13:00 09/05/2022

Fed thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ ảnh hưởng thế nào tới thị trường mới nổi?

An Huy

Trong quá khứ, những động thái như vậy của Fed thường là “điềm xấu” đối với các nền kinh tế mới nổi...

Trụ sở Fed ở Washington DC - Ảnh: Bloomberg.
Trụ sở Fed ở Washington DC - Ảnh: Bloomberg.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa có đợt tăng lãi suất thứ hai trong một chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, đồng thời chuẩn bị cho việc cắt giảm quy mô của bảng cân đối kế toán nhằm chống lại đà leo thang của lạm phát.

Trong quá khứ, những động thái như vậy của Fed thường là “điềm xấu” đối với các nền kinh tế mới nổi.  Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng lần thắt chặt này của Fed sẽ không ra nhiều “sóng gió” như trước kia.

NHÌN LẠI LỊCH SỬ

Vào cuối năm 1993, Fed bắt đầu nâng lãi suất từ mức 2,97%. Cuối cùng, lãi suất Fed trong chu kỳ tăng kéo dài 18 tháng đó đạt 6,02% vào tháng 6/1995. Như một hệ quả tất yếu, đồng USD tăng giá mạnh và các dòng vốn đầu tư đảo chiều để quay trở về Mỹ. Chính sự tháo chạy này của dòng tiền đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997. Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng đó, ở đâu đâu giới đầu tư cũng nói đến những nền kinh tế “con hổ” châu Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc - những nước với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) hàng năm đạt từ 6-9%.

Một bài báo gần đây trên tạp chí International Banker đã nhìn lại những thiệt hại to lớn mà cuộc khủng hoảng tài chính châu Á gây ra cho các nền kinh tế “con hổ” trong khu vực. Từ năm 1996-1997, GDP bình quân đầu người đã giảm 43,2% ở Indonesia, giảm 21,2% ở Thái Lan, giảm 19% ở Malaysia, giảm 18,5% ở Hàn Quốc, và giảm 12,5% ở Philippines. Đến đầu năm 1998, thị trường chứng khoán các nước này mất tới 70% giá trị vốn hoá so với thời gian trước khủng hoảng.

“Bão tố” lại nổi lên ở các thị trường mới nổi vào các năm 2008 và 2013, khi Fed tiến hành “taper tantrum” - cụm từ thường được dùng để nói về việc ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới rút lại các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Sau khi Chủ tịch Fed ở thời điểm đó là ông Ben Bernanke công bố vào tháng 5/2013 ý định cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng (QE) - biện pháp bơm tiền vào nền kinh tế thông qua mua trái phiếu kho bạc Mỹ và trái phiếu đảm bảo bằng nợ địa ốc - các điều kiện tài chính tại hàng chục nền kinh tế mới nổi lớn ngay lập tức chuyển xấu.

Một đợt “taper tantrum” khác được khởi động vào năm 2018 khi Fed bắt đầu cắt giảm quy mô bảng cân đối kế toán. Nhưng lần này, chỉ có hai quốc gia là Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina bị ảnh hưởng nhiều.

Nói về những gì đã xảy ra trong thập niên 1990, giới chuyên gia cho rằng có nhiều yếu tố kết hợp để tạo ra một “cơn bão hoàn hảo” đối với các nền kinh tế “con hổ” châu Á. Các yếu tố đó bao gồm đầu tư quá nóng, giá trị trên thị trường chứng khoán và giá nhà bị đẩy cao quá mức, dự trữ ngoại hối ở mức thấp, sự neo buộc thiếu bền vững của đồng nội tệ vào đồng USD, và giám sát tài chính lỏng lẻo.

NHỮNG THAY ĐỔI TÍCH CỰC

Nhưng các điều kiện hiện nay rất khác so với ở thời điểm đó, giúp các nền kinh tế mới nổi có được sự vững vàng hơn trước rất nhiều.

Một yếu tố đặc biệt quan trọng là dự trữ ngoại hối - “tấm nệm” giúp một quốc gia có thể hấp thụ bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào của việc tăng lãi suất ở Mỹ và sự đi lên của tỷ giá đồng USD. Nguyên tắc số một về một dự trữ ngoại hối đầy đủ - theo quan điểm mà Chủ tịch Fed khi đó là ông Alan Greenspan đưa ra hồi năm 1999 - là một quốc gia cần quản lý dự trữ ngoại hối sao cho đủ “đủ sống” trong thời gian ít nhất 1 năm mà không cần vay mượn thêm bên ngoài. Mức dự trữ này được xác định là 7% GDP. Vào thời điểm năm 2013, trong số 13 nền kinh tế đang phát triển lớn nhất thế giới, có tới 8 nước nắm dự trữ ngoại hối dưới mức này, nhưng đến cuối năm 2020, chỉ có 2 nước ở trong tình trạng như vậy.

