08:56 27/11/2019

Giá dầu tiếp tục tăng nhờ kỳ vọng OPEC giảm sản lượng

Thăng Điệp

Giá dầu thế giới đang ở vùng đỉnh của 2 tháng, nhưng giới phân tích cho rằng đây là một ngưỡng giá không chắc chắn

Một giàn khoan dầu của Iran ở Vùng Vịnh - Ảnh: Getty/CNBC.
Một giàn khoan dầu của Iran ở Vùng Vịnh - Ảnh: Getty/CNBC.

Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, khi nhà đầu tư kỳ vọng Mỹ-Trung rốt cục sẽ đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 và nhóm OPEC+ sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu.

Trang MarketWatch cho biết giá dầu nhích lên sau khi hãng thông tấn Nga Tass dẫn nguồn thạo tin nói rằng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối tác gồm Nga, tức nhóm OPEC+, đang cân nhắc gia hạn thỏa thuận hạn chế sản lượng thêm 3-6 tháng sau khi thỏa thuận này hết hạn vào tháng 3/2020.

Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá dầu thô WTI giao tháng 1 tăng 0,4 USD/thùng, tương đương tăng 0,6%, đạt 58,41 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu thô Brent tăng 0,62 USD/thùng, tương đương tăng 0,9%, đạt 64,27 USD/thùng.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết các nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của nước này và Mỹ đã có một cuộc điện đàm vào buổi sáng ngày thứ Ba để bàn về những vướng mắc còn tồn tại trong cuộc đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nước. Tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng cuộc điện đàm diễn ra tốt đẹp.

Giá dầu thế giới đang ở vùng đỉnh của 2 tháng, nhưng giới phân tích cho rằng đây là một ngưỡng giá không chắc chắn bởi đàm phán thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa đạt kết quả cụ thể nào. Ngoài ra, vấn đề Hồng Kông cũng có thể gây trở ngại cho cuộc đàm phán này, nhất là trong trường hợp Tổng thống Donald Trump ký dự luật Hồng Kông mà Quốc hội Mỹ thông qua mới đây.

"Lạc quan rằng xung đột thương mại sẽ dịu đi chính là nhân tố ngăn không cho giá dầu giảm ở thời diểm này. Về bản chất, hiệu ứng tích cực của điều này đối với giá dầu nằm ở mặt tâm lý nhiều hơn", nhà phân tích Carsten Fritsch thuộc ngân hàng Commerzbank nhận xét.

"Chúng tôi không cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ có sự khởi sắc đáng kể cho dù thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 có được ký", ông Fritsch nói. "OPEC vẫn cần phải cắt giảm sản lượng sâu hơn nếu muốn tránh tình trạng thừa cung dầu trong nửa đầu 2020".

Năm nay, giá dầu Brent đã tăng khoảng 19%, một phần nhờ thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng dầu mỗi ngày mà OPEC+ thực hiện từ đầu năm. Trong năm 2018, giá dầu Brent giảm khoảng 20%, theo dữ liệu của Dow Jones Market Data.

Cuộc họp tới của OPEC và OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày 5-6/12 tại Vienna, Áo. Giới quan sát không kỳ vọng OPEC+ giảm sản lượng sâu hơn, nhưng nhiều khả năng nhóm này sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

Ông Fatih Birol, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nói rằng các nước OPEC nên đưa ra quyết định đúng đắn cho một nền kinh tế toàn cầu đang "rất mong manh".

Dự báo sản lượng dầu từ các nước ngoài OPEC - đặc biệt là Mỹ, Brazil, Na Uy và Guyana - tiếp tục tăng trưởng mạnh, ông Birol nói: "Sẽ có rất nhiều dầu trên thị trường. Tôi hy vọng là họ sẽ đưa ra quyết định đúng đắn cho họ và cho nền kinh tế toàn cầu".