19:16 10/09/2024

Gần 100% doanh nghiệp "rất hài lòng và "hài lòng" đối với hải quan

Ánh Tuyết

Tại Diễn đàn Hải quan - Doanh nghiệp 2024, Ban tổ chức công bố khảo sát trên 2 nghìn doanh nghiệp đối với các tiêu chí "đa dạng" và "kịp thời" cung cấp thông tin của hải quan, kết quả cho thấy gần 100% "rất hài lòng" và "hài lòng"...

Ngành hải quan phấn đấu số hoá, chuyển sang dạng dữ liệu điện tử 100% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan đến năm 2030.
Ngành hải quan phấn đấu số hoá, chuyển sang dạng dữ liệu điện tử 100% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan đến năm 2030.

Ngày 10/9/2024, Ban Cải cách hiện đại hóa Hải quan và Tạp chí Hải quan phối hợp tổ chức "Diễn đàn hải quan - doanh nghiệp 2024: 10 năm phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp”. 

NÂNG CAO MỨC ĐỘ HÀI LÒNG CỦA DOANH NGHIỆP

Qua 10 năm đẩy mạnh thực hiện, công tác phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho cả cơ quan hải quan và cộng đồng doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về hải quan và thực thi công vụ trong ngành hải quan.

 

Ban tổ chức công bố khảo sát trên 2 nghìn doanh nghiệp đối với 2 tiêu chí "đa dạng" và "kịp thời" cung cấp thông tin của hải quan, kết quả cho thấy gần 100% "rất hài lòng" và "hài lòng"...

Khảo sát sự hài lòng của doanh nghiệp về phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp do Tổng cục Hải quan thực hiện vào tháng 4/2024, với 2.194 doanh nghiệp đã tham gia cho thấy 53,37% lượng doanh nghiệp được hỏi rất hài lòng về sự đa dạng của hình thức cung cấp thông tin; tỷ lệ hài lòng là 42,48%; tỷ lệ không hài lòng chỉ chiếm 0,27%.

Đánh giá về sự chính xác, kịp thời của cung cấp thông tin, 52,01% ý kiến rất hài lòng; 42,75% hài lòng. Tỷ lệ không hài lòng chỉ chiếm 0,27%... Sự thuận tiện trong tìm hiểu thông tin cũng được doanh nghiệp đánh giá cao.

Các đại biểu trao đổi về những nỗ lực cải cách hải quan nhằm tạo thuận lợi môi trường đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.
Các đại biểu trao đổi về những nỗ lực cải cách hải quan nhằm tạo thuận lợi môi trường đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng trong những năm qua, Hải quan Việt Nam đã có nhiều cải cách đáng kể nhằm đơn giản quy trình, nâng cao tính minh bạch và giảm bớt các rào cản hành chính mà doanh nghiệp phải đối mặt. Việc áp dụng hải quan điện tử, triển khai chương trình doanh nghiệp ưu tiên (AEO) và đơn giản hóa các thủ tục hải quan là một vài dẫn chứng về những nỗ lực này.

Những cải cách này không chỉ giúp doanh nghiệp dễ dàng tuân thủ các quy định mà còn giảm thiểu thời gian và chi phí thông quan. Sự tích hợp công nghệ vào quy trình kiểm tra giám sát hải quan cho phép doanh nghiệp gửi tài liệu qua hệ thống điện tử, theo dõi lô hàng theo thời gian thực và hưởng lợi từ thời gian xử lý nhanh hơn.

EuroCham cũng đã nhiều năm phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan cũng như cục hải quan địa phương Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để thúc đẩy một môi trường hợp tác mang lại lợi ích cho tất cả các bên. 

