Giá vàng bật tăng trở lại, USD tự do giảm
Giá vàng thế giới hồi phục khá mạnh, đưa giá vàng miếng trong nước ngày 5/1 bật tăng trở lại. Giá USD tự do và ngân hàng đồng loạt giảm...
Lúc hơn 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 60,95 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61,55 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 100.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 52,35 triệu đồng/lượng và 53,05 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 61 triệu đồng/lượng và 61,7 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng/lượng.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 11,6 triệu đồng/lượng.
Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc hơn 10h theo giờ Việt Nam đứng ở 1.817,1 USD/oz, tăng 1,7 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại New York. Mức giá này tương đương 50,1 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.
Trong phiên ngày thứ Ba tại New York, giá vàng giao ngay tăng 13 USD/oz, tương đương tăng hơn 0,7%, đạt 1.815,4 USD/oz.
Giá vàng thế giới đã biến động mạnh trong hai phiên giao dịch đầu tiên của năm 2022. Hôm thứ Hai, giá vàng thế giới giảm gần 1,6%, kéo giá vàng trong nước giảm theo vào sáng hôm qua.
Vàng hồi giá bất chấp lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD tiếp tục tăng mạnh. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc lên tới 1,71% trong phiên ngày thứ Ba, từ mức 1,5% của phiên trước. Chỉ số Dollar Index có lúc vượt mức 96,3 điểm, trước khi giảm về ngưỡng 96,2 điểm trong phiên sáng nay.
Nhà phân tích Edward Moya của Oanda nói rằng nhu cầu nắm giữ vàng để phòng ngừa rủi ro tăng lên khi số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt trên toàn cầu do biến chủng Omicron, trong đó Mỹ đã lập kỷ lục thế giới với hơn 1 triệu ca mỗi ngày.
“Ảnh hưởng của biến chủng Omicron sẽ chủ yếu tập trung vào lạm phát và sự phục hồi của nền kinh tế”, ông Moya nói.
Tuy nhiên, sự giằng co của giá vàng trong hai phiên vừa qua cho thấy vàng tiếp tục chịu sức ép mất giá từ khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 3 lần trong năm nay, với đợt tăng đầu tiên có thể diễn ra vào tháng 3. Xu hướng tăng điểm chưa dừng của thị trường chứng khoán Mỹ cũng khiến sức hấp dẫn của vàng suy yếu. Ngoài ra, các dữ liệu đến hiện tại cho thấy biến chủng Omicron ít gây bệnh nặng hơn các biến chủng trước của Covid.
Một báo cáo của ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase nói rằng vàng sẽ khó trụ vững trong năm nay do Fed thắt chặt chính sách tiền tệ. Trong dự báo đưa ra mới đây, giá vàng sẽ rớt về mức trước đại dịch trước cuối năm nay.
“Việc các ngân hàng trung ương rút lại chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo sẽ là nhân tố ảnh hưởng bất lợi lớn nhất đối với giá vàng và bạc trong năm 2022”, các nhà phân tích của JPMorgan Chase nhận định. “Từ mức bình quân 1.765 USD/oz trong quý 1, giá vàng sẽ giảm đều trong năm 2022 và về mức bình quân 1.520 USD/oz trong quý 4”.
Theo báo cáo này, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm sẽ đạt mức 2% vào giữa năm và 2,25% vào cuối năm, gây áp lực mất giá lên vàng. Ngoài ra, báo cáo nhận định tỷ giá đồng USD sẽ tăng 1,6% trong năm nay, khiến sức ép giảm giá đối với vàng càng thêm lớn.
Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.490 đồng (mua vào) và 23.550 đồng (bán ra), giảm 10 đồng ở cả hai đầu giá so với sáng qua.
Vietcombank báo giá USD ở mức 22.620 đồng và 22.900 đồng, tương ứng giá mua và bán, giảm 20 đồng so với sáng hôm qua.