Giá xăng: Cạnh tranh hay “bắt tay”?
Liệu việc “thả nổi” giá có buộc các doanh nghiệp bước vào cuộc cạnh tranh về giá cả, dịch vụ để thu hút khách hàng?
Chính phủ vừa quyết định đi bước đầu tiên trong lộ trình đưa ngành xăng dầu hội nhập thị trường thế giới bằng cách cho phép các doanh nghiệp tự định giá bán lẻ.
Theo các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu, đây là yếu tố rất quan trọng để các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc kinh doanh. Nhưng người tiêu dùng lại băn khoăn liệu các doanh nghiệp có cạnh tranh hay cùng “bắt tay” đẩy giá?
Một quan chức của Bộ Thương mại cho biết ngay tuần sau sẽ có một cuộc họp để “thống nhất quan điểm” với các doanh nghiệp. “Giá sẽ do các doanh nghiệp quyết định, nhưng việc quản lý của Nhà nước vẫn tiến hành như cũ thôi”, ông nói.
Như vậy, hằng tháng các doanh nghiệp cũng sẽ phải báo cáo về khối lượng nhập, giá cả, lượng hàng tồn kho, lời lãi... Dựa trên các con số này, các cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ biết được giá điều chỉnh của các doanh nghiệp liệu có hợp lý hay không để kịp thời “thổi còi”, không để xảy ra chuyện các doanh nghiệp “bắt tay nhau” muốn tăng bao nhiêu là tăng, hay lúc giá thế giới giảm doanh nghiệp lại không muốn giảm theo.
Một vấn đề khác đặt ra là liệu việc “thả nổi” giá có buộc các doanh nghiệp bước vào cuộc cạnh tranh về giá cả, dịch vụ để thu hút khách hàng? Một chuyên gia xăng dầu khẳng định trước mắt sẽ chẳng có cuộc cạnh tranh nào.
Theo ông, hiện nay 11 doanh nghiệp được trực tiếp nhập khẩu xăng dầu đều của Nhà nước, trong đó Petrolimex chiếm hơn 55% thị phần. Đứng thứ hai là PetroVietnam với hai công ty thành viên là PDC và Petechim, kế tiếp là Petec thuộc Bộ Thương mại và Saigon Petro của Ban tài chính quản trị Thành ủy Tp.HCM.
Bốn “ông lớn” này đang chiếm tổng cộng khoảng 90% thị phần cả nước. “Họ không dại gì cạnh tranh căng thẳng với nhau bằng cách hạ giá hay bán rẻ. Kho cảng còn bé nhỏ, đại lý khó mở rộng thêm, quĩ đầu tư phát triển hạn chế... nói chung nguồn lực bị đóng khung”, ông phân tích.
Trưởng phòng kinh doanh một doanh nghiệp thừa nhận Petrolimex đang giữ vai trò “anh cả”, vì vậy cứ “nương” theo giá của Petrolimex là “sống” được. “Petrolimex thường nhập với số lượng lớn nên giá rẻ hơn, hơn nữa mạng lưới bán lẻ của họ lại đang áp đảo. Tôi nghĩ nếu có chênh lệch với Petrolimex thì cũng chỉ một vài chục đồng mỗi lít thôi”, ông bày tỏ.
Những người “nhấp nhổm”
Theo các doanh nghiệp trong ngành, người “nhấp nhổm” đầu tiên khi đón nhận nghị định này chính là Công ty Cổ phần Vật tư - Xăng dầu (Comeco).
Comeco đang có một lộ trình khá hoàn hảo để trở thành công ty cổ phần đầu tiên được phép trực tiếp nhập khẩu xăng dầu. Comeco đã khởi công xây dựng tổng kho xăng dầu tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) trên khu đất rộng 20ha với tổng vốn đầu tư 134 tỉ đồng, sau khi hoàn thành (dự kiến cuối năm tới) sẽ là một trong những tổng kho xăng dầu lớn nhất của Việt Nam. Ngoài ra, công ty hiện nay cũng đang vận hành khoảng 30 cửa hàng bán lẻ ở những vị trí khá đắc địa của Tp.HCM.
“Chúng tôi mong muốn được trực tiếp nhập khẩu, vì như thế sẽ chủ động về nguồn hàng, giá cả và chất lượng khi đưa hàng ra thị trường”, một đại diện của Comeco nói.
Công ty Cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn (SFC) cũng được kỳ vọng là doanh nghiệp thứ hai được phép tham gia nhập khẩu. Cũng như Comeco, SFC đang có lợi thế về số cửa hàng bán lẻ, đặc biệt về vốn đầu tư cho phát triển khá dồi dào do cả hai đều đang niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Tp.HCM, khả năng huy động thêm vốn là khá dễ dàng.
“Họ đã là công ty cổ phần, đã niêm yết, đương nhiên sẽ năng động hơn trong việc tìm nguồn hàng rẻ, tàu tốt, chi phí vận hành doanh nghiệp cũng thấp hơn, do đó giá bán sẽ cạnh tranh hơn các “ông” quốc doanh. Thị trường xăng dầu chỉ thật sự có cạnh tranh khi có sự tham gia của các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài”, một chuyên gia chứng khoán phân tích.
