Giá dầu thế giới chạm đỉnh 1 năm
Hỗ trợ cho giá dầu trong tuần này là kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng khởi sắc và nỗi lo nguồn cung thắt lại
Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (5/2), với giá dầu Brent lên gần 60 USD/thùng và giá dầu WTI đạt mức tăng gần 9% trong tuần. Nhân tố hỗ trợ cho giá dầu trong tuần này là kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng khởi sắc, song song với nỗi lo nguồn cung "vàng đen" bị thắt lại.
Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao tháng 3 tại New York tăng 0,62 USD/thùng, tương đương tăng 1,1%,đạt 56,85 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của dầu WTI kể từ ngày 21/1/2020, theo dữ liệu từ Dow Jones được trang MarketWatch trích dẫn.
Tại thị trường London giá dầu Brent giao tháng 4 tăng 0,5 USD/thùng, tương đương tăng gần 0,9%, đạt 59,34 USD/thùng, cao nhất kể từ 29/1/2020.
Tính cả tuần, giá dầu WTI tăng 8,9% và giá dầu Brent tăng 7,8%. Phiên này cũng là phiên tăng thứ 6 liên tiếp của dầu Brent, dài nhất kể từ chuỗi 7 phiên tăng kết thúc vào ngày 5/6/2020.
Giá dầu Brent đang thử phá mốc 60 USD/thùng và nếu thành công, "đây sẽ là lần dầu tiên giá dầu thô vượt ngưỡng này kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt dầu có ảnh hưởng mạnh đến giá dầu", nhà phân tích Robbie Fraser thuộc công ty nghiên cứu và phân tích Schneider Electric nhấn mạnh trong một báo cáo.
"Thị trường dầu đang tiếp nối đà tăng mạnh xuất hiện từ cuối năm 2020, chủ yếu nhờ tâm lý lạc quan nói chung của giới đầu tư và việc vaccine Covid-19 được đưa vào triển khai trên toàn thế giới", ông Fraser nói. "Những trở ngại trong ngắn hạn đã xuất hiện, nhưng lạc quan dài hạn vẫn còn, tạo sự hỗ trợ vững chắc".
Ngoài kỳ vọng vào sự khởi sắc nhu cầu tiêu thụ dầu trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tiến tới phục hồi từ Covid, giới phân tích cho rằng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, tức nhóm OPEC+, sẽ tiếp tục hạn chế sản lượng khai thác dầu.
Hôm thứ Tư tuần này, OPEC+ tiến hành cuộc họp cấp bộ trưởng hàng tháng. Trong tuyên bố kết thúc cuộc họp, OPEC+ giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng và bày tỏ lạc quan về sự phục hồi nhu cầu trong năm nay.
Mức cắt giảm sản lượng kỷ lục của OPEC+ đã đưa giá dầu hồi phục từ mức thấp kỷ lục trong năm ngoái. Trong phần lớn thời gian của năm 2020, OPEC+ đã thực hiện mức hạn chế sản lượng 7,7 triệu thùng/ngày, gần đây thu hẹp còn 7,2 triệu thùng/ngày.
"Kỷ luật của OPEC+ đã có tác dụng thực sự tích cực đối với giá dầu", chiến lược gia Michael McCarthy của CMC Markets nói với trang CNBC.
Hỗ trợ cho giá dầu trong tuần này còn có báo cáo hàng tuần của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất từ tháng 3 - một dấu hiệu cho thấy việc OPEC+ cắt giảm sản lượng đã mang lại hiệu ứng như mong muốn.