08:47 13/01/2021

Đường sắt trước nguy cơ mất sạch 3.200 tỷ đồng vốn chủ sở hữu do Covid

Anh Tú

Dự kiến cuối năm 2022, tổng công ty sẽ đối diện nguy cơ mất 3.200 tỷ vốn chủ sở hữu nếu khó khăn, thua lỗ kéo dài...

Cơ sở hạ tầng đường sắt Việt Nam cũ kỹ và lạc hậu
Cơ sở hạ tầng đường sắt Việt Nam cũ kỹ và lạc hậu

Đại dịch Covid-19 và thiên tai khốc liệt ở miền Trung khiến Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR) lỗ khoảng 1.324 tỷ đồng trong năm 2020. Dự kiến cuối năm 2022, tổng công ty sẽ đối diện nguy cơ mất 3.200 tỷ vốn chủ sở hữu nếu khó khăn, thua lỗ kéo dài...

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đề nghị, Tổng công ty đường sắt Việt Nam phải tái cơ cấu bộ máy để phù hợp với chức năng khai thác, kinh doanh hạ tầng đường sắt, nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

Năm 2020, chịu tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 và bão lũ khu vực miền Trung, khiến sản lượng vận tải hành khách sụt giảm nghiêm trọng, kết quả sản xuất - kinh doanh nhiều doanh nghiệp trong ngành đạt thấp.

CHỈ TIÊU VẬN TẢI HÀNH KHÁCH GIẢM SÂU 

Tại "Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021" của Tổng công ty đường sắt Việt Nam, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty cho biết, năm 2020, sản lượng chỉ đạt 6.828,6 tỷ đồng, bằng 79% so với cùng kỳ. Doanh thu đạt 6.565,1 tỷ đồng, bằng 78,3% so với cùng kỳ. Các chỉ tiêu về vận tải hành khách sụt giảm sâu và không đạt kế hoạch đề ra. Số lượng hành khách đi tàu chỉ bằng 47,5% cùng kỳ, doanh thu vận tải hành khách giảm 51,7% cùng kỳ. Các công ty cổ phần vận tải đường sắt đã phải giảm, bãi bỏ nhiều mác tàu khách Thống Nhất và địa phương. 

Theo đó, công ty mẹ, tổng doanh thu đạt 1.713 tỷ đồng, đạt 81,6% so với kế hoạch và bằng 66,6% so với cùng kỳ, dự kiến lỗ hơn 1.324 tỷ đồng. Các công ty vận tải, doanh thu trực tiếp từ vận tải thực hiện được 2.909,8 tỷ đồng, bằng 68,2% so với cùng kỳ và bằng 97,6% kế hoạch do các công ty xây dựng. Thu nhập bình quân 8,27 triệu đồng/người/tháng, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chính khiến kết quả sản xuất sụt giảm nghiêm trọng, theo ông Vũ Anh Minh, là do dịch Covid-19 cùng với thiên tai, bão lũ kéo dài đã phá vỡ toàn bộ kế hoạch khôi phục vận tải hành khách của các đơn vị vận tải đường sắt trong các đợt vận tải cao điểm. Số lượt hành khách đi tàu có tháng chỉ đạt 30-35% so với cùng kỳ, đây là mức thấp nhất trong lịch sử ngành đường sắt. "Do đại dịch Covid-19, một số tuyến chủ đạo phục vụ du lịch nhưng gần như không có khách trong năm qua, có chuyến tàu chỉ đạt 10 - 15% khách nhưng vẫn phải chạy", ông Minh bày tỏ.

Mặt khác, việc triển khai thi công dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng gói 7.000 tỷ từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 đã ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ vận tải khi phát sinh hơn 50 điểm chạy chậm hoặc phải phong tỏa khu gian. Trong khi đó, đề án quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia vẫn đang được các cấp có thẩm quyền xem xét, nên năm 2020, hoạt động khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt gần như đóng băng, ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất - kinh doanh của công ty mẹ.

Năm 2021, dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu trên tuyến đường sắt Hà Nội – Tp.HCM được tập trung triển khai để bảo đảm tiến độ thi công sẽ làm giảm năng lực chạy tàu thông qua, khoảng từ 25-30%. Ngoài ra, sự cạnh tranh của các hãng hàng không về giá vé sẽ tác động mạnh mẽ, dẫn tới sản lượng vận tải hành khách, hàng hóa bị sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là vận tải hành khách.

"Dự báo, nếu dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài trong năm 2021, 2022, ảnh hưởng nặng nề đến vận tải đường sắt, gây lỗ nặng, trong khi không có được cơ chế tháo gỡ, hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành, thì hết năm 2022, vốn chủ sở hữu 3.200 tỷ đồng của Tổng công ty tại 2 Công ty cổ phần vận tải Hà Nội và Sài Gòn mất hoàn toàn. Nỗ lực cố gắng của cả quá trình hình thành và phát triển sẽ bị xóa sạch trong vòng 3 năm tới đây", ông Minh lo ngại.

