08:09 25/03/2011

Fitch và S&P “rủ nhau” hạ bậc tín nhiệm xứ Bồ

Hồng Ngọc

Hôm 24/3, Fitch Ratings và Standard & Poor's (S&P) không hẹn mà cùng nhau hạ xếp hạng tín nhiệm của Bồ Đào Nha

Bồ Đào Nha đối mặt nguy cơ khủng hoảng chính trị.
Bồ Đào Nha đối mặt nguy cơ khủng hoảng chính trị.
Hôm qua (24/3), hai tổ chức định mức tín nhiệm hàng đầu thế giới là Fitch Ratings và Standard & Poor's (S&P) không hẹn mà cùng nhau hạ xếp hạng tín nhiệm của Bồ Đào Nha.

Cụ thể, S&P hạ xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Bồ Đào Nha từ A- xuống BBB. Lý do, theo S&P, Chính phủ Bồ Đào Nha đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu hôm 23/3 về gói cắt giảm chi tiêu. Thêm vào đó, việc Thủ tướng Jose Socrates bất ngờ từ chức cũng là một yếu tố quan trọng khiến S&P đi tới quyết định hạ bậc.

Ông Jose Socrates đưa ra quyết định từ chức ngay trước thềm hội nghị cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về cuộc khủng hoảng nợ của khu vực đồng Euro (Eurozone) và không lâu sau khi Quốc hội Bồ Đào Nha không chấp thuận các biện pháp thắt lưng buộc bụng mới nhất do chính quyền đảng Xã hội của ông đề xuất.

“Các đảng đối lập đã bác bỏ những biện pháp mà chính phủ đề xuất nhằm ngăn Bồ Đào Nha phải phụ thuộc vào cứu trợ bên ngoài. Họ đã tước bỏ các điều kiện quản lý của chính phủ, nên tôi đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Anibal Cavaco Silva", ông Socrates nói trên truyền hình.

Đảng Xã hội là đảng cầm quyền, nhưng chỉ là thiểu số và chỉ có thể trông cậy vào sự ủng hộ của các thành viên trong quốc hội Bồ Đào Nha. Cuối ngày 23/3, Tổng thống Anibal Cavaco Silva cho biết sẽ gặp gỡ các đảng quan trọng vào ngày 25/3 và Chính phủ sẽ duy trì quyền lực của mình, cho đến khi ông chấp nhận đề nghị từ chức của Thủ tướng Socrates.

Bồ Đào Nha đã nâng thuế và tiến hành các biện pháp cắt giảm chi tiêu mạnh tay nhất trong hơn 3 thập kỷ nhằm thuyết phục nhà đầu tư rằng nước này có thể tự giảm bớt thâm hụt ngân sách. Các biện pháp bổ sung được công bố hôm 11/3 đã gây ra phản ứng dữ dội và không thể trấn an nhà đầu tư.

Trong cuộc bỏ phiếu hôm 23/3, các đảng đối lập đã bác bỏ các biện pháp cắt giảm bổ sung tương đương 4,5% GDP trong vòng 3 năm. Theo đó, nước này sẽ cắt giảm lương hưu hơn 1.500 Euro/tháng (tương đương 2.114 USD/tháng) và các khoản trợ cấp thuế.

Một ngày trước đó, báo chí Anh dẫn lời một số quan chức chính phủ và lãnh đạo đảng đối lập ở Bồ Đào Nha nói chương trình cải cách chi tiêu ngân sách do đảng Xã hội trình lên Quốc hội để thông qua vào ngày 23/3 gần như chắc chắn sẽ không được chấp nhận, đẩy Thủ tướng José Sócrates đến nguy cơ từ chức.

Những quan chức trên nhận định, Bồ Đào Nha đang có nguy cơ đối mặt với khủng hoảng chính trị có thể dẫn tới đổ vỡ chính phủ. Bộ trưởng Bộ Tài chính Bồ Đào Nha Fernando Teixeira dos Santos thậm chí còn cảnh báo, khủng hoảng chính trị có thể đẩy nước này tiến gần hơn tới chỗ phải cầu viện sự giúp đỡ của Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Theo ước tính của Ngân hàng Hoàng gia Scotland, gói giải cứu dành cho Bồ Đào Nha có thể trị giá khoảng 80 tỷ Euro (tương đương 113 tỷ USD). Hiện chi phí bảo hiểm nợ Bồ Đào Nha khỏi nguy cơ vỡ nợ đang đứng sát mức cao kỷ lục.

“Theo quan điểm của chúng tôi, bất ổn chính trị ngày càng cao có thể làm xói mòn niềm tin trên thị trường và gia tăng rủi ro tái huy động vốn của Bồ Đào Nha”, S&P nhận định.

Cùng ngày, xuất phát cũng từ những lý do tương tự, tổ chức Fitch đã hạ bậc tín nhiệm nội tệ và ngoại tệ dài hạn của Bồ Đào Nha từ A+ xuống A-. Ngoài ra, Fitch còn hạ bậc tín nhiệm ngắn hạn của nước này từ F1 xuống F2 và đưa vào diện xem xét hạ bậc.