Giá dầu đuối sức do tồn kho của Mỹ tăng cao
Tuy nhiên, giá năng lượng này vẫn đang được hỗ trợ bởi mối lo nguồn cung thắt chặt
Giá dầu thế giới chững lại trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, sau khi lập đỉnh của 6 tháng trước đó một ngày, do thống kê cho thấy tồn kho dầu của Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2017.
Tuy nhiên, giá năng lượng này vẫn đang được hỗ trợ bởi mối lo nguồn cung thắt chặt do OPEC giảm sản lượng và lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela và Iran.
Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá dầu thô WTI giao sau giảm 0,41 USD/thùng, tương đương giảm hơn 0,5%, còn 65,89 USD/thùng. Hôm thứ Ba, có lúc giá dầu WTI đạt 66,6 USD/thùng, cao nhất kể từ hôm 31/10.
Tại thị trường London, giá dầu Brent tăng 0,06 USD/thùng, chốt ở 74,57 USD/thùng. Giá dầu loại này có lúc đạt 74,73 USD/thùng trong phiên ngày thứ Ba, mức cao nhất trong phiên kể từ ngày 1/11.
Theo hãng tin CNBC, số liệu do Cơ quan Thông tin năng lượng (IEA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ công bố cho thấy tồn kho dầu thô của nước này tăng 5,5 triệu thùng trong tuần trước, vượt xa mức dự báo tăng 1,3 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra.
IEA nói rằng tồn kho dầu thô tăng là do nhập khẩu tăng. Mỹ nhập khẩu bình quân 7,1 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tuần trước, từ mức nhập hơn 1,1 triệu thùng/ngày trong tuần trước đó.
Tuy nhiên, tồn kho xăng giảm 2,1 triệu thùng, mức giảm lớn hơn dự báo, và dữ liệu này được cho là tránh cho giá dầu một phiên giảm sâu hơn.
Giá dầu đã tăng mạnh trong hai phiên giao dịch đầu tiên của tuần này, sau khi Mỹ hôm thứ Hai tuyên bố sẽ chấm dứt sự miễn trừ về lệnh trừng phạt Iran. Động thái này của Mỹ đồng nghĩa với việc 8 quốc gia và vùng lãnh thổ thời gian quan được mua dầu Iran mà không chịu sự trừng phạt của Mỹ sẽ phải giảm nhập khẩu dầu Iran về 0 trước ngày 1/5, nếu không sẽ bị trừng phạt.
Tuyên bố của Mỹ làm gia tăng mối lo về sự thắt chặt nguồn cung dầu toàn cầu.
Về phần mình, Iran tiếp tục cảnh báo sẽ có động thái đáp trả Mỹ. Hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javid Zarif nói Mỹ nên chuẩn bị sẵn sàng cho hậu quả nếu muốn chặn hẳn hoạt động xuất khẩu dầu của Iran mà vẫn tiếp tục sử dụng eo biển Hormuz. Gần đây, Iran đã không ít lần dọa đóng eo biển Hormuz, một điểm huyết mạch của hoạt động vận tải dầu lửa bằng đường biển toàn cầu.
Mỹ thì bày tỏ hy vọng Saudi Arabia, thủ lĩnh Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) sẽ tăng sản lượng để cân bằng cung-cầu. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng điều này có thể không sớm xảy ra và tiếp tục nghiêng về khả năng giá dầu còn tăng trong thời gian tới.
"Những yếu tố có khả năng đẩy giá dầu tăng cao hơn đang chiếm ưu thế", chuyên gia Carsten Fritsch thuộc Commerzbank nhận xét. Theo ông Fritsch, giá dầu Brent có khả năng tăng lên ngưỡng 80 USD/thùng nhiều hơn là giảm dưới 70 USD/thùng.
Trong một tín hiệu cho thấy chưa sẵn sàng nâng sản lượng để bù đắp cho nguồn cung dầu hao hụt từ Iran, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia, ông Khalid al-Falih hôm thứ Tư nói sản lượng dầu tháng 5 của nước này sẽ không có khác biệt lớn so với những tháng trước đó.
"Tồn kho dầu thực ra vẫn tiếp tục tăng, bất chấp những gì đang diễn ra ở Venezuela và lệnh trừng phạt Iran bị siết chặt. Tôi chưa nhận thấy sự cần thiết phải làm điều gì đó ngay lập tức", ông Falih nói.
Vị Bộ trưởng cũng nói thêm rằng Saudi Arabia muốn thực thi đúng mức hạn ngạch sản lượng mà OPEC và đối tác gồm Nga quy định trong thỏa thuận hạn chế khai thác dầu mà nhóm OPEC+ này thực hiện từ đầu năm. Tuy nhiên, ông Falih nói sản lượng dầu của tháng 6 sẽ được quyết định tùy theo nhu cầu khách hàng.
"Nếu thị trường trở nên thiếu cung quá mức do xuất khẩu dầu của Iran giảm, thì Saudi có khả năng để giảm bớt sự thắt chặt đó mà không phá vỡ cam kết của OPEC+", nhà phân tích năng lượng Paul Sankey thuộc Mizuho nhận định.
Cũng theo báo cáo của IEA, sản lượng dầu thô của Mỹ - nước trở thành quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới vào năm ngoái - đã quay trở lại mức kỷ lục 12,2 triệu thùng/ngày.