Trên thực tế, ngành đường sắt vẫn còn những khó khăn như: hạ tầng lạc hậu, cũ kỹ, đường đơn khổ 1m, hàng ngàn đường cong bán kính dưới 300m, không đồng đều tải trọng. Trên 14.000 vị trí bị xâm phạm an toàn giao thông, đường sắt đầu tư thay thế cái cũ chứ không tạo ra sản phẩm mới... Mặt khác, nguồn vốn bố trí cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quá thấp so nhu cầu, chưa tạo sức hút mạnh mẽ đối với nguồn vốn tư nhân, bởi vậy các dự án đều kéo dài hoặc đình trệ, chưa có bước đột phá tạo đà cho bứt phá phát triển, thị phần của vận tải đường sắt ngày càng thu hẹp.

Bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, VNR đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách, trong khi nguồn lực hạn chế, tài sản được giao quản lý nhiều nhưng khai thác, kinh doanh ra tiền gần như không có, nên chủ yếu dựa vào ngân sách. 10 năm qua, huy động ngân sách tư nhân rất hạn hẹp. Vì vậy, các cấp có thẩm quyền cần sớm phê duyệt Đề án quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt, trong đó nêu rõ tổng công ty được giao tài sản gì để từ đó có các chính sách hút vốn tư nhân.

BẮT BUỘC TÁI CƠ CẤU MẠNH MẼ 

Bước sang năm 2021, Tổng công ty đường sắt Việt Nam đặt mục tiêu chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để phục vụ đợt vận tải Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 bảo đảm an toàn. Đồng thời, tập trung thúc đẩy sản xuất - kinh doanh. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo, giải trình Thủ tướng Chính phủ các nội dung liên quan đến "Đề án cơ cấu lại VNR năm 2020, thực hiện 2021-2025".

Theo ông Vũ Anh Minh, ngành đường sắt buộc phải tái cơ cấu, từ tài chính, đầu tư, khoa học - công nghệ, sản phẩm dịch vụ, tái cơ cấu nhân sự và mô hình tổ chức. Giai đoạn 2022, cần tái cơ cấu mạnh mẽ, có nhiều việc động chạm quyền lợi cá nhân, tổ chức, nhưng buộc phải làm. Trong đó, cần sắp xếp các đơn vị vận tải, đơn vị lệ thuộc với mục đích cuối cùng giảm chi phí, giảm giá thành và khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng đường sắt. "Chúng ta không ở trong giai đoạn hành khách xếp hàng dài mua vé, nên cần giảm định biên, buộc tái cơ cấu ở tất cả các vị trí, sắp xếp các đơn vị phụ thuộc để quản lý các nguồn lực một cách tốt nhất", ông Minh nhấn mạnh.

Chia sẻ với ngành đường sắt, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đánh giá, ngành đường sắt trải qua năm 2020 hết sức khó khăn khi bị tác động nặng bởi cả đại dịch Covid-19 và bão lũ. Trong 10 năm qua, đường sắt không đạt được mục tiêu huy động nguồn lực trong chiến lược phát triển. "Nguồn vốn dù tăng hàng năm nhưng không nhiều, chủ yếu để duy trì và đảm bảo an sinh xã hội". Theo đó, nguồn lực giai đoạn 2010-2020 đầu tư cho đường sắt xấp xỉ 40.000 tỷ đồng, trung bình khoảng 2.200-2.500 tỷ đồng/năm vốn đầu tư cho đường sắt quốc gia. Trong đó, 23.000 tỷ đồng bảo trì đường sắt trong 10 năm, giai đoạn 2016-2020 là 13.600 tỷ đồng.

Những khó khăn nội tại về hạ tầng là điểm nghẽn để phát triển đường sắt, không thể thay đổi một sớm một chiều trong thời gian ngắn, mà cần cả quá trình về nhận thức, đầu tư, quản lý bảo trì, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn về định mức kinh tế - kỹ thuật, trong khi bảo trì đầu tư hạ tầng đường sắt cực kỳ cũ và lạc hậu, có nhiều yếu tố đặc thù. Do vậy, Thứ trưởng Đông yêu cầu "Tổng công ty đường sắt Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng, hoàn thiện đề án quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt theo đúng các quy định pháp luật, làm cơ sở để khai thác và kinh doanh hạ tầng. Đồng thời nghiên cứu xây dựng cơ cấu bộ máy để thực hiện".

Đường sắt trước nguy cơ mất sạch 3.200 tỷ đồng vốn chủ sở hữu do Covid - Ảnh 1Tổng công ty đường sắt Việt Nam cần sớm có báo cáo dự báo các phương án khác nhau để có cơ sở phê duyệt điều chỉnh kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2021 ngay từ đầu năm. Đồng thời, cắt giảm các chi phí, áp dụng công nghệ thông tin trong điều hành sản xuất. Điều chỉnh tái cơ cấu nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả sản xuất - kinh doanh, nâng cao đời sống cán bộ, công nhân viên và người lao động. Bên cạnh đó, báo cáo các khó khăn trong thời gian tới để Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giải quyết dứt điểm. Cùng với đó, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành hỗ trợ ngành đường sắt gỡ các khó khăn về thể chế và chính sách.
Bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp