Giá dầu gượng tăng sau khi sụt 11% trong tuần trước
Riêng trong phiên ngày thứ Sáu, giá dầu sụt gần 8%, trong bối cảnh nỗi lo về tình trạng dư thừa nguồn cung dầu
Giá dầu thế giới nhích nhẹ sáng đầu tuần (26/11), sau khi sụt gần 8% và chạm đáy hơn 1 năm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu. Tuần trước là tuần giảm thứ 7 liên tiếp của giá dầu, trong bối cảnh nỗi lo về tình trạng dư thừa nguồn cung dầu, cho dù Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đang tính khả năng hạ sản lượng.
Nguồn cung dầu của các nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, dẫn đầu là Mỹ, đang tăng nhanh hơn nhu cầu. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới đang có chiều hướng chững lại do sự giảm tốc tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu và tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Để ngăn tình trạng thừa mứa dầu đẩy giá dầu xuống thấp, OPEC có thể sẽ đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng dầu trong cuộc gặp diễn ra vào ngày 6/12.
Tuy nhiên, thông tin này dường như không có tác dụng gì mấy trong việc nâng đỡ giá dầu. Hãng tin Reuters cho biết trong tháng 11 này, giá dầu đã giảm hơn 20%, trên đà hoàn tất tháng giảm tồi tệ nhất kể từ cuối năm 2014.
"Thị trường dầu lửa đang phản ánh sự suy giảm tăng trưởng kinh tế. Các nhà đầu tư đang lường trước khả năng cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung sẽ không diễn ra tốt đẹp", nhà phân tích Phil Lynn thuộc Price Futures Group nhận định về cuộc gặp dự kiến diễn ra vào cuối tháng này ở Argentina giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
"Thị trường cũng không tin rằng OPEC sẽ hành động đủ nhanh để bù đắp sự chững lại của nhu cầu tiêu thụ dầu", ông Flynn nói.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 3,8 USD/thùng, tương đương giảm 6,1%, còn 58,8 USD/thùng.
Tại thị trường New York, giá dầu WTI sụt 4,21 USD/thùng, tương đương mất 7,7%, còn 50,42 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm 11,3% và giá dầu WTI "bốc hơi" 10,8%, đánh dầu tuần giảm mạnh chưa từng thấy từ tháng 1/2016.
Sáng thứ Hai, giá dầu phục hồi không đáng kể trong phiên giao dịch ngoài giờ. Lúc hơn 7h sáng theo giờ Việt Nam, giá dầu WTI tăng 0,27 USD/thùng so với đóng cửa cuối tuần trước, đứng ở 50,69 USD/thùng. Giá dầu Brent tăng 0,48 USD/thùng, đứng ở 59,28 USD/thùng.
Nỗi lo của giới giao dịch dầu lửa càng gia tăng sau khi thông tin từ Trung Quốc cho thấy xuất khẩu xăng của nước này giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm trong bối cảnh tình trạng dư thừa xăng ở thị trường châu Á và trên toàn cầu.
Tồn kho xăng đang tăng mạnh ở châu Á, trong đó tồn kho xăng ở Singapore - một trung tâm lọc hóa dầu của khu vực - tăng lên mức cao nhất trong 3 năm. Tồn kho xăng của Nhật cũng tăng trong tuần trước. Tại Mỹ, tồn kho xăng đang ở mức cao nhất khoảng 7 năm.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo sản lượng dầu riêng của các nước ngoài OPEC có thể tăng 2,3 triệu thùng/ngày trong năm nay, trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu của cả thế giới trong năm 2019 có thể chỉ tăng 1,3 triệu thùng/ngày.
Tuần trước, Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và là thủ lĩnh không chính thức của OPEC, tuyên bố có thể giảm xuất khẩu dầu và kêu gọi OPEC cắt giảm sản lượng 1,4 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rõ rằng ông không muốn giá dầu tăng, và giới phân tích cho rằng Saudi Arabia sẽ đối mặt với sức ép từ Mỹ trong vấn đề sản lượng.
Nhiều chuyên gia dự báo giá dầu Brent có thể hồi phục về vùng 70 USD/thùng nếu OPEC giảm sản lượng vào tháng tới. Còn nếu OPEC không giảm khai thác dầu, giá dầu Brent có thể tiếp tục giảm về ngưỡng 50 USD/thùng.