18:10 26/11/2021

Gia đình Samsung thế chấp hơn 13 tỷ USD cổ phiếu để “câu giờ” nộp thuế thừa kế

Hoài Thu

Hầu hết số cổ phiếu thế chấp của gia đình Samsung hiện được giữ tại Tòa án quận Tây Seoul để có thể nộp số tiền thế thừa kế lên tới 12.000 tỷ Won (10,1 tỷ USD) thành 6 lần trong 5 năm...

Từ trái sang phải: bà Hong Ra-hee, Lee Boo-jin,  Lee Seo-hyun và Lee Jae-Yong - Ảnh: Kedglobal
Từ trái sang phải: bà Hong Ra-hee, Lee Boo-jin, Lee Seo-hyun và Lee Jae-Yong - Ảnh: Kedglobal

Theo Bloomberg, gia đình Samsung đã thế chấp số cổ phiếu trị giá hơn 13 tỷ USD, chủ yếu để được phép nộp số tiền thuế khổng lồ thành nhiều lần trong 5 năm sau khi thừa kế khối tài sản thừa kế từ ông Lee Kun Hee – chủ tịch quá cố của Tập đoàn Samsung, người qua đời vào tháng 10/2020.

Báo cáo của Samsung gửi cơ quan quản lý chứng khoán Hàn Quốc cho thấy, kể từ tháng 4/2021, ông Lee Jae-yong – Phó Chủ tịch Samsung Electronics, thường được gọi là “thái tử Samsung” – và gia đình đã thế chấp số cổ phiếu mà họ đang nắm giữ tại 4 công ty con của Tập đoàn Samsung, trong đó có Samsung Electronics Co., công ty cổ phần Samsung C&T Corp. Trong số 500 tỷ phú theo xếp hạng Bloomberg Billionaires Index, chỉ có ông Larry Ellison, người sáng lập hãng phần mềm Oracle, đã thế chấp số cổ phiếu giá trị lớn hơn gia đình Samsung (29 tỷ USD).

Hầu hết số cổ phiếu trên được giữ tại Tòa án quận Tây Seoul như tài sản thế chấp cho khoản thuế thừa kế trị giá 12.000 tỷ Won (10,1 tỷ USD) của gia đình Samsung. Hồi tháng 4, gia đình này cho biết họ sẽ nộp khoản thuế này trong 5 năm, chia làm 6 lần.

“Đây là cách tốt nhất để gia đình Samsung trả khoản thuế khổng lồ”, Chung Sun-sup, Giám đốc điều hành hãng phân tích doanh nghiệp Chaebul.com tại Seoul, Hàn Quốc, cho biết. “Cách dễ nhất là bán cổ phần để có tiền mặt, nhưng họ không muốn giảm quyền lực của mình tại tập đoàn. Việc cầm cố cổ phiếu để nộp thuế từng phần không ảnh hưởng tới quyền biểu quyết của họ”.

Theo Bloomberg, việc thế chấp cổ phiếu để nộp thuế thừa kế là điều phổ biến với giới giàu tại Hàn Quốc, nơi thuế thừa kế có thể lên tới 60%. Theo luật, để nộp thuế từng phần, giá trị tài sản thế chấp phải bằng 120% số tiền thuế phải nộp. Số tiền này được quyết định dựa trên giá cổ phiếu đóng cửa của ngày trước khi thỏa thuận thế chấp được thiết lập.

Ông Lee Kun-hee qua đời để lại khối tài sản khổng lồ cho vợ và các con - Ảnh: Getty Images
Ông Lee Kun-hee qua đời để lại khối tài sản khổng lồ cho vợ và các con - Ảnh: Getty Images

Báo cáo cho thấy, gia đình Samsung đã thế chấp số cổ phiếu trị giá tổng cộng 10,7 tỷ USD tại Tòa án quận Tây Seoul. Trong đó, ông Lee Jae-yong đã thế chấp 96% cổ phần của mình ở Samsung C&T cũng như một phần cổ phiếu tại Samsung Electronics và công ty công nghệ thông tin Samsung SDS Co. Còn mẹ ông - bà Hong Ra-hee và các chị gái - Lee Seo-hyun và Lee Boo-jin thế chấp một phần cổ phiếu của mình tại các công ty con của Samsung, trong đó có Samsung Life Insurance Co.

Ngoài ra, bà Hong và các chị gái của ông Lee cũng thế chấp số cổ phiếu trị giá 2,6 tỷ USD để vay tiền từ các tổ chức tài chính.

Theo các nhà phân tích, việc thế chấp cổ phiếu để vay nợ, dù giá trị ít hơn, nhưng có thể đối mặt rủi ro bị gọi ký quỹ, có thể khiến các thành viên gia đình bán cổ phần.

Trước đó, theo hồ sơ nộp lên cơ quan quản lý, bà Hong Ra-hee ngày 5/10 đã ký một thỏa thuận tín thác với ngân hàng Kookmin về việc bán 19,9 triệu cổ phiếu Samsung Electronics, tương đương 0,33% cổ phần công ty. Tính theo giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/10, số cổ phiếu này trị giá 1.400 tỷ Won (tương đương 1,17 tỷ USD). Cùng ngày 5/10, Lee Boo-jin và Lee Seo-hyun, đã ký các thỏa thuận tín thác với ngân hàng Kookmin, mỗi người dự kiến bán 1,5 triệu cổ phiếu tại Samsung SDS, tương đương tổng cộng 2,9% cổ phần công ty. Theo giá cổ phiếu Samsung SDS, mỗi người sẽ thu về khoảng 242 tỷ Won (tương đương 202,6 triệu USD). Trong khi đó, Ông Lee Jae-yong chưa thấy có thông tin về việc bán cổ phiếu.

Giá cổ phiếu Samsung Electronics đã giảm 7,7% kể từ đầu năm nay và 2021 có thể là năm giảm mạnh nhất của cổ phiếu này từ năm 2018 do những lo ngại về giá chip nhớ sụt giảm. Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn tỏ ra lạc quan và cho rằng cổ phiếu Samsung Electronics sẽ phục hồi. Theo nhà phân tích Masahiro Wakasugi của Bloomberg Intelligence, nhu cầu chip có thể tăng lên nhờ điện thoại 5G và trí tuệ nhân tạo.

Sau khi trừ số cổ phiếu đã thế chấp, Ông Lee Jae-yong sở hữu tài sản trị giá 8 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index. Được đặc xá hồi tháng 8 sau gần 2 năm thụ án tù vì tội hối lộ, Phó Chủ tịch Samsung Electronics đã mất ngôi giàu nhất Hàn Quốc vào tay Brian Kim, người sáng lập ứng dụng nhắn tin Kakao.

Câu chuyện thừa kế ở Samsung Group, tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, đã gây tốn nhiều giấy mực của giới truyền thông trong và ngoài nước kể từ khi ông Lee Kun-hee nhập viện vì suy tim vào năm 2014. Ông qua đời vào tháng 10/2020, để lại khối tài sản khổng lồ.

Tại thời điểm tháng 12/2020, số thuế thừa kế đối với riêng số cổ phiếu của ông Lee Kun-hee được xác nhận là 11.000 tỷ Won (9,87 tỷ USD), dựa trên giá đóng cửa trung bình của cổ phiếu 2 tháng trước và sau khi ông qua đời. Đây là khoản thuế thừa kế lớn chưa từng thấy tại Hàn Quốc. Ngoài ra, ông Lee còn sở hữu nhiều bất động sản, bộ sưu tập nghệ thuật và nhiều tài sản khác.