10:54 09/06/2022

Giá vàng “rón rén” tăng trước giờ công bố báo cáo quan trọng của Mỹ

Điệp Vũ

“Tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường vàng đang giằng co. Trọng tâm bây giờ là báo cáo CPI để xác định xem lạm phát có dịu đi hay nóng hơn dự báo”...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC.

Giá vàng thế giới chỉ nhích nhẹ trước khi Mỹ công bố báo cáo lạm phát tháng 5 vào đêm nay (9/6) theo giờ Việt Nam. Giá vàng miếng trong nước sáng nay tăng 100.000 đồng/lượng, duy trì chênh lệch cao hơn giá vàng quốc tế gần 18 triệu đồng/lượng.

Lúc hơn 10h, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á theo dữ liệu từ Kitco.com đứng ở 1.855 USD/oz, tăng 0,9 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại Mỹ. Trong phiên New York ngày thứ Tư, giá vàng tăng 1 USD/oz, chốt ở 1.854,1 USD/oz.

Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mà Bộ Lao động Mỹ chuẩn bị đưa ra được dự báo sẽ là căn cứ quan trọng để Cục Dự trữ Liên bang (Fed) điều chỉnh chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Nếu lạm phát nóng hơn dự kiến, thị trường sẽ kỳ vọng Fed tăng cường thắt chặt, gây bất lợi cho giá vàng. Ngược lại, nếu mức tăng CPI thấp hơn dự báo, thị trường sẽ kỳ vọng Fed giảm tiến độ nâng lãi suất và giá vàng sẽ có một cơ hội để bứt phá.

“Tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường vàng đang giằng co. Trọng tâm bây giờ là báo cáo CPI để xác định xem lạm phát có dịu đi hay nóng hơn dự báo”, Giám đốc giao dịch David Meger của High Ridge Futures nhận định.

Theo ông Meger, dù gì đi chăng nữa, giá vàng vẫn đang gặp trở ngại vì quyết tâm chống lạm phát của Fed. Ngân hàng trung ương này đã nâng lãi suất 2 lần trong năm nay, và dự kiến sẽ có thêm 2 đợt nâng với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm mỗi lần trong tháng 6 và tháng 7. Tiếp đó, tốc độ nâng lãi suất của Fed sẽ tuỳ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế Mỹ.

Phát biểu ngày 8/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen nói rằng mức lạm phát hàng năm 8% ở Mỹ hiện nay là “không thể chấp nhận được” và mục tiêu lạm phát 2% mà Fed đề ra là hợp lý.

Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/oz -  Nguồn: TradingView.
Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/oz -  Nguồn: TradingView.

Tuy nhiên, giá vàng vẫn đang được hỗ trợ bởi nhu cầu phòng lạm phát và nhu cầu phòng ngừa rủi ro khi giới đầu tư lo ngại kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái – theo nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda.

Giá vàng thế giới tăng đêm qua và sáng nay cho dù lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng và đồng USD vững giá. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã vượt mốc chủ chốt 3%, trong khi chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng bạc xanh dao động trên mốc 102,5 điểm, không có nhiều thay đổi so với sáng hôm qua.

Nhưng trên thị trường vàng vật chất, công ty tư vấn Metals Focus nói rằng nhu cầu tiêu thụ vàng toàn cầu sẽ giảm trong năm nay vì nhu cầu nữ trang và đầu tư vàng nhỏ lẻ ở Trung Quốc suy yếu do phong toả chống Covid-19 và kinh tế giảm tốc.

Gần 11h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 68,8 triệu đồng/lượng (mua vào) và 69,62 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng tương ứng 50.000 đồng/lượng và 70.000 đồng/lượng.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 53,9 triệu đồng/lượng và 54,65 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với sáng qua.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 68,8 triệu đồng/lượng và 69,7 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ hiện đang cao hơn 17,5-17,6 triệu đồng/lượng.

Ngân hàng Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 23.050 đồng (mua vào) và 23.330 đồng (bán ra), không thay đổi so với hôm qua.

Với tỷ giá USD bán ra như trên, giá vàng thế giới quy đổi hiện tương đương 52,1 triệu đồng/lượng.