Để tiếp tục củng cố mối quan hệ hợp tác, đại diện EuroCham cho rằng việc duy trì đối thoại là vô cùng quan trọng. Cùng với đó, khi các quy định hải quan tiếp tục thay đổi và phát triển, EuroCham dự định mở rộng các chương trình đào tạo để bao phủ các lĩnh vực quan tâm mới, chẳng hạn như các tác động của các hiệp định thương mại mới và những tiến bộ trong công nghệ hải quan, cũng như cập nhật các yêu cầu, quy định mới của Liên minh Châu Âu liên quan tới xuất nhập khẩu.

Việc tiếp tục tích hợp công nghệ vào quy trình hải quan sẽ rất quan trọng để cải thiện tính hiệu quả, minh bạch và đơn giản thêm quy trình hải quan, giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.

EuroCham sẽ nỗ lực để củng cố những mối liên kết này, đảm bảo rằng tất cả các bên cùng phối hợp để thúc đẩy một hệ thống hải quan không chỉ nhằm mục đích tuân thủ mà còn giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh, từ đó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam như một trung tâm thương mại hàng đầu trong khu vực.

KỊP THỜI THÁO GỠ KHÓ KHĂN

Phát biểu tại diễn đàn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ đánh giá 79 năm qua, Hải quan Việt Nam có sự lớn mạnh, trưởng thành, phát triển cùng sự nghiệp cách mạng của đất nước. 

"Công tác phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp và các bên liên quan đã được ngành hải quan đặc biệt quan tâm, chú trọng thực hiện trong nhiều năm qua, đặc biệt từ năm 2014 đến nay, cơ quan hải quan các cấp luôn xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và đạt được nhiều kết quả tích cực", ông Thọ nói.

Theo đó, cơ quan hải quan luôn tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ, kịp thời các quy định của pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế.

Cùng với đó, công tác giám sát thực thi pháp luật được các đơn vị trong ngành hải quan chú trọng và thực hiện qua nhiều kênh; qua đó doanh nghiệp có thể tương tác, phản ánh trực tiếp tinh thần, thái độ phục vụ cũng cũng như các vấn đề còn chưa hài lòng trong quá trình làm thủ tục hải quan tại các chi cục.

Ngoài ra, các hoạt động hợp tác hải quan với các hiệp hội và doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh để tham vấn, xây dựng chính sách, pháp luật; trao đổi, cập nhật thông tin về các quy định, chính sách mới trong lĩnh vực hải quan...

Chia sẻ những mục tiêu đặt ra trong thời gian tới, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết hiện nay Hải quan Việt Nam đang triển khai Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó có mục tiêu: “Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan. Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”“phát triển quan hệ hợp tác, đối tác giữa Hải quan với các bên liên quan tạo nền tảng và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về hải quan”.

Chiến lược cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành hải quan số; 80% hoạt động kiểm tra của cơ quan hải quan được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan; 100% thủ tục hành chính có nhu cầu sử dụng cao được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho người dân, doanh nghiệp và được thực hiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, đồng thời được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia...

"Thời gian tới, ngành hải quan tiếp tục tập trung nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật về hải quan để hướng tới đơn giản thủ tục hành chính, tạo thuận lợi về mặt thủ tục hải quan và từng bước nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát và kiểm soát hải quan", ông Thọ nhấn mạnh.

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hải quan thông qua các công cụ số hóa, góp phần đổi mới phương thức làm việc; nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hải quan và chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.

Với mục tiêu xây dựng và phát triển ngành trong giai đoạn tới, công tác phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp và các bên liên quan sẽ tiếp tục được ngành hải quan đẩy mạnh triển khai, tích cực đổi mới, đảm bảo ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu.

Ngành hải quan coi doanh nghiệp là đối tác hợp tác, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu để đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan hải quan. 

Với tinh thần thực hiện quyết liệt, thống nhất trong toàn ngành, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ tin tưởng những mục tiêu và giải pháp về phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp và các bên liên quan nêu trên của ngành hải quan sẽ tạo động lực quan trọng trong việc hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, từ đó, giúp doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong thời gian tới.