10:28 18/06/2007

Ghi nhãn hàng hóa: Doanh nghiệp cần tập dượt quy định mới

Huỳnh Hạnh

Nghị định 89/CP về nhãn hiệu hàng hóa được Chính phủ ban hành ngày 30/8/2006, có hiệu lực kể từ 6 tháng sau ngày đăng công báo

Cảnh mua bán nhộn nhịp tại Cửa khẩu Mộc Bài.
Cảnh mua bán nhộn nhịp tại Cửa khẩu Mộc Bài.
Nghị định 89/CP về nhãn hiệu hàng hóa được Chính phủ ban hành ngày 30/8/2006, có hiệu lực kể từ 6 tháng sau ngày đăng công báo.

Theo đó, trừ các loại nguyên liệu hàng nông sản, thực phẩm, vật liệu xây dựng. Tất cả hàng đều phải ghi nhãn hàng hóa đầy đủ theo biểu mẫu từng loại bằng tiếng Việt.

Với các loại hàng hóa nhập khẩu, nhất là nhóm hàng tiêu dùng, việc thực hiện khá phức tạp nên các cơ quan chức năng sau đó đã thống nhất quy định.

Kể từ 1/7/2007, mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tại Việt Nam phải dán nhãn phụ bằng tiếng Việt lên sản phẩm. Nhãn phụ tiếng Việt phải có đủ các yếu tố: tên hàng hóa; tên tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; định lượng hàng hóa; ngày sản xuất; xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu; hạn sử dụng. Thời gian phải thực hiện các quy định này không còn nhiều, các doanh nghiệp liệu có đáp ứng nổi yêu cầu này không?

Phần lớn các doanh nghiệp đến giờ này đều có tâm trạng lo lắng. Các cơ quan quản lý thông báo từ 1/7 sẽ kiểm tra và phạt các vi phạm về nhãn mác nhưng đến nay, đa phần các doanh nghiệp ở địa phương vẫn chưa nhận được thông báo, hướng dẫn về nhãn phụ cho đúng theo quy định. Nhãn phụ do doanh nghiệp tự in có thể có những sai sót về kích cỡ, vị trí, thứ tự danh mục chất lượng quy định. Nếu phải hủy các bảng in đó, lại kéo theo chậm trễ về thời gian và thiệt hại về kinh tế cho đơn vị.

Nổi cộm trong các loại hàng hóa phải dán nhãn phụ là các mặt hàng nhập khẩu. Tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), Công ty TNHH Thế kỷ Vàng đang kinh doanh siêu thị miễn thuế trong khu kinh tế cửa khẩu cho biết: siêu thị có đến hơn 15.000 mặt hàng với 2,6 triệu sản phẩm hàng hóa các loại, chủ yếu là hàng nhập khẩu. Phải dán nhãn hết tất cả các mặt hàng như quy định sẽ cần một số lượng lớn nhân công tập trung nhưng chưa chắc có thể kịp thời gian.

Nhiều doanh nghiệp ở các khu kinh tế cửa khẩu, cửa hàng miễn thuế ở các thành phố lớn cũng có mối lo tương tự. Một số doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng điện tử, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc, Singapore. Họ cho biết lâu nay một số đối tác nước ngoài đều có in sẵn nhãn hiệu cũng như các công thức, định lượng bằng tiếng Việt (như nhiều mặt hàng muối i-ốt, nước chấm, cá hộp đầu máy VCD). Hàng hóa mang nhãn tiếng Việt này nay nhập khẩu về Việt Nam trong thời điểm mới có còn phù hợp không?

Tỉnh Tây Ninh ngoài Khu Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài còn có các cửa khẩu quốc gia và cửa khẩu phụ khác. Hàng hóa nhập khẩu qua Tây Ninh chủ yếu để về bán tại Tp.HCM và nhiều địa phương khác. Ông Đỗ Thanh Hòa, Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch cho biết có đến hơn 90% số lượng hàng nhập khẩu qua Tây Ninh được hưởng ưu đãi thuế. Các doanh nghiệp nhập về là để tiêu thụ tại thị trường trong nước, không phải để “tạm nhập tái xuất”.

Do vậy, yêu cầu dán nhãn phụ bằng tiếng Việt là cần thiết, phải làm đúng theo quy định của Chính phủ, kể cả với các mặt hàng bày bán trong các siêu thị miễn thuế, chợ đường biên hay khu thương mại Hiệp Thành. Sở động viên các doanh nghiệp tập trung hoàn thành việc dán nhãn phụ cho các mặt hàng đang được bày bán công khai. Sở phối hợp với các ngành chức năng chỉ đạo đội ngũ cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ hướng dẫn các doanh nghiệp dán nhãn phụ đúng theo quy định.

Ông Giám đốc Sở cho biết, sau khi tham khảo ý kiến các cơ quan liên quan, trường hợp các loại hàng có in nhãn tiếng Việt, trên đó có ghi đầy đủ thông tin cần thiết theo quy định của pháp luật Việt Nam thì sẽ không nhất thiết phải dán nhãn phụ. Thời gian cấp bách nên chỉ cần tập trung dán nhãn với các sản phẩm bày bán, không nhất thiết phải dán ngay các mặt hàng còn lưu kho!

Sở Thương mại và Du lịch Tây Ninh công bố kể từ 1/7, sau khi kiểm tra nhắc nhở 2 lần đối với các doanh nghiệp có thiếu sót trong việc ghi thông tin trên nhãn phụ, các ngành chức năng mới tiến hành xử lý các vi phạm. Đại diện nhiều cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng khẳng định việc dán nhãn phụ là cần thiết vì nó quyết định việc bỏ tiền mua sắm.

Việc xử lý cho doanh nghiệp có thời gian tập dượt quy định dán nhãn là cần thiết, sau đó hàng hóa phải có nhãn mác đầy đủ theo các quy định của Nghị định.