối tuần qua, chỉ số này giảm chung cuộc 7,12 điểm, một con số không quá tệ so với mức 15,64 điểm của tuần trước.

Một diễn biến được chú ý là sự “cầm máu” với REE. Hoạt động tháo chạy ồ ạt ở cổ phiếu này đã tạm dừng. Sau phiên giao dịch với khối lượng kỷ lục ngày 12/2, REE vẫn tăng nhẹ 0,5% ở phiên sau đó chứng tỏ áp lực bán đã giảm nhiều.

Đây có thể là biểu hiện trấn tĩnh hơn của nhà đầu tư về khái niệm “kiểm soát” mà Sở Giao dịch Chứng khoán đưa ra. Tuy nhiên mức 18.000 đồng/cổ phiếu đã là đáy của REE hay chưa thì vẫn khó khẳng định chắc chắn.

Nếu căn cứ vào quy định hiện tại, tuần tới có lẽ danh sách cổ phiếu bị kiểm soát sẽ dài thêm. Vẫn chưa thể đoán biết sự phản ứng từ thị trường sẽ ra sao nhưng việc đại diện Sở Giao dịch lên tiếng trên các phương tiện truyền thông sẽ giúp nhà đầu tư đỡ sốc hơn. Hiện tại thị trường nhạy cảm hơn với tin xấu và chai lỳ với tin tốt. Do đó các biện pháp lấy lại niềm tin càng trở nên quan trọng.

Dạo quanh sàn chứng khoán trong tuần qua, nhà đầu tư lên sàn rất thưa thớt và phần lớn với tâm trạng thờ ơ. Điều này đã diễn ra mang tính quy luật ở những đợt suy giảm trước đó. Càng về cuối tuần, giao dịch càng giảm mạnh trên cả hai sàn. Phiên ngày 13/2, sàn Tp.HCM chỉ chuyển nhượng 99,2 tỷ đồng tính cả thỏa thuận, con số thấp chưa từng có kể từ tháng 7/2008 đến nay. Sàn Hà Nội cũng chỉ được 52,2 tỷ đồng, thấp nhất trong 14 phiên liên tục.

Mặc dù vẫn có khá nhiều nhận xét về khả năng tích lũy của thị trường cũng như độ hấp dẫn của giá chứng khoán. Tuy nhiên trên thị trường, giá không phải là cố định mà đơn giản chỉ là sự chấp nhận trong từng thời điểm giữa người mua và người bán. Điều đó có nghĩa là giá rẻ vẫn có thể rẻ hơn và lúc tưởng như đắt thì người khác vẫn chấp nhận mua đắt hơn.

Với giá trị giao dịch thấp như vậy, khó có thể nói thị trường sẽ có một biến động bất thường nào mà nhà đầu tư trở tay không kịp. Trong một chu kỳ giảm, sự kiên nhẫn chờ đợi cũng đem lại lợi nhuận, và đứng ngoài thị trường cũng là một hình thức đầu tư vì lợi nhuận chính là chênh lệch giá.

Hiện tại VN-Index và HASTC-Index đều đã thiết lập một mức đáy mới nhưng cũng chưa có hiện tượng bán sàn ồ ạt trên diện rộng. Ở những phiên càng giảm mạnh thì khối lượng giao dịch lại tăng lên chứng tỏ hoạt động câu đáy vẫn tiếp tục. Giá chứng khoán có thể biến động tăng giảm mỗi ngày tùy thuộc vào diễn biến cung cầu ngắn hạn tại thời điểm đó, nhưng xu hướng giảm vẫn chưa được phá vỡ một cách rõ rệt.