Giá nhân công Việt Nam đang tăng cao
"Trước chúng ta so sánh với Singapore, Thái Lan, Malaysia và thấy rõ sự tụt hậu của Việt Nam, nhưng bây giờ, so bên cạnh là Lào (đạt 7.023 USD/người/năm), chúng ta cũng thua"
Những năm qua, lực lượng lao động dồi dào đóng một vai trò quan trọng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Tuy nhiên, năng suất lao động thấp và tiền lương tương đối cao so với một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á đang được xem là những hạn chế lớn của lao động Việt Nam.
Khi nhắc đến Việt Nam với tư cách một điểm đến của vốn FDI, các nhà đầu tư nước ngoài thường nhấn mạnh lực lượng lao động đông đảo. Quả thực, với dân số đông và trẻ, Việt Nam sở hữu lực lượng lao động đông thứ nhì trong số 10 nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Lực lượng lao động lớn nhưng thiếu kỹ năng
Theo định nghĩa, lực lượng lao động bao gồm những người từ 15 tuổi trở lên, cung cấp sức lao động cho việc sản xuất hàng hóa và dịch vụ trong một khoảng thời gian cụ thể. Trong lực lượng lao động có những người hiện đang có việc làm, những người mất việc và đang tìm việc, và những người tìm việc lần đầu.
Số liệu năm 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam sở hữu lực lượng lao động lớn thứ nhì tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Số lượng người ở Việt Nam đáp ứng định nghĩa trên đạt gần 56,36 triệu người, so với mức 127,11 triệu người của Indonsia.
Tổng lực lượng lao động của các quốc gia ASEAN theo số liệu của WB là 350,5 triệu người, và Việt Nam chiếm tỷ trọng khoảng 16,1% trong số này. So sánh với các nền kinh tế khác, lực lượng lao động của ASEAN lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy lớn về số lượng, lực lượng lao động của Việt Nam nói riêng và các nước ASEAN nói chung bị đánh giá là có trình độ còn nhiều hạn chế và năng suất lao động thấp.
Trong một báo cáo vào năm 2018, nhà phân tích cấp cao Phidel Vineles thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam của Singapore đã có một số đánh giá về lực lượng lao động từng quốc gia trong ASEAN. Theo báo cáo, Singapore sở hữu một lực lượng lao động được đào tạo tốt và có kỹ năng cao, nhưng Đảo quốc sư tử có sự phụ thuộc lớn vào nguồn lao động nước ngoài và cần phải đẩy mạnh hơn nữa vai trò của sáng tạo trong các tổ chức giáo dục và đào tạo để cập nhật những công nghệ mới nhất cho lực lượng lao động.
Malaysia và Thái Lan thì đang tiến lên các ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật và chất xám cao, nên cần phải trang bị cho lực lượng lao động các kỹ năng cần thiết về khoa học và kỹ thuật. Indonesia và Philippines có lực lượng lao động trẻ nhưng thiếu các kỹ năng và kiến thức cơ bản mà các ngành công nghiệp chính đòi hỏi, dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ ở mức cao tại cả hai nước. Brunei đang nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào ngành dầu lửa và phát triển nền kinh tế tri thức, nhưng đang gặp khó khăn trong việc trang bị cho lực lượng lao động các kỹ năng về sáng tạo và nghiên cứu - phát triển (R&D).
Nhóm nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar được báo cáo cho là có lực lượng lao động có kỹ năng kém nhất trong ASEAN. Báo cáo khuyến nghị, các nước này cần có một hệ thống dạy nghề và kỹ thuật nhất quán hơn để phục vụ cho sự phát triển công nghiệp, bởi lao động cả bậc thấp và bậc cao tại các quốc gia này còn thiếu và yếu nhiều kỹ năng.
Một báo cáo năm 2016 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy, Việt Nam thậm chí là nước có tỷ trọng lao động kỹ năng thấp lớn nhất trong khu vực. Theo báo cáo, 41% lao động Việt Nam có kỹ năng thấp, trong khi tỷ lệ này ở Lào là 1% và ở Singapore là 8%.
Năng suất lao động thấp
Do trình độ hạn chế, năng suất lao động thấp nhiều năm nay là một vấn đề nan giải của các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Bởi vậy, cú huých đối với tăng trưởng kinh tế từ lực lượng lao động đối với các quốc gia trong khu vực đang ngày càng giảm xuống.
