13:03 10/10/2022

Elon Musk quay trở lại mua Twitter, vấn đề là “lấy đâu ra tiền”?

Bình Minh

Một cuộc đếm ngược lại bắt đầu, để Elon Musk và Twitter hoàn tất thương vụ mua lại giữa họ trước ngày 28/10, nếu không hai bên sẽ lại phải chuẩn bị hầu toà...

Elon Musk - Ảnh: Bloomberg.
Elon Musk - Ảnh: Bloomberg.

Theo trang CNN Business, vào hôm thứ Năm tuần trước, một thẩm phán đã nhất trí tạm dừng quy trình kiện tụng giữa ông Musk và Twitter để hai bên có thể tiến hành thương vụ, sau khi ông Musk bất ngờ “quay 180 độ” bằng tuyên bố quay lại mua Twitter.

Vị tỷ phú giàu nhất thế giới tuyên bố mua Twitter hồi đầu năm nay, sau đó “quay xe” vào tháng 7 với lý do nghi ngờ về lượng người dùng thực tế và mô hình phát triển của mạng xã hội này. Twitter đã kiện Musk ra toà và trong tuần trước, ông đột nhiên nói sẽ thực thi thương vụ bằng với mức giá chào mua ban đầu.

Một câu hỏi mà nhiều người đặt ra lúc này: Musk xoay đâu ra tiền để thực hiện thương vụ?

Dù sở hữu khối tài sản ròng hàng trăm tỷ USD, Musk vẫn cần sự hậu thuẫn từ bên ngoài trong một thương vụ lớn như thế này. Vào tháng 4, Musk cho biết đã sắp xếp được 46,5 tỷ USD tiền vốn để rót vào thương vụ. Số tiền này bao gồm hai cam kết cho vay từ ngân hàng đầu tư Morgan Stanley và một số định chế tài chính khác, trị giá 13 tỷ USD và 12,5 tỷ USD (về sau, khoản thứ hai rút còn 6,25 tỷ USD). Cá nhân Musk dự kiến bỏ 21 tỷ USD tiền túi vào vụ thâu tóm, và vay thêm 7 tỷ USD từ các nhà đầu tư khác như nhà sáng lập hãng phần mềm Oracle Larry Ellison và công ty tiền ảo Binance.

Ở thời điểm hiện tại, điểm mấu chốt của câu chuyện có lẽ nằm ở tình trạng của những thoả thuận cấp vốn này. Hôm thứ Năm, nhóm của Musk nói các ngân hàng đã cam kết cấp vốn cho Musk “đang làm việc với tinh thần hợp tác để hoàn tất việc cấp vốn”.

Về phần mình, Twitter vẫn giữ thái độ hoài nghi, nhất là sau khi đại diện của một trong số các ngân hàng điều trần trước toà hôm thứ Năm nói rằng Musk chưa hề gửi thông báo xin cấp vốn. Vì lý do này, Twitter vẫn muốn gây áp lực lên Musk thông qua các biện pháp pháp lý nhằm vào ông và phản đối việc tạm dừng quy trình kiện tụng.

Nhiều chuyên gia luật pháp cho rằng Musk lần này thực sự muốn hoàn tất thương vụ vì nhận thấy khả năng sẽ thua trong vụ kiện của Twitter và bị toà án buộc phải hoàn tất vụ mua lại. Một khi đã rơi vào tình huống “bất khả kháng” như vậy, Musk sẽ phải chi nhiều tiền hơn và công ty rốt cục ông phải mua lại sẽ phải chịu nhiều tổn thất hơn trong suốt quá trình. Như vậy, chi bằng Musk chấp nhận thực thi thoả thuận.

“Tôi nghĩ Musk thực sự muốn thực hiện thoả thuận, và lý do ông ta không thực hiện ngay có lẽ là một điều tương đối dễ hiểu”, giáo sư luật Ann Lipton thuộc Trường Luật Tulane nhận định. Theo bà Lipton, lý do nằm ở việc Musk cần thời gian để hoàn thiện tất cả các thủ tục cấp vốn để có thể hoàn tất thương vụ.

Bà Lipton cho rằng Musk có thể đang cố gắng Morgan Stanley tiếp thị số nợ mà ngân hàng này phát hành để thu hút vốn từ các nhà đầu tư, rồi mới đề nghị Morgan Stanley giao số tiền đó để ông hoàn thành thương vụ. Musk không bắt buộc phải làm việc này, nhưng nỗ lực đó của ông sẽ là một “ân huệ” đối với Morgan Stanley - ngân hàng mà ông đã có mối quan hệ hơn 1 thập kỷ - xét tới môi trường kinh tế hiện nay đã trở nên khó khăn hơn nhiều so với khi thoả thuận mới bắt đầu được công bố.

Nhiều người đã đồn đoán về việc Morgan Stanley và các ngân hàng khác có thể tìm cách rút khỏi thoả thuận vì Twitter giờ đây đã mất giá nhiều so với ở thời điểm mới có thoả thuận. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng có thể vướng pháp luật nếu tìm cách rút khỏi cam kết vào lúc này.

“Cách duy nhất để các ngân hàng có thể rút lui là tuyên bố bị ảnh hưởng nghiêm trọng và Twitter đã thay đổi quá nhiều từ khi đạt thoả thuận, đến mức họ không còn muốn cấp vốn cho thoả thuận nữa”, theo giáo sư George Geis của Trường Quản lý Anderson, Đại học California, Los Angeles, nhận định.

Nhưng ngay cả khi các ngân hàng rút lui, Musk cũng không thể tự động “thoát” khỏi Twitter. Theo thoả thuận sáp nhập, Musk chỉ có thể phá thoả thuận nếu trả 1 tỷ USD bồi thường cho Twitter trong trường hợp thoả thuận cấp vốn đổ vỡ. Dù vậy, nếu thẩm phán phát hiệu thoả thuận cấp vốn đổ vỡ là do Musk, ông có thể bị toà án yêu cầu kiện Morgan Stanley để ngân hàng này phải cung cấp vốn, hoặc phải tự hoàn tất thương vụ mà không có sự hỗ trợ của Morgan Stanley.

Ngoài tiền đi vay, Musk cũng phải bỏ tiền túi cho thương vụ này, và việc đó đòi hỏi ông phải bán thêm cổ phiếu Tesla - theo bà Lipton. Vị chuyên gia nhận định Musk sẽ phải đợi vài ngày để làm việc đó. Tesla dự kiến công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2022 vào ngày 19/10, và các nhà điều hành doanh nghiệp thường không được phép bán cổ phiếu trong vài ngày trước khi báo cáo.

Một vấn đề khác có thể gây trở ngại thương vụ Musk-Twitter. Đó là Musk có thể đang phải thuyết phục các đối tác góp vốn của ông trong thương vụ không quay lưng, sau tất cả những biến động mà ông đã gây ra cho Twitter trong mấy tháng qua. Ông Geis nhận định rằng các nhà đầu tư đó có thể đang tự hỏi: Làm thế nào để cân bằng giữa rủi ro của việc tham gia vào thoả thuận này với rủi ro của việc mất mối quan hệ với Musk nếu mình không tham gia?