09:00 23/06/2022

Gần 1 thập kỷ Nga chuẩn bị “pháo đài kinh tế” cho ngày hứng “bão” trừng phạt từ phương Tây

An Huy

Sau khi Tổng thống Vladimir Putin hạ lệnh mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine và “cơn bão” trừng phạt bắt đầu trút xuống Nga, giới chuyên gia kinh tế đã dự báo về sự sụp đổ của nền kinh tế Nga...

Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Getty/BI.
Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Getty/BI.

Tuy nhiên, đã 4 tháng trôi qua kể từ khi chiến tranh nổ ra, kinh tế Nga vẫn trụ vững, với lạm phát gần đây chững lại và tỷ lệ thất nghiệp ổn định – theo lời ông Putin hôm 7/6.

Một nguồn lực quan trọng của kinh tế Nga ở thời điểm này là xuất khẩu năng lượng. Nga là một cường quốc xuất khẩu dầu thô và khí đốt, đang hưởng lợi nhiều từ sự tăng cao của giá năng lượng. Nhưng ngay cả trong trường hợp giá năng lượng không tăng cao, thì trong ngắn hạn, nền kinh tế Nga vẫn có đủ lực để chống chọi với các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Theo các chuyên gia kinh tế, đó là bởi từ năm 2014, Moscow đã chuẩn bị cho tình huống phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt như hiện nay. Ông Putin dường như đã lường trước được điều này khi Nga chịu sự trừng phạt sau khi sáp nhập bán đảo Crimea ly khai từ Ukraine.

Trong một bài viết hôm 13/6 đăng trên ABA Banking Journal, tạp chí của Hiệp hội Các nhà ngân hàng Mỹ (ABA), nhà nghiên cứu kinh tế Veronica Carrion của hiệp hội này nhận định rằng ông Putin đã “biến nền kinh tế Nga thành một pháo đài” để chống chọi với các cú sốc từ bên ngoài.

Suốt từ thời điểm chiến tranh mới bắt đầu, một số chuyên gia đã tỏ ra hoài nghi về độ khả tin của các số liệu kinh tế Nga. “Chính phủ Nga rõ ràng có động cơ để che giấu ảnh hưởng kinh tế thực sự mà các biện pháp trừng phạt của phương Tây gây ra cho họ”, chuyên gia Andrew Lohsen thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định.

Cho dù trụ vững được như thể hiện qua các con số thống kê, nền kinh tế Nga vẫn có thể chao đảo nếu cơn sốt giá hàng hoá cơ bản hạ nhiệt và các biện pháp trừng phạt ngấm sâu vào hệ thống. Nhưng ở thời điểm hiện tại, nước Nga đang chứng tỏ sự vững vàng ít ai ngờ tới, và sự vững vàng đó được thể hiện trên nhiều thước đo bao gồm việc Nga tăng được dự trữ ngoại hối và thậm chí “cai” được dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài.

Dưới đây là 3 điều quan trọng mà Nga đã làm trong 10 năm qua để có thể đứng vững trước sự trừng phạt hiện nay của phương Tây, theo trang Business Insider:

NGA KHÔNG NGỪNG TÍCH TRỮ VÀNG VÀ TĂNG DỰ TRỮ NGOẠI HỐI

Trước chiến tranh, Nga sở hữu dự trữ ngoại hối và vàng lớn thứ 5 thế giới, trị giá khoảng 630 tỷ USD – theo dữ liệu từ Bank of Finland Institute for Emerging Economics (BOFIT), một tổ chức nghiên cứu thuộc Ngân hàng Trung ương Phần Lan. “Dự trữ này có thể hỗ trợ cho bảng cân đối kế toán của Chính phủ Nga và tỷ giá đồng Rúp”, bà Carrion nhận định.

Do các biện pháp trừng phạt, Nga đã mất khả năng tiếp cận với khoảng một nửa dự trữ ngoại hối - Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết hồi tháng 3. Tuy nhiên, Nga vẫn còn nhiều vàng vật chất dự trữ trong nước, chưa kể Nga cũng là nước sản xuất vàng lớn thứ nhì thế giới.

Dự trữ vàng của Nga đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 2014 và tất cả đều được cất giữ tại các hầm vàng trong nước, theo Ngân hàng Trung ương Nga (CBR). Sự trừng phạt của Mỹ đã nhằm vào các giao dịch sử dụng vàng của Nga, nhưng điều đó không thể ngăn một số quốc gia ngừng giao dịch với Nga – theo bà Carrion.

