08:36 04/04/2022

Đường ống 11 tỷ USD Nord Stream 2, “nạn nhân” của chiến tranh Nga-Ukraine

An Huy

Một trong những “nạn nhân” đầu tiên của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, cũng như của những ảnh hưởng kinh tế-chính trị từ cuộc chiến này, là đường ống dẫn khí đốt Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) 2...

Một công nhân Gazprom điều chỉnh van ở đoạn bắt đầu của đường ống Nord Stream 2 tại Ust-Luga, Nga, hôm 28/1/2021 - Ảnh: Bloomberg/Getty.
Một công nhân Gazprom điều chỉnh van ở đoạn bắt đầu của đường ống Nord Stream 2 tại Ust-Luga, Nga, hôm 28/1/2021 - Ảnh: Bloomberg/Getty.

Ngay từ trước khi Nga mở cuộc tấn công nhằm vào quốc gia láng giềng, đường ống dài 1.234 km đi ngầm dưới biển, được xây dựng nhằm mục đích tăng gấp đôi dòng chảy khí đốt từ Nga sang Đức, đã đối mặt nhiều dấu hiệu bất ổn. Giờ đây, dự án mất thời gian vài năm và 11 tỷ USD để xây dựng đang đối mặt với khả năng bị “khai tử” – theo lời một nhà phân tích khi trao đổi với hãng tin CNBC.

NORD STREAM 2 LIÊN TỤC GẶP RẮC RỐI

Khởi công vào năm 2018, Nord Stream 2 đã gặp nhiều trở ngại trong suốt quá trình xây dựng, không ít thời điểm bị coi như một vấn đề địa chính trị đối với châu Âu và Mỹ, trước khi hoàn tất vào tháng 9/2021. Tháng 11 năm ngoái, rắc rối lại nổi lên với Nord Stream 2, khi cơ quan chức năng của Đức tạm dừng quy trình phê chuẩn đường ống này – một động thái cần thiết để đưa đường ống vào hoạt động. Sự trì hoãn diễn ra sau khi Nga tập trung hàng nghìn quân ở biên giới giữa nước này với Ukraine (cho dù phía Đức nói rằng những vấn đề pháp lý là nguyên nhân).

Đòn cuối cùng giáng vào Nord Stream 2 xảy ra vào tháng 9, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức công nhận độc lập hai vùng ly khai ở miền Đông Ukraine. Ngay sau động thái này của Moscow, Thủ tướng Đức Olaf Scholz quyết định dừng vô thời hạn quy trình phê chuẩn Nord Stream 2.

Tiếp đó, cuộc chiến của Nga ở Ukraine đẩy châu Âu vào một cuộc khủng hoảng địa chính trị lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, đồng thời đặt các dự án và mối quan hệ đối tác giữa Nga và châu Âu, như Nord Stream 2, vào một tình thế mong manh chưa từng thấy.

“Cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine đã ‘khai tử’ dự án Nord Stream 2. Nói một cách ngắn gọn, sẽ không có chuyện Đức hay bất kỳ một nước châu Âu nào khác phê chuẩn đường ống này sau hành động đó của Nga”, chuyên gia Kristine Berzina thuộc tổ chức German Marshall Fund có trụ sở ở Mỹ nói với CNBC.

“Ngay cả những đường ống dẫn khí đốt đang hoạt động ở châu Âu cũng có một tương lai trở nên bất định. Nord Stream 2 dù chưa đi vào hoạt động đã rơi vào cảnh đóng băng. Ngoài việc đảm bảo an toàn và ổn định cho đường ống này, tôi không cho rằng đường ống sẽ hoạt động”, bà Berzina nhận định.

Chiến tranh Nga-Ukraine đã đẩy nhanh sự dịch chuyển của Liên minh châu ÂU (EU) khỏi nguồn cung năng lượng từ Nga. EU tuyên bố đến cuối năm 2022 sẽ cắt giảm 2/3 nhập khẩu khí đốt từ Nga và đến năm 2030 sẽ chấm dứt sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng hoá thạch từ Nga. Về phần mình, Nga đáp trả bằng cách đe doạ dừng xuất khẩu khí đốt nếu các quốc gia “không thân thiện” không thanh toán cho khí đốt nhập khẩu từ Nga bằng đồng Rúp, thay vì bằng Euro hay USD. Châu Âu đã phản bác yêu cầu này của Nga.

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị như vậy, tương lai của Nord Stream 2 trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết – theo các nhà phân tích năng lượng.

“Chúng tôi không tin là Nord Stream 2 sẽ có ngày đi vào hoạt động”, nhà phân tích Kateryna Filippenko, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường khí đốt châu Âu thuộc Wood Mackenzie, dự báo với CNBC. “Quan điểm của châu Âu với khí đốt Nga đã thay đổi theo một cách không thể đảo ngược, và giờ đây họ đã hạ quyết tâm dịch chuyển khỏi khí đốt Nga. Trong khi đó, Nga cũng đe doạ cắt cung cấp khí đốt cho châu Âu nếu bên mua không thanh toán bằng đồng Rúp. Rất khó để có một sự xích lại gần giữa châu Âu và Nga để ‘bật đèn xanh’ cho Nord Stream 2, thậm chí là trong nhiều năm kể từ bây giờ”.

