Gần 2 tỷ USD vốn ODA vào nông nghiệp
Rất nhiều nông dân đã được hưởng lợi từ những dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững với nguồn tài chính do quốc tế tài trợ
Ngày 3/7/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị "Tổng kết 20 năm quản lý và thực hiện các chương trình, dự án ODA ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn".
Từ khi thành lập (năm 1999) đến nay, Ban quản lý các dự án nông nghiệp (CPO nông nghiệp) đã quản lý và thực hiện 20 chương trình, dự án với tổng số vốn đầu tư lên đến 1,968 tỷ USD.
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, bắt đầu từ năm 1993, Việt Nam nhận được sự quan tâm hỗ trợ về vốn ODA từ các nhà tài trợ quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ các nước Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Úc, Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan, Hàn Quốc...
Trong đó, nguồn vốn ODA dành cho nông nghiệp được tập trung vào công cuộc phát triển ngành nông nghiệp bền vững như xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các công trình thuỷ lợi, giao thông nông thôn, hoàn thiện thể chế, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững thân thiện với môi trường..., góp phần phát huy nội lực trong nước và tăng vị thế của ngành nông nghiệp trên trường quốc tế.
Cuối thập kỷ 90, việc tổ chức quản lý và thực hiện các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp từ nguồn vốn ODA một cách riêng rẽ gặp nhiều vướng mắc, đòi hỏi cần có một cơ quan chuyên trách thực hiện quản lý và vận hành các dự án ODA nông nghiệp.
Trước thực tế đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 100/1999/QĐ-BNN-TCCB, ngày 3/7/1999 về việc thành lập Ban quản lý các dự án nông nghiệp (CPO nông nghiệp).
CPO nông nghiệp được giao làm chủ các chương trình, dự án ODA, sử dụng nguồn vốn ODA, nguồn vốn đối ứng và nguồn vốn khác để quản lý, điều hành thực hiện chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật và chương trình, dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và phát triển nông thôn.
Ông Lê Văn Hiến, Trưởng Ban quản lý các dự án nông nghiệp cho hay, trong 20 năm qua, CPO nông nghiệp được giao quản lý và triển khai thực hiện 20 chương trình, dự án với tổng số vốn đầu tư lên đến 1,968 tỷ USD từ các nhà tài trợ.
Các dự án có phạm vi hoạt động tại 63 tỉnh, thành trên cả nước và đa dạng về lĩnh vực bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, khai thác và nuôi trồng thủy sản, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, phòng chống thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và sản xuất nông nghiệp bền vững thích ứng biến đổi khí hậu.
Theo ông Hiến, từ các nguồn vốn ODA, gần 5.000 km đường giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đi lại, sản xuất nông nghiệp và vận chuyển nông sản của người dân.
Hơn 700 km kênh mương cùng với công trình hồ đập thủy lợi, 22 trạm bơm được cải tạo giúp đảm bảo lượng nước tưới, tiêu ổn định cho khoảng 100.000 ha các loại cây trồng. Đã có gần 100 km đê kè biển, đê kè sông được chống lún, phục hồi; nâng cấp 21 cảng cá/bến cá và gần 50 vùng nuôi được nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Cùng với đó, gần 600 chợ nông thôn và chợ an toàn thực phẩm được cải tạo, nâng cấp tại 18 tỉnh, thành phố với 25.000 hộ tiểu thương được hưởng lợi. Bên cạnh đó gần 30 viện, trường đại học thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được đầu tư nâng cấp hạ tầng, trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp.
Các công trình này được xây dựng, nâng cấp ở nhiều tỉnh trong phạm vi cả nước, góp phần xoá đói giảm nghèo, tăng cường phát triển bền vững về xã hội, sinh thái và môi trường tại cấp cộng đồng thông qua phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cơ sở hạ tầng xã hội, cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội và mức sống của hàng chục triệu người dân.
Rất nhiều nông dân đã được hưởng lợi từ những dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững với nguồn tài chính do quốc tế tài trợ.
Trong khuôn khổ các dự án ODA, đã có 47.636 lượt nông dân được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cao su; 115.000 nông dân được tập huấn sản xuất lúa bền vững và 26.000 nông dân được tập huấn về sản xuất và tái canh cà phê bền vững; hơn 20.000 cán bộ quản lý, kỹ sư nông nghiệp, khuyến nông viên được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực.
Đã có 607.000 lượt nông dân được đào tạo về chăn nuôi gia súc nhỏ; 11.678 lượt nông dân được đào tạo về nâng cao năng suất cây trồng và đa dạng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường; 50.000 lượt nông dân được đào tạo, tập huấn về IPM, ICM, xử lý chất thải nông nghiệp sử dụng chế phẩm sinh học.
Đến nay, đã có hơn 100.000 hộ được hỗ trợ lắp đặt thiết bị khí sinh học xử lý chất thải chăn nuôi và tập huấn sử dụng công trình khí sinh học đúng cách.
Trong lĩnh vực thủy sản, đã có 9.000 hộ dân tham gia thực hành nuôi trồng thủy sản bền vững, 13.000 ngư dân tham gia quản lý và khai thác thủy sản bền vững...
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhận định, các dự án ODA do CPO nông nghiệp quản lý và thực hiện trong 20 năm qua đã mang lại lợi ích thiết thực cho hàng chục triệu người dân tại 63 tỉnh, thành trên cả nước và góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đó, góp phần đưa Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới...