09:46 11/12/2007

EU - châu Phi thành đối tác chiến lược

Trung Việt

EU và châu Phi vừa ký Hiệp định Đối tác chiến lược tại hội nghị cấp cao ở Bồ Đào Nha, song giữa hai châu lục còn vô số bất đồng

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso và Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Alpha Oumar Konare.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso và Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Alpha Oumar Konare.
EU và châu Phi vừa ký Hiệp định Đối tác chiến lược tại hội nghị cấp cao ở Bồ Đào Nha, song giữa hai châu lục còn vô số bất đồng. Châu Phi đã phản đối mạnh mẽ việc EU gây áp lực buộc họ ký Hiệp định Đối tác kinh tế, mở cửa thị trường cho hàng hoá EU, vào ngày 31/12 tới.

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) - châu Phi ở Lisbon (Bồ Đào Nha), với sự tham gia của 67 nước, đã bế mạc chiều 9/12, sau hai ngày họp. Theo Tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị, hai bên sẽ thiết lập mối quan hệ đối tác mới chặt chẽ hơn; đưa ra một khung hợp tác vững chắc mang tính hội nhập, hệ thống và lâu dài... Mối quan hệ đối tác này sẽ là nhịp cầu để san lấp khoảng cách phát triển giữa châu Phi và EU thông qua việc tăng cường hợp tác kinh tế và thúc đẩy phát triển bền vững.

Phản đối EU về Hiệp định Đối tác kinh tế

Tuy nhiên, hai bên cũng bất đồng sâu sắc trong nhiều vấn đề như nhân quyền, nhập cư, biện pháp ngăn chặn xung đột, trong đó thất bại lớn nhất là về thương mại. Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo EU đã phải thừa nhận nỗ lực nhằm ký các Hiệp định Đối tác kinh tế (EPAs) mới giữa EU - châu Phi còn nhiều trở ngại và "không dễ dàng". Đa phần chính phủ các nước thuộc châu lục nghèo nhất thế giới này đã phản đối EU gây áp lực buộc họ phải ký EPA vào ngày 31/12 tới, khi một điều khoản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép xuất khẩu của các nước đang phát triển được hưởng ưu đãi sẽ hết hiệu lực.

Các nước này cho rằng EU đang thực hiện chiến dịch cưỡng ép các nước thuộc địa cũ của họ phải ký các hiệp định thương mại và phát triển mới, trong đó yêu cầu 78 nước châu Phi, Caribe và Thái Bình Dương (ACP) phải dần dần mở cửa thị trường cho hàng hóa từ châu Âu. Trong khi đó, EU cho rằng việc ký kết EPA sẽ mang lại "sự phát triển thực sự cho các nước châu Phi". Tại hội nghị, hai bên chỉ nhất trí sẽ tiếp tục đàm phán thêm về EPA.

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), thâm hụt thương mại giữa EU với châu Phi đã tăng từ 19 tỷ Euro năm 2000 lên 35 tỷ Euro năm 2006. Từ 2000-2006, xuất khẩu của EU sang châu Phi tăng từ 66 tỷ Euro lên 92 tỷ Euro, còn nhập khẩu của khối từ châu Phi tăng từ 85 tỷ Euro lên 126 tỷ Euro. Nhập khẩu từ châu Phi chiếm 9% tổng kim ngạch nhập khẩu của EU, xuất khẩu sang châu Phi chỉ chiếm 8% tổng kim ngạch xuất khẩu của khối.

Bước ngoặt trong quan hệ song phương

Một vấn đề gai góc đã được bàn thảo và gây bất đồng lớn tại Hội nghị thượng đỉnh EU - châu Phi, đó là vấn đề nhân quyền. Sự xuất hiện của Tổng thống Zimbabue, ông Mugabe, người bị cáo buộc là gian lận phiếu bầu để đắc cử năm 2002, đã bị một số nhà lãnh đạo EU phản ứng. Thủ tướng Đức A. Merkel đã cáo buộc ông này “phá hoại hình ảnh của một châu Phi mới”. Tuy nhiên, dù bị chỉ trích, ông Mugabe vẫn được nước chủ nhà đón tiếp với nghi thức trải thảm đỏ.

Dù còn những bất đồng, song Hội nghị thượng đỉnh EU - châu Phi vẫn được coi là bước ngoặt trong quan hệ giữa hai châu lục. Ông Louis Michel, Cao ủy EU phụ trách vấn đề hỗ trợ nhân đạo và phát triển, khẳng định Hội nghị Lisbon là sự khởi đầu của một "tham vọng mới" vì sự hợp tác giữa hai châu lục.

Theo ông, với tiềm năng to lớn về dầu mỏ và các nguồn nguyên liệu thô, châu Phi đang được xem là "cơ hội" cho các nước lớn đến đầu tư. Châu Phi ngày nay không còn bị coi là một "gánh nặng" và đã bước vào kỷ nguyên toàn cầu hóa. Bằng chứng là, lần đầu tiên trong vòng 30 năm qua, lục địa này đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 5% trong bốn năm liên tục.

Hiện Liên minh châu Phi (AU) cũng đang vạch ra khung pháp lý không chỉ giải quyết các vấn đề của châu Phi, mà còn đề xuất những giải pháp đương đầu với những thách thức của thế kỷ 21 như sự biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng và phát triển công nghệ.

Trước những thay đổi lớn này, các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên EU và 53 nước châu Phi cần phải thay đổi quan điểm về hợp tác giữa hai châu lục. Sự hợp tác này cần phải dựa trên ba yếu tố căn bản như nguyên tắc cùng chia sẻ trách nhiệm; xây dựng các mối quan hệ xung quanh một chương trình nghị sự chung, chứ không phải là viện trợ phát triển, thông qua đối thoại và hợp tác về những vấn đề cùng quan tâm như quản lý, thương mại, hạ tầng cơ sở và năng lượng.