Giá dầu giằng co mạnh trước khi lập đỉnh mới
“Vì Iran chưa có hành động trả đũa nào tính đến thời điểm này, nên thị trường bớt lo đi một chút”
Giá dầu thế giới tăng không nhiều khi chốt phiên giao dịch ngày thứ Hai, sau khi giằng co mạnh giữa giảm và tăng trong suốt phiên. Việc giá dầu không còn tăng "nóng" là một dấu hiệu cho thấy thị trường không còn nhiều lo ngại về căng thẳng ở Trung Đông và đang chờ xem Mỹ, Iran sẽ có hành động tiếp theo ra sao.
Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 0,22 USD/thùng, tương đương tăng 0,3%, chốt ở 63,27 USĐ/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 4/2019. Tại thị trường London, giá dầu Brent giao sau tăng 0,31 USD/thùng, đạt 68,91 USD/thùng.
Trong phiên, có lúc giá dầu tăng hơn 2%, có lúc chuyển sang trạng thái giảm.
"Rất khó để có thể dự báo Iran sẽ làm gì", nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital nói với hãng tin CNBC. "Vì Iran chưa có hành động trả đũa nào tính đến thời điểm này, nên thị trường bớt lo đi một chút và giá dầu không tăng mạnh nữa. Nhưng đây cũng có thể là một tính toán sai lầm… bởi Mỹ đang điều thêm quân với số lượng lớn tới Trung Đông".
Sau khi Mỹ thực hiện vụ không kích khiến tướng Qassem Soleimani của Iran thiệt mạng vào hôm thứ Sáu tuần trước, giới phân tích và đầu tư ở Phố Wall ra sức đồn đoán về việc Iran sẽ hành động ra sao để trả đũa.
Chẳng hạn, nếu Iran nhằm vào các mục tiêu hạ tầng dầu lửa ở Saudi Arabia hoặc Iraq, hai nước sản xuất dầu lớn nhất trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), giá dầu sẽ tăng mạnh.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Helima Croft của RBC, thị trường vẫn chờ xem liệu có thực sự xảy ra tình trạng gián đoạn nguồn cung dầu từ Trung Đông.
Hôm thứ Sáu, giá dầu WTI tăng gần 3,1% và giá dầu Brent tăng gần 3,6%, chốt tuần tăng thứ 5 liên tiếp của cả hai loại dầu.
Cũng vào hôm thứ Sáu, công ty nghiên cứu Eurasia Group nâng mức mục tiêu trong kịch bản chính của giá dầu 2020 lên 75 USD/thùng, trên cơ sở "rủi ro gia tăng đối với hạ tầng dầu lửa ở Trung Đông". Chuyên gia của Eurasia cho rằng nếu xung đột quân sự nổ ra - với khả năng 30% - thì giá dầu có thể lên tới 95 USD/thùng.
Theo ngân hàng Citigroup, ngoài khả năng tấn công vào các cơ sở khai thác dầu, Iran còn có thể trả đũa bằng cách nhằm vào hệ thống đường ống vận chuyển dầu hoặc tàu chở dầu trên eo biển Hormuz hoặc Biển Đỏ, khu vực hơn 1/5 nguồn cung dầu của thế giới đi qua.
Một báo cáo của ngân hàng Morgan Stanley nhận định, leo thang căng thẳng ở Trung Đông có thể đẩy giá dầu tăng cao hơn, nhưng chỉ trong ngắn hạn. Morgan Stanley cho rằng giá dầu Brent sẽ ở quanh ngưỡng 60 USD/thùng trong 2020 thay vì ngưỡng 70 USD/thùng vì thị trường dầu thế giới nhiều khả năng dư cung.
Giá dầu đã tăng mạnh trong quý 4/2019 nhờ việc Mỹ-Trung giảm căng thẳng thương mại và quyết định tăng mức hạn chế sản lượng khai thác dầu của OPEC+, liên minh giữa OPEC và một số nước ngoài khối gồm Nga.
Theo số liệu từ CNBC, giá dầu WTI tăng gần 10,7% trong tháng 12, đánh dấu tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 1, và tăng 12,93% trong quý 4. Giá dầu Brent tăng 5,7% trong tháng và 8,6% trong quý.
Tính cả năm 2019 dầu WTI tăng 34,5%, dầu Brent tăng 22,7%, đánh dấu năm tăng mạnh nhất của cả hai loại dầu từ 2016.