Theo một báo cáo năm 2016 của Công ty tư vấn McKinsey, năng suất lao động tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME, những công ty có dưới 500 lao động) yếu hơn cả. Các SME chiếm 95% số doanh nghiệp ở Đông Nam Á, sử dụng 97% lao động, nhưng chỉ đóng góp từ 23 - 58% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của các quốc gia.
Theo báo cáo của McKinsey, vào thời điểm năm 2012, sản lượng đầu ra của mỗi công nhân trong ngành chế biến - chế tạo ở Việt Nam là 3.800 USD/năm, so với mức 14.000 USD của Indonesia, 16.500 USD của Philippines, 21.200 của Thái Lan, và 33.200 của Malaysia.
Trong một cuộc tọa đàm gần đây tại Tp.HCM, Tiến sỹ Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhấn mạnh "Trước chúng ta so sánh với Singapore, Thái Lan, Malaysia và thấy rõ sự tụt hậu của Việt Nam, nhưng bây giờ, so bên cạnh là Lào (đạt 7.023 USD/người/năm), chúng ta cũng thua...", ông Hùng cảnh báo.
Giá nhân công Việt Nam đang tăng cao
Với trình độ còn thấp, lao động nhiều nước trong Đông Nam Á, nhất là Việt Nam, từ lâu lấy giá nhân công rẻ làm lợi thế cạnh tranh. Lợi thế này cũng đang giảm dần do giá nhân công trong khu vực đang ngày càng tăng để phù hợp chi phí sinh hoạt tăng và nhằm kích thích nhu cầu tiêu dùng nội địa. Đáng chú ý, giá nhân công tại Việt Nam đang cao hơn so với một số quốc gia khác
Tại ASEAN, Singapore và Brunei là hai nước không quy định lương tối thiểu. Trong số 8 nước có quy định lương tối thiểu, Việt Nam có mức lương tối thiểu không phải là thấp.
Một báo cáo hồi cuối năm 2018 của WB nói rằng, chi phí nhân công ở Việt Nam vào hàng cao nhất trong các nước ở khu vực Đông Nam Á. Theo báo cáo này, tổng chi phí bình quân hàng năm mà mỗi doanh nghiệp ở Việt Nam phải trả cho lao động vào khoảng 2.739 USD/người. Con số này cao gấp đôi so với ở Lào, Myanmar và Malaysia, đồng thời cao hơn 30-45% so với ở Campuchia, Thái Lan và Philippines.
Một điểm đáng mừng mà báo cáo trên chỉ ra là tính trung bình, mỗi lao động trong ngành chế biến - chế tạo ở Việt Nam sản xuất khoảng 10.500 USD giá trị gia tăng mỗi năm, cao hơn so với ở một số quốc gia khác trong Đông Nam Á như Malaysia (10.000 USD) hay Campuchia (5.000 USD).
Một báo cáo từ Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO) nói rằng, chi phí lao động tăng là một rủi ro lớn trong môi trường đầu tư ở Việt Nam tại thời điểm hiện nay. Hơn 60% các công ty Nhật được JETRO khảo sát ý kiến nói rằng chi phí nhân công cao là một trở ngại ở Việt Nam. Bởi vậy, lợi thế của Việt Nam với tư cách một điểm đến có giá nhân công rẻ đối với các công ty Nhật Bản đang giảm dần.
Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện của JETRO tại Tp.HCM cho biết, rủi ro chi phí nhân công tăng đã nhảy từ vị trí thứ 3 vào năm 2016 lên vị trí số 1 vào năm 2018 trong danh sách những mối lo của doanh nghiệp Nhật khi đầu tư vào Việt Nam.
Do chi phí nhân công tăng mà năng suất lại thấp, người lao động tại nhiều nước ASEAN đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi tự động hóa. Một báo cáo năm 2018 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nói rằng, các nước như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Campuchia có thể sẽ chứng kiến nhiều người lao động bị mất việc làm vì tự động hóa.
Báo cáo ước tính, gần 3/5 số công việc tại các nước này đối mặt rủi ro cao vì sự xuất hiện của máy móc thay thế con người. Tỷ lệ này đối với Thái Lan là 44%, Philippines là 49%, Indonesia là 56%, và Việt Nam là 70%.