23:34 20/06/2007

Giá cổ phiếu tăng nóng: Một loạt công ty giải trình

Minh Đức

Một loạt công ty niêm yết trên sàn Tp.HCM vừa có văn bản giải trình nguyên nhân giá cổ phiếu tăng nóng

Nhiều người đặt câu hỏi về đà tăng bất ngờ của một số cổ phiếu trong những ngày gần đây - Ảnh: Việt Tuấn.
Nhiều người đặt câu hỏi về đà tăng bất ngờ của một số cổ phiếu trong những ngày gần đây - Ảnh: Việt Tuấn.
Một loạt công ty niêm yết trên sàn Tp.HCM vừa có văn bản giải trình nguyên nhân giá cổ phiếu tăng nóng.

Đầu tuần này, lần lượt các nguyên nhân giải thích cho đợt tăng giá 5 phiên kịch trần liên tiếp của các cổ phiếu BTC, SHC và FPC đã được doanh nghiệp gửi về Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM.

Nhìn chung, các nguyên nhân đều đề cập đến kết quả khả quan và triển vọng phát triển kinh doanh của doanh nghiệp, về các phương án chốt danh sách cổ đông, chia cổ tức và không có bất kỳ thông tin nào đề cập đến một nguyên nhân tiêu cực nào.

Văn bản giái trình đầu tiên được biết đến trong tuần này là của Công ty Cổ phần Cơ khí và Xây dựng Bình Triệu. BTC từng đạt đỉnh 31.800 đồng/cổ phiếu vào ngày 14/3/2007. Nhưng trong tháng 6 này, giá BTC có thời điểm xuống dưới mức 20.000 đồng/cổ phiếu để rồi liên tục tăng trần 5 phiên liên tiếp, đạt tới gần 28.000 đồng/cổ phiếu. Trong hai phiên gần đây, giá BTC tiếp tục tăng kịch trần.

Vì sao có diễn biến khá nóng sốt này? Theo văn bản giải trình là do nhân sự trong công ty vừa có sự thay đổi tích cực; đặc biệt vị trí tổng giám đốc mới bổ nhiệm “được cổ đông và công nhân viên tin tưởng cao”.

Và nguyên nhân chính được giải thích từ tình hình sản xuất kinh doanh của công ty có chuyển biến tích cực. Cụ thể, công ty đã ký được các hợp đồng lớn với các đối tác nước ngoài như tập đoàn Tập đoàn Haver & Boecker và Tập đoàn Loesche (Đức) để thực hiện chế tạo các thiết bị nhà máy xi măng; có hợp đồng với tập đoàn Kawasaki, với Liên doanh Nes để thi công các hạng mục công trình thuộc dự án Đại lộ Đông Tây.

Tổng giá trị hợp đồng đã ký kết đạt hơn 80 tỷ đồng đáp ứng 100% công suất làm việc của nhà máy kế hoạch hai năm 2007 và 2008. Ngoài ra “quy trình tổ chức sản xuất mới được thiết lập trên cơ sở được quản lý chặt chẽ, linh hoạt và phát huy tối đa tính chủ động của các xưởng sản xuất” cũng là một nguyên nhân chính.

Còn với SHC của Công ty Cổ phần Hàng hải Sài Gòn, cổ phiếu từng đạt đỉnh 53.500 đồng/cổ phiếu vào ngày 12/3/2007, 5 phiên tăng kịch trần vừa qua đưa giá từ dưới 32.000 đồng/cổ phiếu lên 42.000 đồng/cổ phiếu cũng đã tạo một điểm khá nóng trên sàn. Cổ phiếu này cũng vừa có 2 phiên tăng đáng kể, hiện ở mức 38.500 đồng/cổ phiếu.

Diễn biến trên được Hàng hải Sài Gòn giải thích từ tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh 5 tháng đầu năm 2007 phát triển theo đúng hướng kế hoạch đề ra. Đặc biệt là sự kiện công ty này vừa ký kết hợp đồng mua 1 tàu biển trọng tải 20.000 DWT với giá 6 triệu USD và sẽ đưa vào hoạt động đầu tháng 7/2007. Với việc mua thêm con tàu này, tổng tài sản hiện có của Công ty tăng lên khoảng trên 126 tỷ đồng.

Về nguyên nhân tăng giá kịch trần 5 phiên liên tiếp của FPC, Công ty Cổ phần Full Power trong công văn số 35/CV-FP/2007 khẳng định là “tình hình và kế hoạch sản xuất kinh doanh hiện nay vẫn bình thường”.

Theo công ty này, giá cổ phiếu FPC tăng kịch trần 5 phiên liên tiếp là do ngày chốt danh sách trả cổ tức và mua cổ phiếu phát hành thêm là ngày 26/6/2007. “Điều này có nghĩa là những nhà đầu tư mua cổ phiếu FPC trước ngày 22/6/2007 sẽ được hưởng mức cổ tức 20% bằng cổ phiếu và được quyền mua cổ phiếu theo tỷ lệ thực hiện 1:1 với giá 40.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn mức giá giao dịch hàng ngày”.

Trong tháng 6/2007, giá FPC có phiên gần chạm đáy 70.000 đồng/cổ phiếu, sau đó tăng mạnh lên đỉnh 103.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 14/6. Ngay sau đó, cổ phiếu này đã giảm 4 phiên liên tiếp (tính đến ngày 20/6), còn 86.000 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, bước đầu BTC, SHC và FPC đã có giải trình về biến động của giá cổ phiếu. Trong khi đó, thị trường vẫn tiếp tục chờ đợi kết luận của Uỷ ban Chứng khoán về những trường hợp nóng sốt hơn, trong đó nổi bật là BMC và TCT.