09:00 14/06/2007

FTA Hàn - ASEAN: Cơ hội lớn cho thương mại song phương

Trung Việt

Hàn Quốc miễn thuế gần 8.000 mặt hàng của ASEAN; các nước ASEAN giảm thuế còn từ 0 đến 5% đối với 45% số mặt hàng của Hàn Quốc

FTA Hàn - ASEAN tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến và thủy sản sang Hàn Quốc.
FTA Hàn - ASEAN tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến và thủy sản sang Hàn Quốc.
Hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN - Hàn Quốc có hiệu lực từ 1/6 vừa qua, theo đó, Hàn Quốc miễn thuế gần 8.000 mặt hàng của ASEAN; các nước ASEAN giảm thuế còn từ 0 đến 5% đối với 45% số mặt hàng của Hàn Quốc. FTA mở ra triển vọng tăng xuất khẩu của ASEAN vào thị trường Hàn Quốc và tăng năng lực cạnh tranh của Hàn Quốc trên thị trường ASEAN.

Cùng với Trung Quốc, EU, Mỹ, Nhật Bản, ASEAN là một trong năm thị trường giao dịch lớn nhất của Hàn Quốc. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, ASEAN đang nổi lên là thị trường xuất khẩu chủ yếu của Hàn Quốc và Hàn Quốc cũng là thị trường quan trọng của ASEAN.

Cơ hội với ASEAN và Việt Nam

Hàn Quốc và các nước ASEAN (trừ Thái Lan chưa tham gia FTA này), nhất trí dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với hơn 90% mặt hàng xuất nhập khẩu vào năm 2010. Trong lộ trình này, từ 1/6, Hàn Quốc miễn thuế 7.991 mặt hàng trong tổng số 12.063 mặt hàng được miễn giảm thuế, trong khi các nước ASEAN giảm thuế còn từ 0-5% đối với 45% danh mục mặt hàng.

ASEAN là bạn hàng lớn thứ năm của Hàn Quốc với kim ngạch thương mại 53,5 tỷ USD năm 2005, chiếm khoảng 9,8% tổng kim ngạch thương mại của Hàn Quốc. Năm ngoái, Hàn Quốc đầu tư hơn 12,5 tỷ USD vào các nước ASEAN và khoảng hai triệu lượt khách nước này đến các nước ASEAN. FTA với ASEAN là thỏa thuận thương mại đầu tiên của Hàn Quốc với một khối kinh tế thống nhất.

Đại diện giới thương mại Việt Nam cũng như phía Hàn Quốc đều nhận định Hiệp định ASEAN-Hàn Quốc sẽ mang lại lợi ích nhiều mặt cho Việt Nam và Hàn Quốc. Phát biểu bên lề Hội nghị Ủy ban đàm phán thương mại ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 18, tổ chức tại Hà Nội từ ngày 5-8/6, ông Trần Trung Thực, đại diện Bộ Thương Mại Việt Nam cho biết Hiệp định về Thương mại hàng hóa có hiệu lực từ ngày 1/6, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến và thủy sản sang Hàn Quốc.

Ông Kim Han-soo, Thứ trưởng phụ trách vấn đề khu vực mậu dịch tự do thuộc Bộ Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc, cho rằng “xét về dài hạn, hiệp định sẽ góp phần làm giảm thâm hụt thương mại của Việt Nam đối với Hàn Quốc”, mà con số này ước khoảng 3 tỉ USD hàng năm. Hiện tại Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai quốc gia chiếm khoảng 6,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 2002 đến đầu 2006..

Thứ trưởng Kim Han-soo cho rằng, một trong những lợi ích đáng chú ý là dòng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào các nước ASEAN trong đó có Việt Nam cũng sẽ tăng đáng kể. “Các doanh nghiệp Hàn Quốc hiện muốn đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn là vào một số nước châu Á khác”.

Hàn Quốc khẳng định vị trí trên thị trường ASEAN

Đàm phán FTA Hàn Quốc-ASEAN chính thức bắt đầu năm 2003. Qua 11 vòng đàm phán, Hiệp định FTA song phương được ký kết chính thức vào ngày 24/ 8/2006 tại Hội nghị Bộ trưởng kinh tế Hàn Quốc-ASEAN.

ASEAN gồm 10 nước thành viên trong đó những nước gia nhập Hiệp hội trước được gọi là “ASEAN 6” gồm có Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Các nước trong “ASEAN 6” trừ Thái Lan chưa ký FTA đều đã cam kết về cơ bản tới năm 2010 sẽ dỡ bỏ 90% hàng rào thuế quan.

Hàn Quốc đã cố gắng giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của FTA đối với lĩnh vực nông nghiệp trong đó có các sản phẩm nhạy cảm như thịt bò, thịt gà, thịt lợn... Trong lĩnh vực thủy sản thì các mặt hàng như cá bơn, cá hồng đông lạnh... được phân loại là các mặt hàng cực kỳ nhạy cảm và đưa vào danh sách các mặt hàng được bảo hộ không giảm thuế.

Đặc biệt, FTA Hàn Quốc-ASEAN đã công nhận khu công nghiệp Gaeseong là khu vực sản xuất bên ngoài và 100 trong số các mặt hàng được sản xuất ở Gaeseong như đồng hồ, quần áo... đã được xuất khẩu sang thị trường ASEAN với mức thuế ưu đãi.

Với FTA Hàn–ASEAN, tổng sản phẩm quốc dân (GNP) của Hàn Quốc và tiêu chuẩn phúc lợi xã hội sẽ tăng lần lượt là 0,63% và 0,65%. Đây có vẻ là những con số rất nhỏ nhưng nếu chuyển đổi ra tiền mặt thì tiêu chuẩn phúc lợi xã hội của Hàn Quốc sẽ tăng thêm khoảng 2,46 tỷ USD.

FTA này còn là cơ sở để Hàn Quốc củng cố chỗ đứng của mình trong xu hướng hợp nhất khu vực đang ngày càng trở nên rõ nét trong thời gian gần đây với trung tâm là ASEAN. Ngoài ra, FTA Hàn Quốc-ASEAN có hiệu lực sớm hơn so với FTA Nhật Bản-ASEAN sẽ là lợi thế để Hàn Quốc tiến sâu hơn vào thị trường ASEAN.

Hiện nay Thái Lan vẫn chưa chính thức ký Hiệp định FTA Hàn Quốc-ASEAN. Do đó, trước hết Hàn Quốc cần phải hoàn tất đàm phán với Thái Lan. Ngoài ra, Hàn Quốc và ASEAN vẫn còn phải hoàn tất đàm phán trong lĩnh vực đầu tư và dịch vụ.