10:50 10/08/2022

Giá vàng thế giới giữ đà tăng do đồng USD tiếp tục suy yếu

Điệp Vũ

Tuy nhiên, giá vàng miếng trong nước sáng nay (10/8) giảm khá mạnh, khiến chênh lệch giá vàng trong nước-thế giới rút ngắn còn hơn 16 triệu đồng/lượng...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Giá vàng thế giới duy trì xu thế tăng lên gần mốc 1.800 USD/oz do đồng USD tiếp tục xuống giá trong lúc giới đầu tư chờ báo cáo lạm phát của Mỹ. Tuy nhiên, giá vàng miếng trong nước sáng nay (10/8) giảm khá mạnh, khiến chênh lệch giá vàng trong nước-thế giới rút ngắn còn hơn 16 triệu đồng/lượng.

Lúc hơn 10h trưa, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 66,1 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,1 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm 100.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 52,35 triệu đồng/lượng và 53,15 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,1 triệu đồng/lượng và 67,1 triệu đồng/lượng, giảm 250.000 đồng/lượng.

Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc hơn 10h theo giờ Việt Nam đứng ở 1.794,3 USD/oz, giảm 0,6 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại New York. Mức giá này tương đương gần 50,9 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.

So với sáng hôm qua, giá vàng thế giới quy đổi tăng 300.000 đồng/lượng, trong khi giá vàng miếng giảm 250.000 đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng miếng bán lẻ với giá vàng thế giới quy đổi vì thế giảm còn 16,2 triệu đồng/lượng, từ mức 16,75 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua.

Trong phiên Mỹ ngày thứ Ba, giá vàng giao ngay tăng 4,7 USD/oz, tương đương tăng gần 0,3%, chốt ở 1.794,9 USD/oz.

Giá vàng tăng nhờ lực hỗ trợ có được từ sự giảm giá của đồng USD. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm 0,3% trong phiên ngày thứ Ba tại New York. Sáng nay, chỉ số giao dao động quanh dưới 106,3 điểm, từ mức 106,4 điểm vào sáng hôm qua.

Đồng USD giảm giá là động lực chính cho sự phục hồi của giá vàng gần đây, theo chiến lược gia trưởng Daniel Pavilonis của RJO Futures. Tuy nhiên, mốc 1.800 USD/oz đang chứng tỏ là một ngưỡng kháng cự không dễ vượt qua.

Nhà đầu tư đang chờ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 dự kiến được công bố vào ngày thứ Tư bởi Bộ Lao động Mỹ. Theo kỳ vọng, báo cáo sẽ cho thấy lạm phát giảm nhẹ nhờ giá xăng dầu đi xuống. Số liệu từ báo cáo này sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định lãi suất chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp tháng 9.

Giá vàng vẫn đang đương đầu với áp lực giảm từ việc nhiều ngân hàng trung ương trên toàn cầu tăng lãi suất để chống lại sự leo thang của lạm phát. Vàng là kênh đầu tư giúp bảo toàn giá trị khi lạm phát tăng cao, nhưng đồng thời cũng là tài sản không mang lãi suất nên gặp nhiều bất lợi trong môi trường lãi suất tăng.

Phát biểu hôm 8/8, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) Dave Ramsden nói rằng BOE có thể phải tiếp tục nâng lãi suất lên mức cao hơn để chống lại áp lực lạm phát đang bám rễ trong nền kinh tế Anh.

“Nếu số liệu lạm phát của Mỹ thấp hơn dự báo, đó sẽ là một chất xúc tác để giá vàng bứt phá. Còn nếu lạm phát cao hơn dự báo, mốc 1.800 USD/oz sẽ nằm ngoài tầm tay của vàng trong tương lai gần”, nhà phân tích Craig Erlam của Oanda nhận định trong một báo cáo, lý giải rằng lạm phát thấp sẽ mở đường cho Fed bớt cứng rắn và ngược lại.

Trong một cuộc khảo sát do hãng tin Reuters thực hiện, giới phân tích dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Mỹ tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm tốc so với mức tăng 9,1% ghi nhận trong tháng 6.

Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 23.250 đồng (mua vào) và 23.530 đồng (bán ra), không thay đổi so với sáng hôm qua.