NORD STREAM 2 SẼ KHÔNG BAO GIỜ “SỐNG LẠI”?

Nord Stream 2 được xây dựng và dự kiến được vận hành bởi Nord Stream 2 AG, một chi nhánh có trụ sở ở Thuỵ Sỹ của Gazprom – tập đoàn khí đoàn khí đốt quốc doanh khổng lồ của Nga. Tuy nhiên, dự án này cũng được cấp vốn bởi nhiều công ty châu Âu bao gồm Uniper của Đức, Wintershall Dea – một công ty con của hãng hoá chất Đức BASF, tập đoàn điện lực Pháp Engie, hãng dầu khí OMV của Áo, và hãng dầu khí Anh-Hà Lan Shell.

Trong bối cảnh doanh nghiệp phương Tây ồ ạt rút khỏi Nga, các công ty năng lượng tham gia Nord Stream 2 buộc phải chấp nhận thua lỗ lớn trong dự án này. Đầu tháng 3 vừa rồi, Wintershall Dea cho biết sẽ bút toán xoá 1 tỷ Euro (1,1 tỷ USD) tiền vốn đã rót vào dự án này. OMV và Uniper cũng hành động tương tự, trong khi Shell đã rút khỏi dự án.

Hồi tháng 2, Giám đốc điều hành Richard Gorry của JBC Energy Asia gọi Nord Stream 2 là một dự án “chết chìm”, nói rằng “đường ống này sẽ không bao giờ thực sự ‘sống’ vì luôn ở trong tình trạng gặp trở ngại nào đó, nếu không phải vì lý do chính trị thì cũng vì lý do thủ tục”.

Ông Warren Patterson, trưởng bộ phận chiến lược hàng hoá cơ bản thuộc ING, nói rằng với việc châu Âu tìm cách cắt giảm sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt Nga, Nord Stream 2 giờ đây có sự xung đột rõ ràng với chính sách năng lượng của EU.

“Kế hoạch của EU nhằm độc lập khỏi nguồn cung năng lượng Nga từ năm 2030 trở đi cho thấy khó có ngày khí đốt chảy qua đường ống này”, ông Patterson phát biểu. Theo ông, nhà vận hành Nord Stream 2 có lẽ muốn chờ xem liệu có một tương lai khả thi nào cho đường ống nếu chiến tranh kết thúc. “Nếu không có tương lai, họ sẽ phải quyết định hoặc là bỏ mặc hoặc tháo dỡ đường ống. Tuy nhiên, lựa chọn thứ hai sẽ là một biện pháp tốn kém”.

Giới phân tích cho rằng số phận của Nord Stream 2 sẽ tuỳ thuộc nhiều vào việc cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine sẽ kết thúc như thế nào, và điều này lại tuỳ thuộc vào một số yếu tố bao gồm Nga có đạt mục tiêu trong cuộc chiến này hay không và lực lượng của Ukraine có thể chống trả như thế nào với các cuộc tấn công của đối thủ. Đang có một mối lo nổi lên là cuộc chiến này sẽ trở thành một cuộc chiến tiêu hao sinh lực mà không có bên nào giành phần thắng. Trong khi đó, các vòng đàm phán hoà bình giữa Nga và Ukraine tiếp tục gặp nhiều trở ngại.

Nhưng cũng có một nhà phân tích cho rằng vận mệnh của Nord Stream 2 có thể được xoay chuyển.

Nord Stream 2 “sẽ không thể tái khởi động hay được phê chuẩn trừ phi cuộc chiến ở Ukraine đi đến một két thúc với lãnh thổ của Ukraine được bảo toàn và hoà bình được lặp lại sao cho không có những cuộc tấn công của Nga trong tương lai”, chuyên gia Henning Gloystein của Eurasia Group nhận định.

Chuyên gia Berzina của German Marshall Fund nói rằng vài năm trở lại đây, đã xuất hiện những đồn đoán cho rằng các đường ống Nord Stream 1 và 2 cùng các đường ống dẫn khí đốt khác từ Nga sang châu Âu có thể được sử dụng để vận chuyển khí hydro trong tương lai. Người ta cũng nói về việc Nga có thể trở thành một nhà cung cấp khi hydro trong tương lai không xa.

“Một vấn đề quan trọng cần theo dõi là liệu Đức có muốn khôi phục mối quan hệ năng lượng với Nga ở thế hệ năng lượng tiếp theo năng lượng hoá thạch hay không. Liệu châu Âu có muốn một lần nữa phụ thuộc vào năng lượng Nga hay không”, bà Berzina nói.

Nord Stream 2 đã gây tranh cãi kể từ khi Gazprom và một số công ty năng lượng châu Âu ký thoả thuận về dự án này vào năm 2015. Nga và Đức thời Thủ tướng Angela Merkel khẳng định đường ống này chỉ là một dự án thương mại và sẽ mang lại mức giá khí đốt mềm hơn cho người tiêu dùng châu Âu. Tuy nhiên, Mỹ và một số nước châu Âu lo ngại rằng đường ống này sẽ chỉ làm gia tăng sự phụ thuộc của châu lục vào năng lượng Nga.

“Lẽ ra Đức không nên ký thoả thuận Nord Stream 2. Nhưng điều đó đã xảy ra”, ông Wolfgrang Ischinger, Chủ tịch Munich Security Conference’s Foundation Council, nhận định.