“Các nền kinh tế mới nổi đều đã có dự trữ ngoại hối lớn hơn trước, nợ ngoại tệ thấp hơn và thâm hụt cán cân vãng lai nhỏ hơn”, một báo cáo của Fed chi nhánh Dallas nhận định. “Điều này cho thấy bảng cân đối kế toán của các nền kinh tế này giờ đây tốt hơn trước rất nhiều so với đợt taper tantrum năm 2013”.

Một báo cáo của Viện Brookings cũng chỉ ra những điểm cải thiện của các nền kinh tế mới nổi. Chẳng hạn, vào năm 2013, thâm hụt cán cân vãng lai của các nền kinh tế mới nổi dễ tổn thương nhất là 4,4% GDP so với mức 0,4% ở thời điểm giữa năm 2021. Bên cạnh đó, tỷ trọng của các dòng vốn từ bên ngoài chảy vào các nước này cũng thấp hơn so với trước đây, và tỷ giá hối đoái thực tế của đồng nội tệ các nước này cũng không bị đẩy lên quá cao như trước.

Những thay đổi tích cực này có được là nhờ nỗ lực không ngừng của chính các nền kinh tế mới nổi. Trước đây, các quốc gia này có sự phụ thuộc lớn vào khai thác, xuất khẩu nguyên vật liệu thô và nguồn nhân công giá rẻ. “Ngày nay, các nền kinh tế mới nổi, nhất là ở châu Á, đang phát triển mạnh lĩnh vực công nghệ”, chiến lược gia trưởng Craig Basinger của Purpose Investments phát biểu.

Hàn Quốc đã bước lên địa vị nước phát triển, trong khi nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới là Trung Quốc đang đẩy mạnh nền kinh tế tiêu dùng và đầu tư không ngừng nghỉ cho sự phát triển của công nghệ.

Câu chuyện đầu tư hiện nay cũng rất khác. “Chúng tôi ưa chuộng những cổ phiếu dựa vào thị trường tiêu dùng nội địa” ở các nền kinh tế mới nổi - nhà nghiên cứu chứng khoán Lorraine Tan của Morningstar phát biểu. Và trong khi Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ, Trung Quốc vẫn đang nới lỏng. “Chứng khoán Trung Quốc đã giảm rồi nên sẽ khó có chuyện bán tháo nữa. Nếu thị trường phục hồi, sự phục hồi có thể diễn ra nhanh hơn”, bà Tan nói.

“SẼ KHÔNG CÓ KHỦNG HOẢNG”

Các thị trường mới nổi khác như Malaysia và Thái Lan - vốn là những nước vẫn còn sự phụ thuộc lớn vào xuất khẩu - có thể dễ tổn thương hơn trước các biến động tài chính ở Mỹ và Trung Quốc. “Nhưng thị trường chứng khoán các nước này không hề bị đẩy giá lên quá cao. Thậm chí, nhiều cổ phiếu còn đang rẻ vì Covid”, bà Tan nhấn mạnh.

Ông Aidan Garrib, Trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu của PGM Global cũng cho rằng triển vọng của các nền kinh tế mới nổi trong thời gian tới sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi chính sách tiền tệ của Mỹ hay Trung Quốc, mà sẽ chịu tác động nhiều hơn từ triển vọng tăng trưởng của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

“Kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, và Mỹ cũng vậy. Rất khó để lạc quan về các thị trường mới nổi”, ông Garrib nói, và chỉ ra một số nước có thể vững vàng hơn, như Brazil, Chile hay Cộng hòa Czech.

Nói về Brazil, ông Garibb cho rằng việc nước này xuất khẩu nhiều mặt hàng - từ sản phẩm công nghiệp, cho tới kim loại, dầu khí và thực phẩm - nên sẽ trụ vững hơn so với những quốc gia phải nhập khẩu hàng hoá cơ bản, thậm chí là vững hơn so với những nước xuất khẩu dầu lửa như Saudi Arabia phải nhập khẩu lương thực-thực phẩm với mức giá đắt đỏ.

Ông Basinger có cùng quan điểm lạc quan thận trọng như bà Tan và ông Garrib. “Khi thế giới đối mặt với điều kiện tài chính thắt chặt, các thị trường mới nổi thường gặp thách thức lớn hơn”, ông Basinger nói, nhưng tin rằng những thách thức lần này sẽ không lớn như những gì từng xảy ra trước đây. “Khủng hoảng tài chính 1997 sẽ không tái diễn”, ông Tan khẳng định.