Sau Comeco và SFC, một số các công ty kinh doanh gas cũng đang có tham vọng nhảy vào thị trường xăng dầu. Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh gas thẳng thắn: “Chúng tôi đã có dự án xây kho chứa, hiện đã chuẩn bị đất, khoảng 5ha. Chỉ chờ được phép là chúng tôi “bung” liền”.
Theo các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu, đây là yếu tố rất quan trọng để các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc kinh doanh. Nhưng người tiêu dùng lại băn khoăn liệu các doanh nghiệp có cạnh tranh hay cùng “bắt tay” đẩy giá?
Một quan chức của Bộ Thương mại cho biết ngay tuần sau sẽ có một cuộc họp để “thống nhất quan điểm” với các doanh nghiệp. “Giá sẽ do các doanh nghiệp quyết định, nhưng việc quản lý của Nhà nước vẫn tiến hành như cũ thôi”, ông nói.
Như vậy, hằng tháng các doanh nghiệp cũng sẽ phải báo cáo về khối lượng nhập, giá cả, lượng hàng tồn kho, lời lãi... Dựa trên các con số này, các cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ biết được giá điều chỉnh của các doanh nghiệp liệu có hợp lý hay không để kịp thời “thổi còi”, không để xảy ra chuyện các doanh nghiệp “bắt tay nhau” muốn tăng bao nhiêu là tăng, hay lúc giá thế giới giảm doanh nghiệp lại không muốn giảm theo.
Một vấn đề khác đặt ra là liệu việc “thả nổi” giá có buộc các doanh nghiệp bước vào cuộc cạnh tranh về giá cả, dịch vụ để thu hút khách hàng? Một chuyên gia xăng dầu khẳng định trước mắt sẽ chẳng có cuộc cạnh tranh nào.
Theo ông, hiện nay 11 doanh nghiệp được trực tiếp nhập khẩu xăng dầu đều của Nhà nước, trong đó Petrolimex chiếm hơn 55% thị phần. Đứng thứ hai là PetroVietnam với hai công ty thành viên là PDC và Petechim, kế tiếp là Petec thuộc Bộ Thương mại và Saigon Petro của Ban tài chính quản trị Thành ủy Tp.HCM.
Bốn “ông lớn” này đang chiếm tổng cộng khoảng 90% thị phần cả nước. “Họ không dại gì cạnh tranh căng thẳng với nhau bằng cách hạ giá hay bán rẻ. Kho cảng còn bé nhỏ, đại lý khó mở rộng thêm, quĩ đầu tư phát triển hạn chế... nói chung nguồn lực bị đóng khung”, ông phân tích.
Trưởng phòng kinh doanh một doanh nghiệp thừa nhận Petrolimex đang giữ vai trò “anh cả”, vì vậy cứ “nương” theo giá của Petrolimex là “sống” được. “Petrolimex thường nhập với số lượng lớn nên giá rẻ hơn, hơn nữa mạng lưới bán lẻ của họ lại đang áp đảo. Tôi nghĩ nếu có chênh lệch với Petrolimex thì cũng chỉ một vài chục đồng mỗi lít thôi”, ông bày tỏ.
Những người “nhấp nhổm”
Theo các doanh nghiệp trong ngành, người “nhấp nhổm” đầu tiên khi đón nhận nghị định này chính là Công ty Cổ phần Vật tư - Xăng dầu (Comeco).
Comeco đang có một lộ trình khá hoàn hảo để trở thành công ty cổ phần đầu tiên được phép trực tiếp nhập khẩu xăng dầu. Comeco đã khởi công xây dựng tổng kho xăng dầu tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) trên khu đất rộng 20ha với tổng vốn đầu tư 134 tỉ đồng, sau khi hoàn thành (dự kiến cuối năm tới) sẽ là một trong những tổng kho xăng dầu lớn nhất của Việt Nam. Ngoài ra, công ty hiện nay cũng đang vận hành khoảng 30 cửa hàng bán lẻ ở những vị trí khá đắc địa của Tp.HCM.
“Chúng tôi mong muốn được trực tiếp nhập khẩu, vì như thế sẽ chủ động về nguồn hàng, giá cả và chất lượng khi đưa hàng ra thị trường”, một đại diện của Comeco nói.
Công ty Cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn (SFC) cũng được kỳ vọng là doanh nghiệp thứ hai được phép tham gia nhập khẩu. Cũng như Comeco, SFC đang có lợi thế về số cửa hàng bán lẻ, đặc biệt về vốn đầu tư cho phát triển khá dồi dào do cả hai đều đang niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Tp.HCM, khả năng huy động thêm vốn là khá dễ dàng.
“Họ đã là công ty cổ phần, đã niêm yết, đương nhiên sẽ năng động hơn trong việc tìm nguồn hàng rẻ, tàu tốt, chi phí vận hành doanh nghiệp cũng thấp hơn, do đó giá bán sẽ cạnh tranh hơn các “ông” quốc doanh. Thị trường xăng dầu chỉ thật sự có cạnh tranh khi có sự tham gia của các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài”, một chuyên gia chứng khoán phân tích.
Sau Comeco và SFC, một số các công ty kinh doanh gas cũng đang có tham vọng nhảy vào thị trường xăng dầu. Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh gas thẳng thắn: “Chúng tôi đã có dự án xây kho chứa, hiện đã chuẩn bị đất, khoảng 5ha. Chỉ chờ được phép là chúng tôi “bung” liền”.