Giá dầu lên cao nhất gần 3 tháng
Cả dầu WTI và dầu Brent đều chốt phiên ngày thứ Sáu ở mức cao nhất kể từ hôm 17/9
Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, đạt mức cao nhất trong gần 3 tháng, khi giới đầu tư lạc quan trước việc Mỹ-Trung đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 và kết quả cuộc bầu cử ở Anh.
Theo hãng tin Reuters, nội dung chính của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Washington và Bắc Kinh là Mỹ giảm bớt thuế quan đã áp lên hàng hóa Trung Quốc để đổi lấy việc Trung Quốc tăng mua nông sản Mỹ. Ngoài ra, Mỹ cũng nhất trí đình chỉ kế hoạch áp thuế quan bổ sung lên 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc dự định thực thi vào ngày 15/12
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Liao Min nói rằng đàm phán thương mại giai đoạn 1 đã đạt bước tiến quan trọng, và theo đó, Trung Quốc đã quyết định hủy kế hoạch áp thêm thuế lên hàng hóa Mỹ vào ngày 15/12 - tức kế hoạch để trả đũa nếu Mỹ tiến hành việc áp thuế nói trên.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,5%, chốt ở 65,19 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 0,89 USD/thùng, tương đương tăng 1,5%, đạt 60,07 USD/thùng.
Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của cả hai loại dầu kể từ ngày 17/9. Tính cả tuần, giá dầu Brent tăng 1,2% và giá dầu WTI tăng 1,3%.
Cuộc chiến thương mại kéo dài hơn 1 năm rưỡi qua giữa Mỹ và Trung Quốc, cùng bất ổn xung quanh việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) đã gây nhiều áp lực suy giảm lên giá dầu trong năm nay. Chiến thắng của Đảng Bảo thủ cầm quyền trong cuộc bầu cử ngày 12/12 mở ra một hướng đi rõ ràng hơn cho Brexit.
"Với chiến thắng lớn thuộc về đảng của Thủ tướng Boris Johnson, và thương chiến Mỹ-Trung xuống thang, giá dầu sẽ có cơ hội để tăng", nhà phân tích Bjarne Scheildrop thuộc SEB nhận định. "Tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ khởi sắc cùng với sự khởi sắc của ngành sản xuất toàn cầu".
Xu hướng giảm giá gần đây của đồng USD cũng hỗ trợ cho giá các loại hàng hóa cơ bản như dầu thô.
Từ đầu năm đến nay, giá dầu Brent đã tăng 21%. Ngoài các yếu tố nói trên, giá dầu năm nay được nâng đỡ bởi nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh gồm Nga, tức nhóm OPEC+.
Tuần trước, liên minh này nhất trí giảm sản lượng thêm 0,5 triệu thùng/ngày, nâng mức cắt giảm từ 1,2 triệu thùng hiện nay lên 1,7 triệu thùng/ngày trong quý 1/2020.
Một báo cáo mới đây của OPEC cho rằng thị trường dầu toàn cầu trong 2020 có thể thiếu cung một chút. Tuy nhiên, một báo cáo khác của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) lại cho rằng lượng dầu tồn kho trên toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trong năm tới, bất chấp nỗ lực giảm sản lượng của OPEC+.