Nga cũng đang tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối dưới dạng quỹ khẩn cấp, nhờ nguồn thu dồi dào từ xuất khẩu dầu thô và khí đốt. Trong tháng 4 và tháng 6 năm nay, Nga bổ sung thêm 12,7 tỷ USD vào quỹ khẩn cấp. Nguồn quỹ này sẽ được sử dụng để đảm bảo sự phát triển kinh tế ổn định trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt, Chính phủ Nga cho biết trong một tuyên bố hôm 9/6.

NGA ĐÃ NỖ LỰC “CAI” VỐN NGOẠI VÀ TRẢ BỚT NỢ NẦN

Ngoài việc tích luỹ dự trữ, Nga còn nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài bằng cách tích cực trả nợ trong vòng 8 năm trở lại đây – theo nhà nghiên cứu cấp cao Gian Maria Milesi-Ferretti thuộc Trung tâm Hutchins về chính sách tài khoá và tiền tệ (HCFMP). Nếu tính ròng, Nga hiện đang là một nước chủ nợ trên thị trường vốn quốc tế, ông Milesi-Ferretti cho hay.

“Tổng thống Putin ‘dị ứng’ với việc vay mượn. Ông ấy không muốn dựa vào hệ thống ngân hàng Nga hay sự tiếp cận với thị trường vốn phương Tây để làm cho nước Nga trở nên vĩ đại”, chuyên gia Andrew Weiss thuộc Carnegie Endowment for International Peace nhận định hồi tháng 2.

Nợ nước ngoài của Nga hiện ở mức tương đối thấp. Nợ trái phiếu ngoại tệ của Chính phủ Nga ở thời điểm cuối năm 2021 là khoảng 39 tỷ USD, theo ước tính của ngân hàng JPMorgan Chase. Trong cuộc khủng hoảng nợ vào năm 2012, Hy Lạp vỡ nợ 205,6 tỷ Euro, tương đương 277,5 tỷ USD, trái phiếu quốc tế.

Tổng nợ quốc gia của Nga chỉ tương đương khoảng 17% tổng sản phẩm trong nước (GDP), thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 3 con số ở nhiều nước phát triển và chủ yếu là nợ bằng đồng Rúp. Bởi vậy, Nga “thực sự không cần phải vay mượn” – theo chuyên gia kinh tế trưởng Anton Tabakh thuộc công ty đánh giá tín nhiệm Expert RA của Nga. Theo dữ liệu của Statista, nợ quốc gia của Mỹ tương đương khoảng 130% GDP.

Nhưng ông Tabakh nhấn mạnh rằng vấn đề lớn nhất mà Nga gặp phải hiện nay là trả nợ nước ngoài vì các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã đóng băng khoảng một nửa dự trữ ngoại hối của Nga. Một khi vấn đề này được giải quyết, Chính phủ và các công ty Nga sẽ dễ dàng trả nợ, vì nguồn lực mà Nga có “hoàn toàn đủ để đáp ứng nhu cầu của ngân sách chính phủ, các ngân hàng và doanh nghiệp”, ông nói thêm.

NGA CHUYỂN SANG TỰ CUNG TỰ CẤP VỀ KINH TẾ

Sự hướng nội về kinh tế của Nga diễn ra khi nước này bị phương Tây cô lập. Nhà phân tích Hassan Malik thuộc công ty tư vấn Loomis Sayles ở Boston, Mỹ nhận định rằng dù tăng trưởng kinh tế Nga có giảm tốc mạnh, thì sự sụp đổ sẽ không xảy ra, vì Nga là một nước sản xuất hàng hoá cơ bản vào hàng lớn nhất thế giới.

“Nga là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có thể tự cung tự cấp”, ông Hassan nói với Business Insider. Nga là nước sản xuất hàng đầu thế giới các mặt hàng dầu thô, khí đốt, lúa mỳ, và nhiều kim loại như nickel và palladium.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng tình hình kinh tế Nga hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Chính ông Putin hôm 9/6 nói rằng việc thay thế hàng hoá nhập khẩu bằng hàng hoá sản xuất trong nước “không phải là thuốc chữa bách bệnh”. Ông nói Nga sẽ tìm kiếm những đối tác thương mại mới và tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp trong ước để có được “những công nghệ đặc biệt quan trọng”.

Phạm vi và mức độ của các biện pháp trừng phạt mà Nga phải hứng chịu hiện nay vượt xa những biện pháp hồi năm 2014, nên sẽ “gây ra tổn thất nghiêm trọng đối với kinh tế Nga”, ông Milesi-Ferretti nhận định trong một báo cáo hồi tháng 3.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 4, nền kinh tế Nga sẽ giảm 8,5% trong năm nay và giảm thêm 2,3% trong năm 2023. Đó sẽ là mức giảm mạnh nhất của kinh tế Nga kể từ những năm sau khi Liên Xô cũ tan ra vào năm 1991.