09:55 28/10/2013

Giá vàng, USD “bất động” sáng đầu tuần

An Huy

Nhiều doanh nghiệp kim hoàn lớn tại Hà Nội sáng nay giảm mức chênh giữa hai đầu giá còn có 50.000 đồng/lượng

Diễn biến giá vàng SJC tại DOJI - Nguồn: DOJI.<br>
Diễn biến giá vàng SJC tại DOJI - Nguồn: DOJI.<br>
Giá vàng trong nước và thế giới gần như “nằm im” trong sáng đầu tuần hôm nay. Tuần này, giá vàng được dự báo sẽ ít biến động trước khi cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) kết thúc vào ngày thứ Tư.

Lúc hơn 9h sáng nay, Tập đoàn DOJI báo giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 37,3 triệu đồng/lượng (mua vào) và 37,35 triệu đồng/lượng (bán ra). So với lần cập nhật giá gần nhất vào cuối tuần, giá vàng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 10.000 đồng/lượng ở chiều mua và giảm 40.000 đồng/lượng vào chiều bán.

Tại thị trường Tp.HCM cùng thời điểm trên, Công ty SJC niêm yết giá vàng SJC ở mức 37,28 triệu đồng/lượng và 37,35 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và giá bán, giá mua đi ngang còn giá bán cao hơn 10.000 đồng/lượng so với cuối tuần.

Chênh lệch giữa giá mua-và bán vàng đang ở mức thấp. Nhiều doanh nghiệp kim hoàn lớn tại Hà Nội sáng nay giảm mức chênh giữa hai đầu giá còn có 50.000 đồng/lượng. Với mức chênh giá như hiện nay, người dân mua bán vàng sẽ có lợi hơn.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng giảm không đáng kể trong phiên giao dịch “mở hàng” ở châu Á. Với sự ổn định này của giá vàng quốc tế, giá vàng trong nước khó có thể có sự biến động đáng kể bởi tình hình cung-cầu vàng gần đây được nhận xét là đã bão hòa. Thậm chí, ngay cả khi giá vàng quốc tế có biến động mạnh, thì giá vàng trong nước cũng chỉ phản ánh được một phần nhỏ mức độ tăng-giảm của giá thế giới.

Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 26/10, trả lời câu hỏi của báo giới về việc đấu thầu vàng bị “ế”, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, cho rằng bão hoà cung - cầu có thể là một trong những nguyên nhân. Cho dù, theo ông, để đánh giá một cách chính xác hơn thì phải thêm một vài phiên nữa.

Tuần trước, Ngân hàng Nhà nước chỉ tổ chức 1 phiên đấu thầu vàng duy nhất, nhưng dư tới 3.700 lượng trên tổng số 15.000 lượng chào thầu.

Xu thế biến động chậm của giá vàng trong nước đang khiến khả năng sinh lợi của kênh đầu tư này kém đi. Giá vàng SJC đã có hai tuần tăng liên tiếp tính đến tuần trước, nhưng tổng mức tăng chỉ đạt khoảng 100.000 đồng/lượng. Nếu tính từ đầu năm, giá vàng đã giảm hơn 9 triệu đồng/lượng.

Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay không có sự biến động so với cuối tuần. Lúc đầu giờ, một số điểm giao dịch báo giá USD tự do ở mức 21.100-21.110 đồng (mua vào) và 21.130-21.140 đồng (bán ra).

Các ngân hàng thương mại cũng duy trì ổn định giá USD niêm yết. Vietcombank báo giá ngoại tệ này ở mức 21.075 đồng (mua vào) và 21.115 đồng (bán ra). Báo giá USD tại Eximbank tương ứng lần lượt là 21.065 đồng và 21.125 đồng.

Giá vàng giao ngay tại châu Á lúc 9h20 giờ Việt Nam giảm 1,9 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Sáu tuần trước tại New York, còn 1.352 USD/oz. Mức giá này quy đổi theo giá USD tự do và chưa tính các chi phí liên quan tương đương 34,4 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán lẻ khoảng 2,9 triệu đồng/lượng.

Giá vàng quốc tế hiện đang được nâng đỡ bởi khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ duy trì gói nới lỏng định lượng QE3 ở mức 85 tỷ USD thêm một thời gian nữa. Tuy nhiên, nhiều tổ chức dự báo vẫn nghi ngờ về khả năng tăng giá trong dài hạn của vàng, bởi sớm muộn gì cũng đến lúc FED cắt giảm QE3. Các quỹ lớn vẫn đang bán ròng vàng, trong đó quỹ SPDR Gold Trust tuần trước bán ròng hơn 10 tấn.

Tâm điểm chú ý của thị trường trong tuần này là cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, kết thúc vào ngày thứ Tư theo giờ Mỹ của FED. Theo dự báo, FED sẽ tuyên bố giữ nguyên chính sách trong cuộc họp này. Ngoài ra, thị trường cũng quan tâm tới việc giá vàng có giữ được ngưỡng 1.350 USD/oz hiện nay hay không.

Tỷ giá Euro/USD sáng nay ở mức hơn 1,38 USD/Euro, tăng từ mức dưới 1,38 USD/Euro vào sáng thứ Sáu tuần trước.