Elon Musk mất 49 tỷ USD kể từ khi tuyên bố mua Twitter
Từ khi công bố kế hoạch mua Twitter vào tháng trước, Musk đã mất 49 tỷ USD tài sản ròng...
Ngày thứ Tư (18/5) là một ngày bận rộn của người giàu nhất thế giới Elon Musk trên mạng xã hội Twitter, khi ông liên tục đăng tweet để thông báo về việc ông đã chuyển từ ủng hộ Đảng Dân chủ sang thân Đảng Cộng hoà, chỉ trích chỉ số chứng khoán ESG Index, và trả lời câu hỏi của nhiều người dùng Twitter khác.
Trong khi đó, cổ phiếu Tesla – hãng xe điện lừng lẫy mà Musk đang giữ vai trò CEO - giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm, khiến khối tài sản ròng cá nhân của ông “bốc hơi” 12,3 tỷ USD.
Cổ phiếu Tesla chốt phiên với mức giảm 6,8%, nâng tổng mức giảm từ đầu năm lên gần 41%. Cổ phiếu Twitter, công ty mà Musk đang muốn mua đứt, cũng giảm gần 3,8% trong phiên này, nâng tổng mức giảm trong vòng 1 tháng lên hơn 20%.
Giá trị vốn hoá thị trường của Twitter hiện còn hơn 28 tỷ USD, thấp hơn nhiều mức giá chào mua 44 tỷ USD mà Musk đưa ra.
Từ khi công bố kế hoạch mua Twitter vào tháng trước, Musk đã mất 49 tỷ USD tài sản ròng. Sự mất mát này một phần do xu hướng sụt giảm chung của toàn thị trường chứng khoán Mỹ, mặt khác do nhà đầu tư lo ngại về việc Musk sẽ xoay sở như thế nào để có đủ tiền cho vụ thâu tóm.
Ông Musk, 50 tuổi, hiện vẫn là người giàu nhất thế giới, sở hữu khối tài sản ròng 209,9 tỷ USD – theo dữ liệu của Bloomberg Billionaires Index.
Năm nay, Musk đã mất 60,4 tỷ USD tài sản, chỉ kém mức độ sụt giảm tài sản của ông Changpeng Zhao – nhà sáng lập sàn tiền ảo lớn nhất thế giới Binance và của ông Jeff Bezos – nhà sáng lập hãng thương mại điện tử Amazon. Từ đầu năm, ông Zhao đã mất 81 tỷ USD và ông Bezos mất 62 tỷ USD.
Musk ngày càng sôi nổi hơn sau khi công bố ý định mua Twitter và đưa công ty này trở thành một doanh nghiệp tư nhân. Ngày thứ Tư không phải là một ngoại lệ.
Ông viết trên Twitter rằng S&P 500 ESG Index là “một trò lừa đảo”, sau khi Tesla bị loại ra khỏi chỉ số này. Đây là một chỉ số bao gồm cổ phiếu của các công ty đạt tiêu chuẩn nhất định về bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội, và quản trị doanh nghiệp. Lý do mà nhà cung cấp chỉ số đưa ra cho việc loại Tesla là một số hành vi kinh doanh và một số khía cạnh trong chiến lược dấu ấn carbon thấp của công ty.
Apple, Microsoft, Amazon và Alphabet là một số thành viên của S&P 500 ESG Index. Hãng dầu lửa khổng lồ Exxon Mobil cũng nằm trong chỉ số này.
“Exxon được xếp trong top 10 doanh nghiệp tốt nhất thế giới về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) bởi S&P 500, còn Tesla thì không! ESG là một trò lừa đảo”, Musk viết.
Musk dự báo rằng “các cuộc tấn công chính trị” nhằm vào ông “sẽ leo thang mạnh mẽ trong những tháng tới đây”.
Trong một dòng tweet khác, Musk tuyên bố trước đây ông ủng hộ Đảng Dân chủ vì “họ về cơ bản là một chính đảng tử tế”, nhưng giờ đây ông đã thay đổi quan điểm.
“Họ đã trở thành một chính đảng của chia rẽ và thù ghét, nên tôi không còn ủng hộ họ nữa và sẽ bỏ phiếu cho Đảng Cộng hoà”, Musk viết.
Hôm 10/5, Musk cho biết ông sẽ xoá bỏ lệnh cấm sử dụng Twitter đối với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - một người của Đảng Cộng hoà - sau khi hoàn tất thương vụ thâu tóm mạng xã hội này. “Các lệnh cấm vĩnh viễn nên là động thái cực kỳ hiếm và thực sự chỉ áp dụng với những tài khoản là robot, lừa đảo hoặc tài khoản rác… Tôi cho rằng thật không đúng khi cấm ông Trump”, Musk nói.
Ông Trump bị cấm sử dụng vĩnh viễn Twitter vào tháng 1/2021, sau khi những người ủng hộ ông gây ra vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội Mỹ trước đó. Twitter cho biết công ty đưa ra quyết định này để ngăn ngừa rủi ro xảy ra thêm bạo lực sau vụ việc.