Được đưa tên vào điều lệ Đảng, ông Tập Cận Bình đã ngang tầm Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình
Tư tưởng của ông Tập Cận Bình đã sánh vai với tư tưởng Mao Trạch Đông và lý luận Đặng Tiểu Bình
Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 24/10 đã chính thức đưa tư tưởng chính trị của Chủ tịch nước này Tập Cận Bình vào điều lệ, đưa ông Tập lên ngang tầm với hai nhà lãnh đạo lỗi lạc của Trung Quốc là Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.
Hãng tin Reuters cho biết, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhất trí sửa đổi điều lệ, theo đó đưa "Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc trong thời đại mới" trở thành một trong những tôn chỉ.
Động thái này được đưa ra khi Trung Quốc khép lại kỳ Đại hội Đảng đã kéo dài một tuần lễ.
Như vậy, trong điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc, tư tưởng của ông Tập Cận Bình đã sánh vai với tư tưởng Mao Trạch Đông và lý luận Đặng Tiểu Bình.
Từ thời Mao Trạch Đông, chưa một nhà lãnh đạo Trung Quốc nào có tư tưởng được đưa vào điều lệ nước này cùng với đích danh tên gọi trong lúc còn đang cầm quyền. Lý luận Đặng Tiểu Bình chỉ được đưa vào điều lệ Trung Quốc sau khi ông qua đời vào năm 1997.
Hai người tiền nhiệm gần nhất của ông Tập Cận Bình là ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào đều có tư tưởng được đưa vào điều lệ sửa đổi của Trung Quốc, nhưng không được nêu tên trong điều lệ.
Trong đó, ông Giang Trạch Dân có thuyết "ba đại diện" về doanh nghiệp tư nhân, còn ông Hồ Cẩm Đào có học thuyết kinh tế "phát triển khoa học" được đưa vào điều lệ.
Chân dung ông Tập Cận Bình bên cạnh chân dung cựu Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông, tại một khu chợ ở Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: Getty.
Theo dự kiến, vào ngày 25/10, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ công bố Ban Thường vụ khóa mới, đánh dấu cuộc chuyển giao quyền lực mỗi thập kỷ diễn ra hai lần. Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện có 7 thành viên.
Điều lệ sửa đổi của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng quy định về vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với quân đội nước này, việc cuộc chiến chống tham nhũng sẽ tiếp tục, sáng kiến phát triển "vành đai và con đường" của ông Tập Cận Bình, cải cách nguồn cung, và "vai trò quyết định" của các lực lượng thị trường trong phân bổ nguồn lực.
"Đại hội khẳng định rằng vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc là thành tố quan trọng nhất của chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc và sức mạnh lớn nhất của hệ thống này", một tuyên bố của Đảng Cộng sản Trung Quốc có đoạn viết. "Đảng giữ vai trò lãnh đạo tổng thể trong tất cả mọi lĩnh vực của đất nước".
Ông Tập Cận Bình trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2012 và bắt đầu nắm giữ cương vị Chủ tịch nước Trung Quốc từ năm 2013.
Năm ngoái, Đảng Cộng sản Trung Quốc trao cho ông Tập danh hiệu "hạt nhân trung tâm", củng cố quyền lực của ông trước thềm Đại hội Đảng.
Kết thúc đại hội, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng công bố Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa mới, không bao gồm ông Vương Kỳ Sơn - người hiện là quan chức chống tham nhũng cấp cao nhất, và thường được xem là "cánh tay phải" của ông Tập Cận Bình. Điều này đồng nghĩa với việc ông Vương sẽ không phải là thành viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa mới.