Giá dầu có tháng 1 tăng mạnh chưa từng thấy trong lịch sử
Sự đi lên của giá dầu trong tháng 1 này diễn ra bất chấp dòng dữ liệu kinh tế u ám từ Trung Quốc
Giá dầu thế giới biến động yếu trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, nhưng chốt tháng 1 tăng mạnh nhất từng được ghi nhận, phá vỡ chuỗi ba tháng giảm liên tiếp trước đó khiến "vàng đen" bốc hơi gần một nửa giá trị - hãng tin Reuters cho hay.
Sự đi lên của giá dầu trong tháng 1 này diễn ra bất chấp dòng dữ liệu kinh tế u ám từ Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ nhì thế giới, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Chất xúc tác giúp dầu thô tăng giá trong tháng là nỗ lực cắt giảm sản lượng khai thác của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga. Ngoài ra, lệnh trừng phạt của Mỹ áp lên ngành dầu lửa Venezuela cũng làm gia tăng mối lo nguồn cung dầu bị thắt chặt, đẩy giá dầu tăng trong những ngày gần đây.
Lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm, giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York giảm 0,44 USD/thùng, còn 53,79 USD/thùng.
Tại thị trường London, giá dầu thô Brent tăng 0,24 USD/thùng, chốt ở 61,89 USD/thùng.
Trong tháng 1, giá dầu WTI tăng 18,5%, mức tăng tháng mạnh nhất kể từ tháng 4/2016, đồng thời đánh dấu tháng 1 tăng mạnh nhất kể từ khi hợp đồng tương lai (futures) dầu lửa bắt đầu được giao dịch vào năm 1983.
Giá dầu Brent tăng 15% trong tháng, đánh dấu tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2016.
Phiên giảm giá ngày thứ Năm của dầu thô tại Mỹ diễn ra sau khi Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) của nước này cho biết sản lượng dầu Mỹ trong tháng 11/2018 đạt mức kỷ lục 11,9 triệu thùng/ngày, so với mức 11,5 triệu thùng/ngày trong tháng 10. Số liệu này đã được công bố trừ trước, nhưng báo cáo lần này của EIA là sự khẳng định lại báo cáo trước đó.
EIA cũng dự báo sản lượng dầu của Mỹ sẽ lập kỷ lục mới trên 12 triệu thùng/ngày trong 2019.
Thị trường cũng thận trọng phần nào khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông muốn có một thỏa thuận thương mại lớn với Trung Quốc, nhưng hai bên có thể sẽ chưa đi đến được một thỏa thuận nào trước ngày 1/3 - thời hạn chót của "đình chiến" thương mại. Ông Trump cũng nó nếu không có thỏa thuận nào, thì sau thời hạn 1/3, ông sẽ nâng thuế quan bổ sung đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% hiện nay lên 25%.
"Tôi không dám chắc là những phát biểu này của Tổng thống Trump có tác dụng hỗ trợ giá dầu hay không", ông John Kilduff, sáng lập viên quỹ đầu cơ năng lượng Again Capital, nhận định.
Dù tăng mạnh trong tháng 1, cả giá dầu WTI và Brent đều đang ở trong trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market). So với mức đỉnh của 52 tuần thiết lập vào đầu tháng 10, giá dầu WTI hiện giảm 30%.
Cuối năm ngoái, giá dầu thô lao dốc xuống đáy của 18 tháng do nỗi lo thừa cung và thiếu cầu trong bối cảnh nền kinh tế thế giới giảm tốc. Hiện nay, mối lo này vẫn đang là nguồn áp lực giảm giá đối với dầu.
Nhà phân tích cấp cao Craig Erlam thuộc công ty môi giới OANDA nói rằng nếu giá dầu WTI vượt 55 USD/thùng và giá dầu Brent vượt 65 USD/thùng, thì đó sẽ là tín hiệu giá sẽ tăng cao hơn.
"Một cú đột phá qua mốc 55 USD/thùng đối với dầu WTI và 65 USD/thùng đối với dầu Brent sẽ là tín hiệu giá lên mới, bởi giá dầu đã ổn định trong một vài tuần gần đây sau đợt phục hồi mạnh sau Giáng sinh", ông Erlam phát biểu.