12:05 26/07/2017

E ngại Grab, Hiệp hội Taxi Hà Nội phản đối bỏ trần khuyến mại

Kiều Linh

Lý do phản đối việc bỏ trần khuyến mại, theo Hiệp hội Taxi Hà Nội là tránh gây bất ổn cho nền kinh tế

Theo quy định trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 37/2006/NĐ-CP, “tổng thời gian thực hiện chương trình khuyến mại, giảm giá đối với một loại nhãn hiệu hàng hoá, dịch vụ không được quá 90 ngày trong một năm; một chương trình khuyến mại, giảm giá không được vượt quá 45 ngày”.
Theo quy định trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 37/2006/NĐ-CP, “tổng thời gian thực hiện chương trình khuyến mại, giảm giá đối với một loại nhãn hiệu hàng hoá, dịch vụ không được quá 90 ngày trong một năm; một chương trình khuyến mại, giảm giá không được vượt quá 45 ngày”.
Hiệp hội Taxi Hà Nội vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo sửa đổi Nghị định 37/2006/NĐ-CP.

Cụ thể, theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, ngày 6/7, hiệp hội nhận được văn bản của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 37/2006/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại và lấy ý kiến các tối tượng chịu tác động.

Tại mục 4, điều 9, Nghị định số 37 quy định: “Tổng thời gian thực hiện chương trình khuyến mại, giảm giá đối với một loại nhãn hiệu hàng hoá, dịch vụ không được quá 90 ngày trong một năm; một chương trình khuyến mại, giảm giá không được vượt quá 45 ngày”.

Tuy nhiên, trong Dự thảo đang xây dựng có phương án bỏ khoản này.

Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, nếu điều khoản này được bãi bỏ, nghĩa là một hàng rào “phi thuế quan” đã được bãi bỏ. Trong khi đó, một doanh nghiệp có thể khuyến mãi kéo dài trong suốt cả năm, giảm giá liên tục nhằm mục tiêu phá giá, thao túng thị trường, tiêu diệt các đối thủ cạnh tranh, chiếm thế độc quyền và gây bất ổn cho nền kinh tế.

Hiệp hội này dẫn chứng, ngày 7/6 vừa qua, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương đã có văn bản số 1091 gửi Công ty TNHH GrabTaxi, trong đó nêu ra 9 chương trình khuyến mại, giảm giá trong số hàng chục chương trình của Grab kéo dài liên tục trong nhiều năm, nhiều chương trình tặng khách hàng 100% giá trị dịch vụ (đi miễn phí) và đề nghị Grab giải trình có hay không các chương trình này.

Đồng thời, Cục Xúc tiến thương mại yêu cầu Grab cung cấp tên chương trình, thời gian thực hiện, dịch vụ khuyến mại, hàng hoá dịch vụ khuyến mại, đối tượng hưởng khuyến mại, thể lệ chương trình và gửi lại cho Cục Xúc tiến thương mại trước ngày 15/6.

Tuy nhiên, đến thời điểm này đã quá hạn gần 1 tháng, Công ty TNHH GrabTaxi vẫn không có văn bản trả lời Cục Xúc tiến thương mại.

Theo Hiệp hội này, vấn đề đảm bảo cạnh tranh lành mạnh là một trong những mục tiêu được Chính phủ đề ra trong công văn 1850/TTg-KTN chỉ đạo về việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.

“Vì vậy, chúng tôi đánh giá việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung cho Nghị định số 37 là vô cùng quan trọng, mang tính sống còn với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ”, văn bản do ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội ký nêu rõ.

Để đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp, Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kết hợp với Bộ Công Thương và Bộ Tài chính tổ chức một buổi hội thảo “Lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 37 ngày 04/04/2006” để tất cả các doanh nghiệp, hiệp hội, đơn vị liên quan có cơ hội trao đổi, thảo luận với ban soạn thảo.

Về vấn đề này, ngày 25/7, Bộ Giao thông Vận tải có công văn gửi Bộ Công Thương, đề nghị xem xét giải quyết vì Dự thảo này do Bộ Công Thương xây dựng.